Tạp chí Sông Hương -
Tây Ban Nha làm phim về nội chiến
15:00 | 05/07/2010
Những tên tuổi hàng đầu của nền nghệ thuật Tây Ban Nha như đạo diễn Pedro Almodovar, diễn viên Javier Bardem... cùng góp mặt trong một bộ phim tài liệu liên quan cuộc nội chiến (17/7/1936 – 1/4/1939) dưới thời độc tài Franco.
Tây Ban Nha làm phim về nội chiến
Bộ phim bắt đầu bằng một góc quay cận cảnh khuôn mặt của Pedro Almodovar. “Tôi tên là Virgilio Leret Ruiz - ông lên tiếng - Tôi là một phi công, người đứng đầu lực lượng không quân tại đông bắc Morocco. Tôi từ chối ủng hộ việc nổi dậy và vào chiều ngày 18 tháng 7 năm 1936, tôi bị ám sát bởi chính đồng đội của mình”. Lời độc thoại kết thúc với tiếng súng xối xả.

Những hình ảnh trên không nằm trong một bộ phim mới nào của người đạo diễn 58 tuổi, từng đoạt giải Oscar năm 2002 mà nằm trong bộ phim tài liệu dài 10 phút do Almodovar cùng với 15 diễn viên, nghệ sĩ và nhà văn Tây Ban Nha khác, trong đó có cả ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Javier Bardem... xây dựng. Trong phim, họ sử dụng giọng nói của mình để lên tiếng thay cho những người Cộng hoà - những nạn nhân trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Được khởi chiếu tại Madrid từ cuối tuần trước và hiện đang thu hút rất nhiều sự quan tâm trên trang video trực tuyến Youtube, bộ phim ngắn này thể hiện thái độ phản đối của giới nghệ sĩ Tây Ban Nha trước quyết định của Toà án tối cao nước này về việc xử phạt quan toà Baltasar Garzon do ông tiếp tục điều tra những tội ác chiến tranh dưới thời Franco, bất chấp lệnh ân xá đã được ban vào năm 1977. Đồng thời, nó cũng là lời kêu gọi sự ủng hộ của người dân Tây Ban Nha cho những gia đình nạn nhân xấu số vẫn đang tìm kiếm người thân của mình trong những tấm mộ vô danh nằm rải rác trên khắp những chiến trường xưa.

Trong tác phẩm của mình, Almodovar và các đồng nghiệp đưa lên màn ảnh 15 câu chuyện của 15 người phụ nữ và đàn ông - những nạn nhân bị tra tấn hoặc bị hành quyết bởi chính quyền Franco. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số 114.000 trường hợp bị “mất tích theo lệnh” mà quan toà Garzon đã điều tra.

Mỗi câu chuyện khác nhau, nhưng đều kết thúc với thông điệp mở: “Tôi không bị xử trong một toà án, không có một luật sư và không bị tuyên một mức án nào. Gia đình tôi vẫn đang tìm kiếm tôi. Cho đến bao giờ?”.

Tiếp sau sự xuất hiện của Almodovar, nữ diễn viên Maribel Verdu, nổi tiếng với hai vai diễn trong các bộ phim “Epoque” và “Pan’s Labyrinth”, thể hiện câu chuyện của Primitiva Rodriguez. Primitiva bị hãm hiếp, sau đó bị bắn chết ngay trước mặt người cháu gái vào năm 1947 vì đã giúp đỡ lực lượng du kích.

Nhân vật của nhà văn Almuden Grandes là Granada Garzon, người đã bị cảnh sát bắt vì không làm đám cưới trong nhà thờ. “Đầu tiên họ tước bỏ quyền tôn giáo của tôi, sau đó hãm hiếp và cuối cùng bắn chết tôi với 16 người phụ nữ khác” - Almuden Grandes thay Garzon nói.

Nam diễn viên Paco Leon vào vai chính người của mình - một giáo viên ở Seville. “Một trong những học sinh của tôi tố cáo với cảnh sát rằng tôi là một người Cộng hoà và thế là họ bắt tôi - Nhân vật của Leo nhớ lại - Con trai cả đem thức ăn vào tù nuôi tôi mỗi ngày cho đến một hôm họ thông báo rằng nó không cần phải làm vậy nữa. Họ đã hành quyết tôi rồi”.

Ngôi sao Javier Bardem kết thúc bộ phim với câu chuyện của một cậu bé chăn cừu mới 18 tuổi bị xử tử vì tội ăn trộm thức ăn. Do đạn trên pháp trường chưa giết được em, nên cảnh sát đã ra tay đánh em cho đến chết.

“Tên tôi là Francisco Escribano - Bardem thể hiện nhân vật của mình - Họ hành quyết tôi vì tôi đã ăn trộm cho những người đàn ông trên núi hai bao đậu, một cái chăn, một cái kéo, sáu đôi tất, sáu cái găng tay và 10 đồng. Vì tội này, tôi bị xử tử vào mồng 1/7/1941. Cũng vì thế, cha, hai cậu và anh họ của tôi cũng bị chết cùng tôi”.

Tổ chức Phục hồi Ký ức chiến tranh, đơn vị đã đứng ra khởi xướng việc khai quật trên diện rộng những ngôi mộ của nạn nhân trong và sau cuộc nội chiến, hy vọng rằng bộ phim sẽ khiến Toà án Tối cao cảm thấy “hổ thẹn” với quyết định của mình; đồng thời gây sức ép để các toà án nước này cho phép việc tìm kiếm hài cốt những người đã mất. Gia đình của những nạn nhân xấu số thực sự đã rất cảm động trước hành động của các nghệ sĩ nổi tiếng.

“Tôi không thể tin rằng, những ngôi sao như vậy đã dành thời gian giúp đỡ chúng tôi nhiều đến vậy”  - Hilda Farfante cho biết. Bố mẹ của bà là hai giáo viên bị xử tử vào năm 1936.

Theo Tiểu Phương - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng