Tạp chí Sông Hương -
Thị trường nhạc Việt: “băng” mãi chưa tan - Kỳ cuối: Nín thở chờ ngày mai
09:11 | 08/07/2010
Sau chuỗi ngày dài ảm đạm, các nhà chuyên môn lẫn công chúng đều đang mong mùa xuân về trên cánh đồng nhạc Việt. Nhưng khi nào?
Thị trường nhạc Việt: “băng” mãi chưa tan - Kỳ cuối: Nín thở chờ ngày mai

Công chúng vẫn luôn chờ đợi và không bỏ rơi những sản phẩm giá trị của những người làm nghề nghiêm túc. Từ trái qua: các ca sĩ Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa, Tùng Dương - Ảnh: Gia Tiến
Trước câu hỏi bao giờ nhạc Việt hồi sinh, không ca sĩ hay nhạc sĩ nào dám đưa ra thời điểm cụ thể mà chỉ là những cái lắc đầu: “Khó lắm!”. Họ có lý bởi với những chỉ dấu hiện tại, nếu không có những thay đổi quyết liệt mang tính đột phá sẽ không mong gì chuyện ngày mai trời sáng.

Thay đổi để thích ứng

Trước các biến chuyển mạnh mẽ của thị trường, những người trong cuộc bị đẩy vào vị trí buộc phải lựa chọn: thay đổi hay là chết. Sau nhiều năm bị than phiền về cách thức tổ chức, chất lượng nghệ thuật, Album vàng đã chấp nhận cải tiến nội dung, “thay máu” ban giám khảo. Giờ đây khán giả của sân chơi này đã có thể yên tâm những đĩa nhạc chỉ có 40% giám khảo lựa chọn không thể cứ được gọi là “vàng” như trước. Bài hát Việt thay vì thực hiện live show hằng tháng đã kéo giãn thành chu

kỳ quý và cố gắng trình bày trước công chúng những thực đơn âm nhạc đa dạng mà sự có mặt của nhóm Đại - Lâm - Linh trong chương trình tháng 6 là một minh chứng. Con đường âm nhạc trở lại với khán giả bằng những tác phẩm được chọn lọc kỹ hơn và những giọng hát có chất hơn. Tuy sẽ cần thêm thời gian để xác định liệu những chiếc áo mới ấy có thật đẹp và hợp dáng từng chương trình thì thay đổi là điều tốt hơn cứ giẫm chân một chỗ.

Bên cạnh một số nhạc sĩ chỉ ngồi yên và “kêu khóc”, nhiều tác giả đã chủ động tìm đầu ra cho tác phẩm của mình. Các nhạc sĩ thuộc Chi hội 6 Hội Âm nhạc TP.HCM chung sức thực hiện live show riêng, phối hợp với đài truyền hình phát sóng đến công chúng. Nguyễn Hồng Thuận, Đức Tiến, Hoài An... đưa tác phẩm lên Facebook, Nhạc của tui và các trang mạng âm nhạc với mục tiêu quảng bá rõ ràng. Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Hoài An nói: “Đĩa nhạc tung ra dù mình muốn hay không thì các trang mạng cũng lấy nên thôi thì mình chủ động đưa cho họ để đảm bảo chất lượng cũng như độ chính xác của thông tin, nhờ đó quảng bá tác phẩm”. Bên cạnh đó, ca sĩ, nhạc sĩ cũng đã ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, thu tiền nhạc chuông, nhạc chờ thay vì tuyệt vọng với khoản phí thu được nhờ bán đĩa.

Bài toán tương lai

Để giải quyết bài toán tương lai nhạc Việt, theo đề xuất của ông Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, nên giao cho hội một kênh truyền hình riêng nhằm phổ biến tác phẩm. Đó cũng là sáng kiến từng được nhiều nhạc sĩ nêu ra trong các hội thảo về âm nhạc, giúp cân bằng thị trường trong bối cảnh tác phẩm kém tràn lan trong khi những tác phẩm chất lượng lại không thể đến được với công chúng.

Thế nhưng liệu hội có đủ khả năng, kinh phí, hạ tầng kỹ thuật... để vận hành một kênh truyền hình hay không lại là điều rất cần quan tâm. Khi các kênh truyền hình như HTVC ca nhạc, YanTV, Yeah1TV, SNTV vẫn đang phải gồng mình trước gánh nặng “phát cái gì”, “tiền đâu làm” thì giải pháp “phối hợp với các đài truyền hình làm từng chương trình” như ý kiến của ông Lê Đức Hùng, giám đốc Trung tâm truyền hình cáp HTVC, có vẻ khả thi hơn. Ông Hùng nhấn mạnh: “Nếu chương trình anh hay, thu hút được công chúng, có ý nghĩa, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện”.

Các khóa học của Hội Âm nhạc TP.HCM cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của lớp tác giả trẻ, giúp họ nâng cao khả năng chuyên môn, nhận thức về tác phẩm. Ý tưởng về một hội chợ băng đĩa với những hoạt động như ký tặng, giảm giá, giao lưu kết hợp biểu diễn được nhiều người xem là giải pháp kích cầu cho thị trường, kéo khán giả về với thói quen văn minh - mua đĩa gốc. Song điều đáng quan tâm nhất trong câu chuyện vẫn là vai trò của các cơ quan quản lý văn hóa, thông tin.

Âm nhạc xuống cấp, biểu hiện rõ nhất là những ca khúc mà nhiều người phải dùng đến từ “thảm họa” để nhận xét, các nhà quản lý không phải không thấy. Nhưng họ đã làm gì để giải quyết hay vẫn tiếp tục để chúng ồ ạt ra mắt khán giả? Những trang mạng giải trí theo kiểu “lộ hàng”, “đánh ghen”, “thanh minh giới tính”... từng bị chỉ mặt đặt tên vẫn tiếp tục sống ung dung, cổ xúy cho các giá trị ảo ngay trước mắt nhà chức trách.

Như một cánh đồng lúa còn mới mẻ, nơi lúa non và cỏ dại chen chúc nhau phát triển, ngoài việc mạ tự thân phải phát triển mạnh mẽ hơn, bàn tay chăm sóc của nhà quản lý là vô cùng cần thiết để cỏ dại bị loại trừ, giúp cây lúa trổ hoa. Để nhạc Việt hồi sinh, những người liên quan thật ra chỉ cần làm đúng chức trách của mình: nhạc sĩ viết tác phẩm chất lượng, ca sĩ giới thiệu đến công chúng những sản phẩm giá trị và Nhà nước kiểm soát chặt chẽ những biến tướng trên thị trường. Có quá khó không?

* Ông Lê Đức Hùng (giám đốc Trung tâm truyền hình cáp HTVC): Những phản ánh của Tuổi Trẻ cho rằng truyền thông góp phần giết chết thị trường nhạc Việt, tôi cho là hợp lý. Nhưng nói như thế cũng tội cho chúng tôi. Hầu hết kênh truyền hình chuyên về âm nhạc hiện nay đều rất tự phát, mạnh ông nào ông nấy làm, thiếu một nhạc trưởng đủ tầm vóc điều phối. Giá như các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách hỗ trợ các chương trình, tác phẩm tốt và hạn chế những tác phẩm kém thì sự việc đã không đến mức như vậy.

* Ca sĩ Đức Tuấn: Nếu nói những tác phẩm tốt không có cơ hội vang lên thì ta phải trách ta tại sao không làm cho chúng vang lên! Phải chăng vì ta thấy nhạc teen xuất hiện tràn lan nên cứ làm theo mà sẵn sàng bỏ qua những đối tượng khán giả khác? Những chương trình của Tuấn vẫn có nhiều khán giả quan tâm. Tuấn vẫn bán được nhạc trên các hệ thống phát hành nhạc số, nhạc chuông, nhạc chờ và sắp tới Tuấn tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài làm những chương trình như mọi người đã thấy. Đừng trách khán giả mà hãy mang đến cho họ những sản phẩm chất lượng, họ sẽ không bỏ rơi ta.

                                                                                                              Theo TT









Các bài mới
Các bài đã đăng
(08/07/2010)