Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật múa rối - Gian nan tồn tại, giữ nghề
10:02 | 02/08/2010
Múa rối là loại hình nghệ thuật độc đáo, vừa mang tính giải trí vừa góp phần định hướng giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho khán giả nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng. Nhưng thời gian gần đây, hoạt động biểu diễn, phát triển của nghệ thuật múa rối khá yên ả, thiếu hẳn sức sống tươi mới, tạo dấu ấn riêng cho loại hình nghệ thuật đặc biệt này…
Nghệ thuật múa rối - Gian nan tồn tại, giữ nghề
Cảnh trong vở rối “Sơn Tinh - Thủy Tinh” của Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM
Từ liên hoan dành cho các nhà thiếu nhi

Nhìn vào Liên hoan múa rối - trò chơi dân gian các nhà thiếu nhi khu vực phía Nam 2010 vừa diễn ra tại tỉnh Kiên Giang, trong hai ngày 31-7 và 1-8, với 11 chương trình của các tỉnh thành Khánh Hòa, Đồng Nai, Đắc Lắc, Bình Thuận, TPHCM, Kiên Giang, Ninh Kiều – Cần Thơ… tham gia giao lưu, biểu diễn sẽ thấy sự thua sút về lực lượng các đơn vị đến với liên hoan, cũng như thiếu hẳn sự phong phú đa dạng về chương trình biểu diễn, như ở các kỳ liên hoan trước đây. Điều đó đã phần nào phản ảnh sự quan tâm của các đơn vị đối với thiếu nhi là chưa đủ.

So với kỳ liên hoan múa rối diễn ra tại Bình Phước năm 2008, lúc đó có 15 đơn vị tham gia liên hoan đã đầu tư chăm chút kỹ lưỡng các chương trình biểu diễn. Năm nay, vì nhiều nguyên nhân khách quan đã khiến nhiều đơn vị vắng mặt.

Ông Huỳnh Anh Kiệt, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi (NTN) quận 8, chia sẻ: “Đội múa rối Thằng Bờm của NTN quận 8 tham gia liên hoan với chương trình biểu diễn “Cánh diều trạng nguyên” (đạo diễn, kịch bản: Nguyên Thủy), biểu diễn kết hợp các loại rối lùn, rối que, rối tay…

Có thể thấy, liên hoan luôn tạo niềm hân hoan và giá trị tinh thần cho các đội rối NTN”. Tuy nhiên, năm nay có hơi ít đơn vị tham gia vì nhiều nguyên nhân như: các nghệ sĩ, nghệ nhân làm rối tương đối ít, làm rối ngốn khá nhiều kinh phí...

Chúng tôi được biết, riêng NTN quận 8 luôn cố gắng duy trì hoạt động múa rối, vì loại hình nghệ thuật này có những cái hay rất riêng, gần gũi với thiếu nhi, là món ăn tinh thần dễ tiếp thu, dễ cảm nhận với các em.

Theo ông Kiệt, múa rối cũng là một hoạt động lợi thế của các NTN trong việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức, nâng cao tính thẩm mỹ cho trẻ thơ”.

Đến múa rối chuyên nghiệp

Tại TPHCM, loại hình nghệ thuật múa rối vốn hoạt động khá èo uột vì nhiều nguyên nhân, thiếu hơi thở mới, sức bật mới nên không thu hút công chúng. Đã vậy, trong thời gian qua, Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM – đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật trực thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM lại phải vất vả chấp hành việc rời bỏ địa điểm trên đường Đồng Khởi, một địa điểm được coi là đắc địa ở khu trung tâm thành phố để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Di dời đến chỗ mới, sân khấu phải thuê mướn tạm thời (CLB VH-TDTT Nguyễn Du, số 116 Nguyễn Du, quận 1), còn cơ quan hành chính tạm trú tại Trung tâm Văn hóa quận 11. Thiếu điểm diễn, sân khấu, nơi làm việc cố định, công việc biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật, phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình múa rối càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chưa kể, kế hoạch sáp nhập Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM và Đoàn Xiếc TPHCM trong thời gian tới, đang gây lo lắng cho những người làm nghề.

Chi hội phó Chi hội Múa rối TPHCM, họa sĩ tạo hình, đạo diễn dàn dựng múa rối Đặng Trí Đức, trăn trở: “Hiện nay, đội ngũ kế thừa về tạo hình, dàn dựng, sáng tạo rất thiếu. Tồn tại và gắn bó với hoạt động của nghệ thuật múa rối tại TPHCM cũng như ở nhiều nơi cũng chỉ là những người biết nghề, không thật sự chuyên nghiệp”. Thực tế trong ngành múa rối, lớp người đi sau làm việc và đạt hiệu quả không bằng các thế hệ đi trước; đội ngũ tạo hình càng ngày càng yếu; bộ môn lý luận cũng có rất ít người quan tâm, nên không phổ biến được những gì mà thế hệ đi trước đã làm được cho những người đi sau hiểu biết để kế thừa, phát huy. Sự tinh tế trong việc biểu diễn các tiết mục cũng chưa cao. Có nhiều tiết mục, vở diễn, múa rối nghệ thuật đỉnh cao không những không được phát huy mà còn biến mất hẳn, chẳng ai biết đến. Nhiều vở diễn hay, kinh điển bị biến thể theo những tư duy dàn dựng mới, thiếu chuyên nghiệp và thiếu cả điểm nhấn thời đại…

Ông Đức lo ngại: “Với chuyện sáp nhập rối và xiếc thành một đơn vị, theo tôi, sẽ gây hậu quả cả rối và xiếc đều không còn mang tính độc lập và khó phát triển. Bởi vì đây là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, đường hướng phát triển khác nhau, nhu cầu và đối tượng của hai loại hình này cũng hoàn toàn khác nhau, thế nên không thể quản lý giống nhau được…”.

Múa rối mang đặc thù phục vụ đối tượng thiếu nhi, có tính giải trí cao, đồng thời thông qua những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cổ tích để giáo dục và hướng các em đến với vẻ đẹp chân – thiện – mỹ của cuộc sống. Thế nên, việc giữ gìn và phát triển múa rối sao cho hòa hợp với đời sống thực tiễn, sự tiến bộ của thời đại, nhưng vẫn tôn vinh được những giá trị nghệ thuật truyền thống… rất cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các ban ngành chức năng, những nhà chuyên môn. Qua đó, có thể giúp tư vấn phương hướng phát triển, đào tạo đội ngũ kế thừa chất lượng, tâm huyết, đặc biệt có sự đãi ngộ phù hợp với những người làm nghề. Có đạt được những nhu cầu cơ bản đó thì ắt hẳn loại hình nghệ thuật múa rối sẽ có sự chuyển biến, phát triển, đạt hiệu quả hơn

Theo Thúy Bình - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng