Tạp chí Sông Hương -
Trần Văn Khê - Người truyền lửa
10:34 | 23/07/2010
Đúng vào dịp mừng sinh nhật giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê 90 tuổi (24-7), Hãng phim Phương Nam phát hành bộ phim tài liệu Trần Văn Khê – Người truyền lửa, dưới dạng DVD (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Phạm Hoàng Nam).
Trần Văn Khê - Người truyền lửa
GS Trần Văn Khê (ngồi)-Từ trái qua: NS Hải Phượng, NSƯT Kim Cương, đạo diễn Phạm Hoàng Nam
Trước khi làm phim, đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã đọc hết 5 tập hồi ký của giáo sư Trần Văn Khê và anh thật sự bị “choáng” vì có “quá nhiều thứ hay mà không biết bắt đầu từ đâu”.

Phạm Hoàng Nam nói: “Với một nhân vật lớn như Trần Văn Khê, một bộ phim không thể vẽ hết được chân dung, nhất là với thời lượng hạn chế (37 phút - PV). Vì vậy, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và tôi đã quyết định chỉ dựng chân dung một con người cả đời đi làm một sứ mệnh cao cả là truyền bá cái hay, cái đẹp và ngọn lửa nghề, tinh thần dân tộc Việt. Chính vì thế, bộ phim có ngay chủ đề: Trần Văn Khê - Người truyền lửa”.

Qua hình ảnh, lời bình cùng những cảm tưởng của các học trò nói về thầy Khê, người xem có được cảm nhận rất rõ con đường, lý tưởng mà giáo sư Trần Văn Khê ôm ấp, đeo đuổi và kỳ vọng vào thế hệ trẻ nước nhà. Các học trò của thầy khẳng định, chẳng biết đến bao giờ mới có được một người kỳ tài như thầy Khê, vừa có kiến thức uyên thâm về âm nhạc truyền thống Việt Nam, vừa chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc và có cách nói chuyện, giảng dạy sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn.

Giáo sư Trần Văn Khê luôn đau đáu ước muốn âm nhạc dân tộc Việt Nam được cả thế giới biết đến và yêu mến. Ông không ngần ngại chỉ ra căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam: “Vừa có tâm lý tự ti nên nghĩ mình chưa thể bằng thế giới được, nhưng cũng lại tự tôn cho mình cái gì cũng đúng. Tôi nghĩ, chúng ta phải có lòng tự hào và tự tin mới đúng”.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã dùng hình ảnh ẩn dụ là những que diêm để nói về con đường truyền lửa của giáo sư. Hình ảnh giáo sư ngồi trên xe lăn một mình tiến về phía trước, khiến người xem thấy cay mắt, nao lòng. Người thầy một lòng vì âm nhạc truyền thống, sẵn sàng giảng dạy bất cứ ở đâu khi nơi đó cần. Âm nhạc truyền thống đã thấm đẫm và chảy trong huyết quản của ông ngay từ khi còn nhỏ và ông muốn truyền nó cho thế hệ hôm nay, nhưng đâu phải ai cũng hiểu thấu nỗi lòng ấy của giáo sư. Kho tư liệu gồm rất nhiều sách, băng được giáo sư mang từ Pháp về đến nay cũng chỉ có mình ông sắp xếp, gìn giữ, dù thầy đã lên tiếng hiến tặng…

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết: “Bộ phim cũng như một đốm lửa nhỏ, để bắt đầu hé lộ bằng phim ảnh một bức chân dung lớn. Tiếp theo đây, chắc chắn sẽ còn nhiều bộ phim nữa về thầy chứ không thể và không bao giờ là bộ phim duy nhất”.

Giáo sư Trần Văn Khê đã xem phim này nhiều lần: “Tôi tâm đắc nhất là hình ảnh mở đầu và kết thúc phim. Nội dung phim chỉ gói gọn trong việc truyền lửa, như vậy là đầy đủ. Chỉ hơi tiếc, có nhiều học trò của tôi nói về thầy, nhưng con trai tôi và cũng là học trò của tôi - giáo sư Trần Quang Hải, chưa nói về cha mình”…

“Để có được 37 phút phim, khó khăn lớn nhất là việc tìm kiếm tư liệu. Có rất nhiều ý hay do các nhân vật kể ra, nhưng không có đủ hình ảnh để minh họa” – đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ. Anh còn tiếc: “Không thể đưa lên phim tất cả những câu nói tâm đắc nhất của ông mà chúng tôi đã “chộp” được với phương pháp quay tự do không chuẩn bị trước. Hy vọng, bộ phim sẽ là một bức chân dung cận cảnh từ góc nhìn riêng của chúng tôi”.

Theo Như Hoa - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng