Rất hiếm có nhà văn lớn nào từng gặp phải những trải nghiệm khủng khiếp như những gì Salman Rushdie phải đương đầu suốt hơn 10 năm trời. Vào dịp lễ Valentine năm 1989, Syed Ruhollah Moosavi Khomeini - Giáo chủ Hồi giáo Iran - ra phán quyết tử hình Salman Rushdie vì đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Sa tăng được coi là phỉ báng đạo Hồi. Theo đó, các tín đồ Hồi giáo cực đoan sẽ sẵn sàng lấy đi mạng sống của nhà văn bất cứ lúc nào. Trong suốt hơn chục năm, Rushdie sống trong sợ hãi. Ngay cả khi Khomeini qua đời, bản án dành cho nhà văn vẫn không bị xóa bỏ một cách chính thức.
Nay, ở tuổi 63, Rushdie khẳng định sẽ viết một cuốn sách, để kể hết những tháng ngày khốn khó của mình.
Thông tin trên được Salman Rushdie tiết lộ lần đầu tiên hôm 19/2 tại cuộc triển lãm những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông diễn ra ở Đại học Emory, Atlanta, Mỹ. Ông xác nhận lại dự định này vào tuần trước, trong một sự kiện do tạp chí Granta tổ chức. "Tôi đang viết. Tôi cảm thấy rất phiền lòng khi chuyện này bị người khác kể lại một cách thiếu chính xác".
Trong những ngày chịu án tử hình, suốt 9 năm liền, Salman Rushdie phải di chuyển bằng tàu điện ngầm. Ông được nhân viên an ninh bảo vệ khá nghiêm ngặt với chi phí ước tính lên tới 11 triệu bảng Anh (hơn 320 tỷ đồng). Nhà văn đã sống luân chuyển qua 30 nơi khác nhau. Nhưng không ai biết ông sống chủ yếu ở nơi nào.
Phán quyết của Giáo chủ Hồi giáo không chỉ liên quan đến tính mạng của Salman Rushdie mà còn ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người khác. Thời gian đó, nhiều cửa hàng sách ở Anh bị đánh bom vì bán Những vần thơ của quỷ sa tăng. Một kẻ rình ám sát Rushdie rơi ngã từ một phòng khách sạn ở
London
. Một chủ nhà xuất bản Nauy bị bắn vì mua bản quyền ấn hành Những vần thơ của quỷ sa tăng. Một dịch giả người Nhật của cuốn tiểu thuyết bị đâm đến chết ở
Tokyo
. 37 dân thường thiệt mạng trong một vụ tấn công dịch giả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của cuốn sách.
Hàng nghìn bài báo và có ít nhất 6 cuốn sách đã được xuất bản về án phạt của Rushdie. Nhưng đến nay, nhà văn và bạn bè ông vẫn im lặng trước những gì đã xảy ra.
"Tôi chỉ nghĩ, giờ là thời điểm thích hợp để kể lại. Ban đầu, tôi từng không muốn tiết lộ mọi chuyện. Nhưng rồi tôi đã nghĩ lại", nhà văn nói.
Một trong những nguyên nhân khiến ông thay đổi quyết định là khi Đại học Emory mua lại toàn bộ di sản văn học của ông. Rushdie có lẽ không muốn bộ sưu tập này khuyết thiếu một phần đời quan trọng của ông.
Thứ hai là sự lên ngôi của thể loại hồi ký trong những năm gần đây. Jon Howells, đại diện của Waterstone, nhận định: "Hồi ký của Salman Rushdie có nhiều khả năng sẽ trở thành cuốn sách bán chạy nhất thập kỷ của ông".
Hiện tại, Rushdie đã viết được 70 trang. "Tôi có thể dùng khả năng viết tiểu thuyết của mình để tiếp cận các tư liệu. Tôi nghĩ nó sẽ là một cuốn sách phi hư cấu trong đó tên tôi xuất hiện như một nhân vật trong cuốn sách", ông nói.
Theo Hà Linh - evan
|