Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn băn khoăn chuyện 'bầu bán' trước đại hội
10:01 | 28/07/2010
Ngày 6/8, đại hội của những người cầm bút mới khai mạc, nhưng ngay từ buổi họp báo sáng 27/7, chuyện bầu cử Ban chấp hành mới đã trở thành đề tài nóng. Bởi, như nhà văn Văn Chinh nhận định, đó là nơi "Ai cũng nói không muốn vào nhưng ai cũng muốn vào".
Nhà văn băn khoăn chuyện 'bầu bán' trước đại hội
Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN hai nhiệm kỳ qua. Ảnh: L.H

Trong khi với các hội nghề nghiệp khác, đại hội thường chỉ diễn ra trong hai ngày, thì với Hội Nhà văn, Ban tổ chức dành ra 3 ngày (từ 4 đến 6/8), chưa kể một ngày dự bị vào 7/8. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhận định, đó là lượng thời gian cần thiết, bởi Đại hội sẽ tiếp đón hơn 1.000 đại biểu, 60 tham luận và đặt ra nhiều vấn đề cần thảo luận.

Tại buổi họp báo, Ban tổ chức đã công bố Dự thảo báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2005 - 2010 và Phương hướng nhiệm kỳ tới, đồng thời giải đáp những thắc mắc trước thềm đại hội. Trong đó, được quan tâm nhiều nhất là quy trình bầu cử để chọn ra Ban chấp hành mới.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định, từ các đại hội trước cho thấy, phần lớn thành viên Đoàn Chủ tịch là những người trúng cử vào Ban chấp hành mới. Vì vậy, ông tỏ ra băn khoăn về chính quá trình bầu Đoàn Chủ tịch, liệu việc lựa chọn các thành viên này có được thực hiện một cách minh bạch, chặt chẽ? Nhà văn, nhà báo Văn Chinh cũng cho rằng, để thực hiện nguyên tắc dân chủ trong quá trình diễn ra đại hội, việc giới thiệu nhân sự cần được thực hiện một cách công khai, giúp đại biểu tìm hiểu rõ thêm về các ứng viên mình sẽ bỏ phiếu. Bởi với số lượng hội viên đông đảo, trải khắp ba miền, các nhà văn không thể biết hết nhau.

Trước những ý kiến này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Đoàn Chủ tịch không phải là hình ảnh của Ban chấp hành tương lai, mà đó là những người có năng lực điều hành, có am hiểu về hoạt động của Hội 5 năm qua". Ông khẳng định, năm nay, Ban tổ chức sẽ đổi mới công tác bầu cử bằng việc chuẩn bị hồ sơ, thông tin đi kèm của hơn 300 người được giới thiệu vào Ban chấp hành mới.

Con số hơn 300 đề cử từ các đại hội địa phương để bầu Ban chấp hành khóa 8 cũng là câu chuyện khiến các nhà văn bàn ra tán vào. Trong khi Hội nhà văn có tổng cộng 921 hội viên thì việc có đến hơn 30% hội viên được đề cử được coi là quá lớn. Trên blog Quê choa, nhà văn Nguyễn Quang Lập bình luận, với số lượng đó, "nếu không ai chịu rút thì chúng ta sẽ có một ban chấp hành đủ để lãnh đạo văn chương thế giới". Nhà văn Đặng Huy Giang cũng phát biểu: "Có hơn 300 đề cử mà chỉ bầu ra khoảng 15 người thì không bầu được đâu, loãng phiếu lắm".

Tuy có lượng đề cử lớn, nhưng số thành viên được bầu vào Ban chấp hành Hội những nhiệm kỳ gần đây lại rất ít ỏi. So với khóa I (32 người), khóa II (33 người), khóa III (44 người)... thì những khóa sau, con số lãnh đạo hội khá khiêm tốn: khóa V (5 người), khóa VI (9 người), khóa VII (6 người).

Một số hội viên tỏ ra thông cảm với những khó khăn Ban chấp hành khóa 7, bởi họ chỉ có 6 thành viên, trong đó, chỉ có một vài người thực sự làm việc vì Hội. Tại buổi họp báo, nhà văn Huy Giang chia sẻ về tâm tính "khó chiều" của các nhà văn. Anh nói: "Trong đại hội trước, lúc bầu bán, các đại biểu đã thống nhất với nhau là dừng lại ở 6 người thôi. Nhưng xong đại hội, lại có những ý kiến ì xèo là bầu quá ít. Nhà văn ta là thế". Nhà văn Y Ban cũng bày tỏ, Hội cần có quy chế đối với những ủy viên Ban chấp hành làm việc thiếu hiệu quả, để không phụ lại sự tín nhiệm của các hội viên.

Bên cạnh chuyện bầu cử, buổi họp báo tiền đại hội cũng đặt ra một số vấn đề khác như: trách nhiệm của Hội trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên, cơ chế phát huy sức sáng tạo của các cây bút trẻ, quy chế giải thưởng Hội Nhà văn...

Trong dự thảo mang tên "Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người", Ban tổ chức đã đề ra nhiều phương hướng cho nhiệm kỳ mới trong đó có yêu cầu đổi mới Hội một cách mạnh mẽ theo phương châm: tất cả vì hội viên, tất cả cho hội viên".

Theo Lưu Hà - evan





 

Các bài mới
Các bài đã đăng