Bagan tập trung các kiệt tác kiến trúc nguy nga, đồ sộ thuộc 2 thế kỷ và sánh ngang với hai quần thể đền tháp Phật giáo vĩ đại là đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur tại miền trung đảo Java, Indonesia. Bagan có tới 2217 ngôi đền chùa vẫn tồn tại và 2000 công trình đã bị phá hủy- tàn tích còn lại của một thời kiến trúc vàng son tại Myanmar. Bagan đã từng là thủ đô của trong vòng 230 năm, giữa thế kỷ 11 và 13.
Một điều đặc biệt là tất cả các đền chùa của Bagan chỉ nằm trong diện tích 42km vuông bên trái bờ sông Ayeyarwady, nay được biết đến là vùng Bagan cũ (Bagan Plain). Những công trình đền chùa còn sót lại chính là hiện thân của một lối kiến trúc đã tiệt chủng, từ những chùa búp tháp đặc kín trong giai đoạn đầu của thời Mon cho tới những ngôi đền có kiến trúc rỗng bên trong của thời hậu Mon.
Kiến trúc Mon rất phổ biến tại các ngôi chùa lớn của Bagan, một trong số đó là chùa vàng Shwezigon. Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện và cũng là mẫu tiêu biểu cho các ngôi chùa sau này. Nhìn từ xa, du khách sẽ cảm nhận được vẻ linh thiêng toát ra từ kiến trúc kiên cố, tháp trên cùng hình trụ thếp vàng, đặt trên ba tầng tháp vuông. Bên cạnh chùa Shwezigon “cổ xưa nhất”, Bagan còn có ngôi đền Ananda “đẹp nhất”; chùa Thatbyinyu “cao nhất” và cuối cùng là chùa Dhamma Yangyi “đồ sộ nhất”.
Bagan tráng lệ, rực rỡ trong ánh bình minh và mơ màng trong dáng chiều đỏ ửng. Những toà tháp cao thấp khác nhau được đánh thứ tự đến số hàng nghìn, nhấp nhô xen kẽ. Từ trên đỉnh tháp Shwesandaw nhìn xuống, khung cảnh hùng vĩ, mênh mông chùa tháp hiện lên như một bức tranh khổng lồ, khiến những ai đã từng một lần được đặt chân tới Bagan không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ và thán phục cái thời hoàng kim mà vị vua Annawrahta đã gây dựng. Dù cuộc sống bên ngoài thế giới có nhộn nhịp và sôi động thế nào thì cố đô Bagan vẫn nằm đó, bình yên và và trầm mặc như đã ngủ quên vào quá khứ từ hàng thế kỷ trước.
Theo Danh Tùng - VnMedia
|