Trong nhiệm kì IV, 2005 - 2010, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế đã có những hoạt động nghề nghiệp nổi bật như: .Thành lập Ban biên soạn Tổng mục lục các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế, Ban biên soạn đã hoàn thành bản thảo. Hưởng ứng kế hoạch Tầm nhìn 2010 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội đã lên kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu những lĩnh vực đang bỏ ngỏ. Với Dự án Công bố, phổ biến Tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian Việt Nam do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện, trong số 100 công trình đầu tiên ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2010, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế có 6 đầu sách (của các tác giả Tôn Thất Bình, Trần Hoàng, Nguyễn Thị Sửu, Triều Nguyên); Thực hiện đều đặn mỗi năm một tập Nghiên cứu Văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế.
Trong năm 2008, bốn hội viên của Hội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian: ông Trần Hữu Nhơn (kim hoàn), ông Lê Hoành Khánh (chạm khắc gỗ), bà Minh Mẫn (ca Huế), bà Hoàng Thị Như Huy (ẩm thực). Phần lớn hội viên của Hội đều đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan quản lí văn hoá nghệ thuật, có tay nghề tương đối vững vàng. Các công trình đã công bố cho thấy đã có sự phân bố khá đều khắp, khá hợp lí trên các lĩnh vực folklore. Về nghiên cứu và giảng dạy văn hoá dân gian, có Trần Đại Vinh, Trần Hoàng, Trần Đình Hằng;... ; nghiên cứu về lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, có Tôn Thất Bình, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Lê Thọ Quốc,... nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian, có Phan Thị Đào, Phạm Bá Thịnh, Triều Nguyên,... ; nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân gian, có Hà Sâm, Dương Bích Hà, Thân Trọng Bình,... ; nghiên cứu và giảng dạy về mĩ thuật, kiến trúc, có Vĩnh Phối, Trần Đức Anh Sơn, Lê Anh Tuấn,... ; nghiên cứu về nghề và làng nghề truyền thống, có Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thế, Nguyễn Thị Tâm Hạnh,... ; nghiên cứu về văn hoá làng xã, có Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết, Dương Phước Thu,... ; nghiên cứu về văn hoá các dân tộc ít người, có Nguyễn Thị Sửu, Mai Khắc Ứng, Vĩnh Phúc, Trần Nguyễn Khánh Phong,... ; lĩnh vực biểu diễn, có các NSƯT Thái Hùng, Châu Dinh, La Cẩm Vân,... Tất nhiên, nhiều hội viên không chỉ hoạt động trong một lĩnh vực mà còn có đóng góp ở các lĩnh vực chuyên môn khác.
Nhiều hội viên đã tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học về văn hoá dân gian trong và ngoài nước; đã thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Viện, Hội trung ương, cấp Sở, Trường đại học,... ; đồng thời đóng góp (về lĩnh vực văn hoá, văn nghệ dân gian) cho các tạp chí chuyên ngành trung ương, như các tạp chí Văn hoá dân gian, Nguồn sáng dân gian, Dân tộc học, Văn hoá nghệ thuật,... , và các tạp chí trên địa bàn Thừa Thiên Huế: Đại học Huế, Nghiên cứu và Phát triển, Huế xưa và nay, Sông Hương,... và tập Nghiên cứu Văn hoá dân gian Thừa Thiên Huế của Hội.
Trong năm năm qua, hội viên của Hội, chỉ tính riêng lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian, đã thực hiện được 25 đầu sách, khoảng hơn 120 bài báo khoa học, đoạt 17 giải thưởng của trung ương và địa phương... Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 2010-2015 gồm có 5 người, và bầu ra 15 đại biểu xứng đáng đi dự Đại hội Hội Liên hiệp VHNT tỉnh vào tháng 10 sắp đến.
PV
|