Vui như đi hội Tính đoàn kết, giao hòa thể hiện rõ ngay trong cách giới thiệu các đoàn tham gia lễ hội tối khai mạc 21.7 tại sân khấu chính, trước mặt KS Imperial trên đường Thuỳ Vân. 3km con đường Thuỳ Vân dọc bờ biển được lãng mạn hoá gọi là “con tàu ẩm thực” với hơn 100 gian hàng với thiết kế mang dấu ấn văn hoá vùng miền. Đầu bếp của các “bếp bạn”, chủ yếu đi từ “chính quốc sang”, hay từ một số nhà hàng tại Việt Nam, phụ bếp, bán hàng là các tình nguyện viên của Trường Du lịch Vũng Tàu. Lần đầu tiên đứng ra tổ chức một lễ hội ẩm thực mang tính quốc tế, TP.Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung đã rất cố gắng trang hoàng, tổ chức tươm tất, tạo nhiều không gian, không khí lễ hội. Ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng BTC lễ hội - cho biết: WFF là cơ hội để quảng bá du lịch VN nói chung và Vũng Tàu nói riêng. Dù mưa như tối khai mạc hay nắng gắt vào các buổi trưa hôm sau thì người dân, du khách cũng cố len chân, “lang thang” tìm mua, thưởng thức, hít hà, khen ngợi, so sánh vị, nhận xét xung quanh hơn 300 món ngon như: Mì hấp của Slovakia, xôi xoài của Thái Lan, salad cá ngừ của Nga, sandwich taco của Mexico, cua rang ớt của Singapore, rêu rán của Lào, cơm thập cẩm nồi đá của Triều Tiên, bibimbap của Hàn Quốc... Rồi, gỏi cuốn thanh long, bún cá lăng hoa chuối, táo chiên xù, cơm lam, gỏi làng bưởi, cá lóc nướng lá sen, chả cá Lã Vọng, gỏi cá trích... của Việt Nam. Gian hàng của Tây Nguyên thu hút khách bởi món lạ của đồng bào Ba Na, Ê Đê... như món ngon “tới chắc lưỡi” - thịt heo kiến vàng chấm muối é của nhà hàng Hưng Yên (Kom Tum)... Giữ sự tinh tuý, sáng tạo cần đúng cách Sáng 22.7, GS Trần Văn Khê - có thể nói - đã “thôi miên” báo chí bằng một cuộc nói chuyện dài hơn một giờ đồng hồ cực kỳ thú vị về cái ngon, sự phong phú, tinh túy của đồ ăn - thức uống Việt cũng như của các nước. Giáo sư Khê nói: “Một thành phố biển với không khí trong lành, phong cảnh sạch đẹp như Vũng Tàu có sáng kiến tổ chức một lễ hội ẩm thực là điều hay, nên làm. Rõ ràng, qua ăn uống thấy văn hoá. Vậy nên, qua những lễ hội thế này, người Việt mình cũng có thể học hỏi được cách trình bày món sao cho ngon, khéo hơn. Học cách ăn, nấu, trình bày, vào bếp, ứng xử trên bàn ăn... cũng là một cách con người ta học cách tôn trọng mình, tôn trọng sự tự do của người khác...”. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về việc giữ sự tinh tuý của món ăn Việt, sự quốc tế hoá một món ăn, cũng như việc sáng tạo, học hỏi, giao hòa trong cách nấu nướng tạo ra món mới có thể lạ miệng nhưng vẫn ngon, GS Khê cho biết: “Thức chấm của VN vô cùng phong phú. Một trong những nét đặc biệt của ẩm thực Việt là mỗi loại thức ăn có riêng một loại nước chấm. Theo tôi, chúng ta nên giữ cách ăn ngon tinh túy này. Không nên sáng tạo tới độ pha trộn lai tạp. Nấu ăn, vay mượn bừa bãi, chỉ làm hỏng món ăn!”...
Theo Thuỳ Ân - LĐ |