Tạp chí Sông Hương -
5 cuốn hồi ký gây tranh cãi nhất
08:47 | 04/08/2010
Vốn là thể loại đề cao yếu tố người thật việc thật và đụng chạm trực tiếp đến những người đang sống, các tác phẩm hồi ký thường xuyên gây tranh cãi bởi tính chất trung thực hay nội dung nhạy cảm của nó.
5 cuốn hồi ký gây tranh cãi nhất
James Frey từng được giới thiệu trong show truyền hình của Oprah Winfrey.

Dưới đây là 5 trường hợp nổi tiếng từng gây xôn xao văn đàn thế giới được thống kê trên The Age.

1. A Million Little Pieces - James Frey (2003)

Nhờ được giới thiệu trong talkshow truyền hình của Oprah Winfrey, hồi ký A Million Little Pieces (Một triệu mảnh nhỏ) ra mắt năm 2003 của James Frey tiêu thụ được hơn 3,5 triệu bản và từng đứng đầu danh sách best-seller dành cho thể loại phi hư cấu của tờ New York Times trong suốt 15 tuần liên tục. Trong sách, Frey kể lại câu chuyện cuộc đời mình, từ một kẻ lang thang, nghiện ngập, một tên tù tội vươn lên làm lại cuộc đời. Ông thậm chí còn đề cập đến vai trò của mình trong một vụ tai nạn tàu hỏa, cứu mạng sống của hai nữ sinh trung học. Nhưng đến tháng 1/2006, một website đưa ra những bằng chứng khẳng định, phần lớn nội dung cuốn sách của James Frey là bịa đặt. Tác giả đã tưởng tượng ra án tù, cường điệu vai trò của mình trong một vụ điều tra của FBI và bịa đặt ra hình ảnh bản thân như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật và bị truy nã tại 3 bang ở nước Mỹ.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, James Frey đã phải thừa nhận, xin lỗi độc giả. Còn NXB Random House phải hoàn tiền cho những người đọc đã mua sách.

2. My Son Marshall, My Son Eminem - Debbie Nelson (2008)

Bìa cuốn sách về Eminem.


Album đầu tay The Slim Shady LP ra mắt năm 1999 của rapper Eminem có một ca khúc với những ca từ rằng: "Mẹ tôi hút còn nặng liều hơn tôi/ Tôi bảo mẹ lớn lên sẽ trở thành rapper nổi tiếng/ Thu âm về chuyện hút thuốc và đặt tên đĩa theo tên mẹ tôi".

Trước những câu hát thiếu tôn trọng này, bà Debbie Nelson - mẹ của nhạc sĩ - đã đáp trả bằng cách đệ đơn kiện con trai mình. Bà khẳng định, ca từ của ca khúc đã khiến bà gặp vô vàn rắc rối. Những người hâm mộ Eminem đã khạc nhổ vào mặt bà ở siêu thị. Nelson được bồi thường 25.000 USD (hơn 470 triệu đồng).

Chưa dừng lại ở đó, năm 2008, bà còn viết cuốn hồi ký My Son Marshall, My Son Eminem (Con trai tôi Marshall, Con trai tôi Eminem) kể về cậu con trai nổi tiếng của mình. Theo lời bà, Eminem thời học sinh rất thích đánh nhau với các bạn và thường xuyên chặn hàng xóm lại, bắt họ xem cậu biểu diễn breakdance.

3. Speaking for Myself: the Autobiography - Cherie Blair (2008)

Bìa cuốn sách của bà Cherie Blair.


Xuất bản tháng 5/2008 và được giới thiệu rầm rộ trên báo chí, cuốn sách của cựu Đệ nhất phu nhân Thủ tướng Anh Cherie Blair chứa đựng những lời chỉ trích đối với Thủ tướng kế nhiệm Gordon Brown. Bà Blair khẳng định, ông Brown đã liên tục gây sức ép buộc chồng bà phải từ chức. Những chi tiết này đã vấp phải sự phản ứng của chính quyền Brown lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, bà Blair còn kể khá tỉ mỉ về sự ra đời của cậu con trai út Leo. Cậu bé được sinh ra ngoài ý muốn, khi bà quên mang theo thuốc tránh thai trong chuyến công tác cùng chồng. Chuyện này được đánh giá là quá tế nhị để kể ra trong cuốn hồi ký của một quý bà có địa vị xã hội như Cherie Blair.

Đặc biệt, tác giả cuốn sách vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía gia đình David Kelly - chuyên gia vũ khí của chính phủ Anh, khi khẳng định cái chết gây nhiều tranh cãi của ông này là do tự sát.

4. Don't Ever Tell - Kathy O'Beirne (2006)

Bìa cuốn sách của Kathy O'Beirne.


Trong cuốn hồi ký thương tâm kể về tuổi thơ bị bạo hành và lạm dụng tình dục của mình, tác giả Kathy O'Beirne cho rằng, bà đã trải qua một thời thơ ấu khủng khiếp, mà "đến quỷ dữ cũng muốn được nuôi nấng trong một môi trường tốt hơn". Kathy khẳng định, bà đã bị chính cha đẻ của mình giam giữ và hãm hiếp nhiều lần trong một cửa hàng giặt là ở Ireland. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi cuốn sách được xuất bản, Kathy bị 5 trong số 8 chị em của mình kiện vì tội dối trá.

5. L'Innocente: an Autobiography - Lucie Ceccaldi (2008)

Bà Lucie Ceccaldi.


Đây là một trong những scandal đình đám nhất trong năm 2008 liên quan đến mẹ con nhà văn Pháp Michel Houellebecq. Trong cuốn tiểu thuyết best-seller Les Particules élémentaires (Hạt cơ bản), Houellebecq xây dựng nhân vật một người mẹ đáng ghét, ích kỷ, đam mê tình dục. Nhà văn lấy ngay họ của mẹ mình - Ceccaldi - để đặt cho nhân vật này. Người mẹ trong tiểu thuyết của Houellebecq luôn cảm thấy "chăm sóc con là một gánh nặng" và công việc đó hoàn toàn không thích hợp với "tự do cá nhân" của mình. Bà bỏ mặc đứa con trai nhỏ trong gác mái, rồi dần dà bỏ rơi con cái để thỏa thích vui thú với những chàng trai trẻ.

Để đáp trả, Lucie Ceccaldi - mẹ nhà văn, 83 tuổi, hiện sống tại La Réunion, đã viết cuốn L'Innocente (Vô tội), trong đó bà kể lại cuộc sống thật của mình người con trai nổi tiếng. Bà mẹ nổi giận đã viết những dòng về con trai rằng: "Một đứa bất tài nhưng đỏm dáng hết mức. Nó thì biết gì về khoa học và tiểu thuyết… Tôi chẳng biết tại sao nó lại làm như vậy. Chắc là vì tiền. Bán rẻ mẹ rõ ràng là rất được giá. Cách làm này lại đặc biệt hiệu quả với Michel".

                                                                                                                     Theo eVan









Các bài mới
Các bài đã đăng