° PV: Là đạo diễn kịch nói, lần đầu tiên dàn dựng cải lương, lại là một gia tộc có 5 đời theo nghiệp hát cải lương tuồng cổ, anh có gặp phải những khó khăn hay áp lực?
° Đạo diễn VŨ MINH: Trước đây, cũng chính tình yêu nghệ thuật cải lương mà tôi mới theo học nghề đạo diễn sân khấu. 10 năm theo nghề đạo diễn, tôi luôn mong muốn được dàn dựng cải lương tuồng cổ. Khi tôi đem niềm mong mỏi này trình bày với NSND Thanh Tòng và gia đình thì rất được ủng hộ. Đúng lúc đó, ba nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch, Điền Thanh từ hải ngoại về Việt Nam thăm mẹ - nghệ sĩ Quỳnh Mai, cũng mong muốn làm 1 vở để cả gia đình cùng được biểu diễn trên sân khấu tuồng cổ. Tôi đã gặp nghệ sĩ Bạch Lê bàn tính làm thành một chương trình biểu diễn trên sân khấu phục vụ khán giả. Rất may mắn là ý tưởng của chúng tôi luôn được Sở VH-TT và DL TPHCM ủng hộ, chỉ dẫn từng đường đi nước bước khi thực hiện chương trình.
Mặc dù mê cải lương từ nhỏ, thuộc nằm lòng các vở tuồng, các giai điệu, nhưng khi bắt tay vào làm chương trình, tôi bị áp lực rất lớn. Bởi đây là một chương trình của một gia tộc có 5 đời theo nghề hát và các cô chú, anh chị luôn nhiệt tình tập luyện nên mình càng cảm thấy áp lực nhiều hơn, phải làm sao thực hiện chương trình tốt nhất để không phụ lòng mong đợi của nhiều người.
° điểm nhấn của “Gìn vàng giữ ngọc” mà anh muốn gởi đến khán giả là gì?
° Tôi muốn lưu lại những dấu ấn từ nhỏ của mình về nghệ thuật cải lương tuồng cổ với những vở tuồng đã ăn sâu vào lòng công chúng mộ điệu. Các khán giả trẻ có thể nghe nói về cải lương tuồng cổ ngày xưa thế này, thế khác, nhưng hoàn toàn không thể hình dung được không khí biểu diễn cải lương tuồng cổ của ngày xưa thế nào. Vì vậy, qua “Gìn vàng giữ ngọc”, tôi muốn tái hiện lại những hình ảnh độc đáo ấy. Trong chương trình, tôi sử dụng lại những loại nhạc cụ từng biểu diễn trước đây và họ ngồi ngay phía trước sân khấu chơi nhạc để nghệ sĩ hát, hoàn toàn không sử dụng nhạc cụ điện tử. Tôi nghĩ, dàn nhạc là linh hồn của vở diễn và chính âm nhạc, tiếng kèn, tiếng trống… tạo nên không khí, cuốn hút người xem vào vở diễn. Với một dàn nhạc như thế, tất cả các nghệ sĩ tham gia chương trình đều luyện tập hát thật 100%, tuyệt đối không hát nhép.
° Khi làm việc với các nghệ sĩ của một gia tộc có 5 đời theo nghiệp hát cải lương tuồng cổ, anh ấn tượng nhất điều gì?
° Đó là lòng yêu nghề. Tất cả những nghệ sĩ này làm nghề bằng một cái tâm thật sự. Khi ra sân khấu, họ luôn say mê luyện tập, rất “máu” với nghề, dù là nghệ sĩ lớn tuổi hay nhỏ tuổi. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, đây là lần đầu tiên tôi thấy được những hình ảnh rất thiêng liêng ấy. Qua đó, tôi học hỏi được ở các nghệ sĩ này rất nhiều điều bổ ích.
Với “Gìn vàng giữ ngọc”, tôi nghĩ đây là một cuộc chơi nghề của tất cả anh chị em nghệ sĩ chúng tôi với nghệ thuật cải lương tuồng cổ!
° Cảm ơn và chúc anh thành công!
“Gìn vàng giữ ngọc” sẽ diễn ra vào 20 giờ các ngày 23, 24, 25, 30, 31-7 và 1-8-2010. Chương trình sẽ luân phiên biểu diễn hai vở tuồng nổi tiếng “Câu thơ yên ngựa” và “Điều Tam Xuân báo phu cừu” của các tác giả Minh Tơ, Hoàng Yến, Ngọc Văn, NSND Thanh Tòng với sự góp mặt của NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch, Điền Thanh, Trường Sơn, Thanh Loan, Công Minh, Xuân Yến, Bạch Long, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Chí Bảo, Thanh Sơn, Xuân Thu… Đặc biệt, lần đầu NSƯT Thành Lộc sẽ tham gia ca diễn cải lương cùng với toàn thể gia đình dòng họ Minh Tơ.
|
Theo Đỗ Hạnh - SGGP |