Tạp chí Sông Hương -
Hoàng Tùng - nhà báo không thích tên tuổi
14:46 | 05/07/2010
Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14.1.1920, tại xã Nhân Hoà, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ thuở niên thiếu, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng.
Hoàng Tùng - nhà báo không thích tên tuổi
Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14.1.1920, tại xã Nhân Hoà, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ thuở niên thiếu, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng. Hoàng Tùng có đời làm báo hơn 70 năm, ông là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân gần 30 năm liền.

Nhà báo Hoàng Tùng mất ngày 29.6 vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi. Báo Lao Động trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo lão thành Phan Quang về đồng nghiệp đáng kính Hoàng Tùng.

Sau Hiệp định Genève 1954, tôi đang làm việc ở báo Cứu quốc Liên khu 4 thì được lệnh điều ra Báo Nhân Dân. Năm ấy, tỉnh Nghệ An bị trận lụt to. Đê sông Lam vỡ nhiều đoạn. Mãi đến đầu tháng 10, tôi mới đến được toà soạn báo, lúc này đã từ Chiến khu Việt Bắc dời về đóng tạm tại huyện Đan Phượng (Hà Tây), chờ vào thủ đô.

Trong hơn sáu năm làm việc, tôi dùng bút danh Hoàng Tùng. Tuổi hai mươi, điếc không sợ súng, thượng vàng hạ cám toà soạn giao việc gì cũng nhận, mặt trận ác liệt nào cũng xông, tên ký ấy xuất hiện với tần số khá dày trên mặt báo.

Trình giấy tờ xong, một người bạn quen từ trước dẫn tôi sang phòng bên ra mắt thủ trưởng, ông Hoàng Tùng. Ông đang lúi húi làm việc ở bàn. Sau khi hỏi han, chuyện trò đôi câu, thấy ông bận, tôi đứng dậy cáo từ. Ông chìa tay ra bắt và với cái giọng tưng tửng, nói: “Anh Hoàng Tùng à, anh là Hoàng Tùng, tôi cũng là Hoàng Tùng. Tôi nghĩ ở Báo Nhân Dân ta chỉ nên có một Hoàng Tùng, hoặc là anh, hoặc là tôi”.

Bút danh Hoàng Tùng của ông Trần Khánh Thọ xuất hiện lần đầu khoảng 1948 - 1949 tại Chiến khu Việt Bắc, trên trang bìa báo Sự Thật, cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, với tư cách chủ nhiệm báo. Từ năm 1951, Báo Nhân Dân ra đời, ông là người phụ trách chính, làm tổng biên tập hơn 30 năm, trừ vài quãng thời gian ngắn gián đoạn.

Nhưng cái tên ký Hoàng Tùng trong suốt thời gian ấy được in trên mặt báo đâu chỉ mươi lần. Là cây chính luận chính của báo, ông đã viết nhiều trăm bài. Tên ký bài báo nói lên trách nhiệm của người viết đối với bạn đọc. Nhưng hai chữ Nhân Dân đi kèm các bài xã luận đã quá đủ. Ông cũng có viết nhiều chuyên luận, tiểu phẩm..., các tên ký thay đổi tuỳ nội dung và thời cuộc: Người bình luận, Người quan sát, Chính Nghĩa, Chân Lý..., hoặc ngẫu hứng, nếu là tiểu phẩm.

Sau khi ông nghỉ hưu, đọc những bài ngắn vài ba trăm từ ở trang cuối báo Nhân Dân văn phong khó lẫn với ai, ký Yên Chi, tôi nghĩ ngay đến ông. Đã đến lúc ông được “lão giã yên chi”, vậy mà cây bút đâu có chịu yên cho.

Tôi nghĩ, ông ghi lòng tạc dạ lời Bác Hồ, mà ông là một trong những học trò được Bác trực tiếp dạy bảo mấy chục năm. Tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4 năm 1959, nói chuyện với các nhà báo, Bác Hồ khuyên người làm báo không nên nghĩ chuyện viết báo để “lưu danh thiên cổ”, chớ nên cho là phải viết bài dài cho oai, chỉ thích đăng bài lên các báo lớn...

Hai mươi tám năm làm việc dưới quyền ông, tôi được vinh dự đôi ba lần ký tên chung với tổng biên tập. Mùa thu năm 1962, ông nhờ tôi đưa về thăm Khu 4 là nơi tôi khá quen thuộc. Đi một mạch vào sông Hiền Lương, Cửa Tùng làm việc với Đặc khu uỷ Vĩnh Linh, lúc trở ra ghé thăm Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), ngọn cờ đầu của phong trào thi đua nông nghiệp do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát động.

Làm việc với chủ nhiệm hợp tác xã, chúng tôi phát hiện một nghịch lý: Tỉnh có chủ trương tăng nhanh diện tích gieo trồng lúa. Cấp dưới chạy theo thành tích, ép dân bất kỳ nơi nào cũng phải làm ba vụ lúa một năm. Mà Hợp tác xã Đại Phong nằm vào vùng trũng huyện Lệ Thuỷ, miền Trung lũ lụt thất thường, làm dấn một vụ lúa vào tháng tám ta (miền Trung gọi làm mùa trái) lúa có thể tốt bời bời, chỉ sau một trận mưa to là cả cánh đồng nước ngập trắng băng, y như mất trắng. Gieo cấy năm vụ, may ra trúng mùa một vụ. Tại sao không dùng diện tích đồng trũng vào việc khác: Trồng cói để dệt chiếu, nuôi cá theo mùa chẳng hạn, để có thêm việc làm lúc nông nhàn?

Trên xe, hai anh em trao đổi. Ông bảo tôi nên viết thành bài. Tôi nộp quyển. Ông đọc qua, ký duyệt cho đăng luôn. Lại còn bảo: “Ký tên chung hai anh em nhé?”. Vui sao, bài báo với cái đầu đề lòng thòng vô bổ (để khỏi làm mích lòng ai): “Chung quanh vấn đề diện tích và năng suất ở Hợp tác xã Đại Phong” đăng ngày 18.10.1962 lại có mặt trong Tuyển tập Những bài báo chính luận của Hoàng Tùng, in năm 2001, do Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp thực hiện, nhân kỷ niệm nửa thế kỷ ra đời tờ báo.

Tháng 9.1965, tôi được cùng ông sang Bình Nhưỡng dự Quốc khánh CHDCND Triều Tiên theo lời mời của bạn. Đoàn được Thủ tướng Kim Nhật Thành tiếp và chuyện trò thân mật cả tiếng đồng hồ. Sau mười ngày thăm thú gần khắp đất nước này, chúng tôi quay lại Bắc Kinh để về nước, thì bạn Trung Quốc nồng nhiệt mời ở lại dự quốc khánh nước bạn, ngày 1 tháng mười. Để khước từ, ông nói khó để bạn chấp nhận cho ông về nước “có việc rất gấp trung ương giao”, để lại mình tôi thay mặt đoàn. Tự dưng tôi trở thành một “quốc khách” của bạn.

Một tuần sau, vừa nhìn thấy tôi ló mặt bên gốc đa Hàng Trống, ông đã cau mặt: “Làm gì ở lâu đến vậy?”. Nhận thấy mình vô lý, ông hạ giọng: “Anh viết ngay bài cho kịp kỷ niệm ngày anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh. Về Triều Tiên, hai bài. Một bài nói phong trào chung. Một bài riêng về đợt bạn thi đua noi gương anh Nguyễn Văn Trỗi. Viết luôn! Xong, rồi hẵng viết về Trung Quốc”.

Hai bài đều dài, mỗi bài chiếm gần trang báo. Ông cũng chỉ đọc qua, không thấy sửa sang, còn thêm tên ông vào cuối bài (đăng số báo ra ngày 17.10.1965). Tôi hiểu. Bài về Hợp tác xã Đại Phong là nhằm tăng thêm sức thuyết phục đối với địa phương. Còn bài sau, vì đối ngoại!

Theo Phan Quang - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng