Tạp chí Sông Hương -
Bản giao hưởng đặc biệt về thành phố ngàn năm
09:30 | 12/07/2010
Vào dịp 100 ngày trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội với hàng trăm nhạc công của Học viện Âm nhạc quốc gia sẽ trình bày 2 bản giao hưởng của nhạc sĩ (NS) Vĩnh Cát về đề tài Hà Nội.
Bản giao hưởng đặc biệt về thành phố ngàn năm
Nhạc sĩ Vĩnh Cát - Ảnh: Việt Chiến
"Tôi viết 2 bản giao hưởng này trong hơn một năm, viết từ tháng 10.2008 đến tháng 12.2009 thì hoàn thành. Tôi năm nay 76 tuổi và có thể nói đây là 2 bản giao hưởng cuối cùng của đời tôi. Tôi viết nhạc giao hưởng từ những năm 1959 - 1960, và cũng là một trong những nhạc sĩ viết giao hưởng đầu tiên ở VN, cho đến nay đã đúng nửa thế kỷ tôi viết nhạc giao hưởng. Đây là tác phẩm giao hưởng đầu tiên tôi viết trực tiếp về đề tài Hà Nội", NS Vĩnh Cát tâm sự.

Trong hai bản giao hưởng nói trên, bản thứ nhất là bản concerto viết cho violon hòa tấu cùng dàn nhạc có tiêu đề Đây sông Hồng - sông Cái gồm 3 chương  Soi bóng kinh thành, Lấp lánh đỏ sóng phù sa, Mãi dạt dào ơi dòng sông

Bản giao hưởng thứ hai có tiêu đề Không chỉ là huyền thoại gồm 5 chương: Chương 1 Đế đô cho muôn đời mượn ý trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, chọn thế "rồng cuộn, hổ ngồi" cho con cháu muôn đời. Chương 2 Tình người Thăng Long - Hà Nội nói về tình nhân ái, thủy chung, vị tha, hào hoa, phong nhã của người Hà Nội, đồng thời cũng mang tinh thần rất quyết liệt khi đứng lên bảo vệ Tổ quốc, khi "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Chương 3 Những thiên sử vàng nói về mảnh đất qua ngàn năm đã bao lần đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, chống "giặc đói, giặc dốt" trong suốt chiều dài lịch sử với nhiều chiến công chói lọi. Chương 4 Sức sống kinh kỳ nói lên cội nguồn sức mạnh của nền văn hóa, văn hiến Thăng Long - văn hiến Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích lịch sử. Chương 5 Đất nước Tiên Rồng cất cánh. "Tôi đã đưa vào một số chương của bản nhạc giao hưởng này các âm hưởng của không khí lễ hội dân gian, nhạc cồng chiêng, nhạc ca trù với tiếng đàn đáy, tiếng trống phách, tiếng chuông mõ, tiếng tụng kinh, cầu nguyện. Tôi đã đưa vào trong đó các giai điệu VN, tâm hồn VN, các tiết tấu VN", NS Vĩnh Cát nói.

Theo Việt Chiến - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng
(09/07/2010)