Tạp chí Sông Hương -
Đi tìm nhà thơ quê “vang bóng một thời”
09:34 | 20/07/2010
Làm thơ đã khó, làm được một bài thơ sống trong lòng người đọc lại càng khó gấp bội, ấy vậy mà trong cuộc đời làm cán bộ phòng văn hoá huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Văn Hanh đã có những giây phút cảm xúc trời cho với bài thơ "Quê em núi Nầm sông Phố" da diết trong lòng nhân dân giữa những ngày sục sôi chống Mỹ.
Đi tìm nhà thơ quê “vang bóng một thời”
Nhà thơ "quê" Văn Hanh
Hơn bốn thập kỷ đi qua, tôi về tìm lại ông, khi Văn Hanh đã bước vào tuổi 80, nhưng vẫn bừng sáng ngọn lửa thơ như ngày nào.

Tôi định tìm ông từ lâu, nhưng mãi tới nay mới thực hiện được, bởi một nhẽ khi dò la tin tức chẳng khác gì Kim Trọng tìm Thuý Kiều. Dầu ông Văn Hanh sinh trưởng trên mảnh đất Sơn Châu (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ cách làng tôi chưa đầy 10km. Núi Nầm nằm giữa ranh giới quê ông và quê tôi. Thế nhưng, chuyện tôi tìm một “nhà thơ quê” thật sự lại là cuộc hành trình vất vả. Mãi đến tháng 6 năm 2010 này, tôi và một người bạn nhiếp ảnh gặp Văn Hanh trong một buổi chiều Hương Sơn nắng lửa bơ phờ bờ tre, ruộng lúa. Văn Hanh cùng với “lớp trưởng lão” đang dự họp Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Sơn Châu. Chờ hơn 30 phút cuộc họp kết thúc. Chúng tôi gặp Văn Hanh - một người đàn ông cao gầy, râu và tóc đều bạc, da dẻ vẫn hồng hào.

Văn Hanh xuất thân trong một gia đình con nông dân nghèo, nghèo tới mức vào khoảng năm 1948 gia đình ông đã phải bán nhà để trả nợ. Cả sáu người trong gia đình ông lúc đó phải dựng lều ở. Hái rau, mót lúa, mò cua... là công việc hàng ngày của cậu nhỏ Văn Hanh hồi ấy. Dường như những người làm thơ đều có nguồn gốc từ nhỏ phải mê thơ và thuộc nhiều thơ. Văn Hanh cũng nằm trong diện này. Dầu thơ kim hay thơ cổ, cứ trông thấy những loại sách có vần điệu âm nhạc là ông đã mê mẩn rồi.

Trong đám cưới, trong đợt ra quân chiến dịch thuỷ lợi và cả những đợt liên hoan tiễn đưa người đi dân công hoả tuyến, chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết thi ca Văn Hanh đã mạnh dạn đứng lên đọc những bài thơ, ca dao, tấu vè... do mình sáng tác. Tuy buổi đầu ông chưa dám gửi đi cho bất cứ toà soạn báo nào, nhưng người dân trong vùng đã suy tôn và gọi ông là “nhà thơ”. Cái danh từ “nhà thơ” khiến nhiều lúc ông đỏ mặt tía tai vì tự ái, nhưng rồi cũng quen dần.

Đam mê “nàng thơ”, nhưng thầy giáo trẻ Văn Hanh vẫn chuyên tâm sự nghiệp cầm phấn, nhiều năm ông được công nhận giáo viên giỏi của ngành giáo dục. Ông tiếp tục xuất hiện các sáng tác khác trên báo chí địa phương và trung ương. Năm 1964, thầy giáo Văn Hanh được lãnh đạo huyện Hương Sơn đưa về làm cán bộ văn hoá huyện. Bước sang môi trường mới, ông càng có dịp để đi nhiều viết nhiều. Thời điểm này chiến tranh bom đạn ác liệt, máy bay Mỹ hết ngày sang đêm gầm rú trên bầu trời và thả pháo sáng ném bom, bắn rốc két loạn xạ.

Chuyện xe đạp thủng săm không có nơi vá phải gửi lại nhà dân để cuốc bộ là chuyện thường. Chỉ một biđông nước, một nắm cơm độn sắn lát trộn muối vừng, mà hồi đó Văn Hanh ngoài viết đều đặn tin bài cho Đài truyền thanh Hương Sơn biểu dương kịp thời các điển hình trong sản xuất chiến đấu còn dào dạt cảm xúc để sáng tác thơ, ca dao, tấu... Bài tấu “Sắn” hay bài vè “Ngủ gia truyền” đã được giải A trong liên hoan văn nghệ quần chúng toàn tỉnh.

Văn Hanh cho biết: Các bài được giải hồi đó ngoài sức truyền cảm bằng nhạc, bằng lời, nội dung phải mang tầm tư tưởng lớn, tính giáo dục lớn. Đỉnh cao mà Văn Hanh chiếm lĩnh đó là bài thơ “Quê em núi Nầm sông Phố”, bài thơ trần trụi như khoai, như sắn, mà hào sảng, dũng mạnh, như tiếng gọi xung phong. Ông bộc bạch: “Bài thơ này tôi viết chỉ trong 2 tiếng đồng hồ thôi, khi đưa cho chị Tống Thị Hồng Vân ngâm thử, chị ấy bảo bác tài thật, nhắc ngọn núi Nầm mà tôi thấy bao nhiêu cái hay quanh núi”:

“Thuyền xuôi ngược buồm căng gió lộng/ Đêm trăng vàng xao xuyến giọng đò đưa”.

...“Núi ngạo nghễ như ngựa thần Phù Đổng/  Mang trên mình bao xe cộ lại qua”.

...“Nhớ cụ già Giai mái đầu đã bạc/ Vác nứa chèn bùn cho bánh xe lăn...”.

Bây giờ, núi Nầm vẫn điệp trùng xanh, sông Phố vẫn như lụa biếc, nhưng tóc Văn Hanh đã bồng bềnh mây trắng. Không ai giằng níu được thời gian và tuổi tác. Chỉ có một điều duy nhất: Khi trái tim vẫn còn nhịp đập thì ông vẫn còn yêu thơ. “Nhà thơ quê” Văn Hanh vẫn như con ong mật cần mẫn sáng tác. Đêm mùa hạ trên đất Sơn Châu vầng trăng rằm tháng vằng vặc và lặng lẽ... Trăng đang dát ánh vàng trên đỉnh núi, trăng đang neo vào cột buồm những chiếc thuyền nhỏ khoan thai trên dòng sông Phố. Không hiểu trăng sông, trăng núi có mang theo ánh trăng thơ của Văn Hanh đi cùng?...

Theo Phan Thế Cải - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng
Kỳ án giấc mơ (19/07/2010)