- Phóng viên: Có một thực trạng nhiều hội văn học, nghệ thuật đang gặp phải đó là sự xuất hiện của các mái “đầu bạc” nhiều hơn “đầu xanh” với tuổi trung bình của hội viên cao thêm sau mỗi lần thống kê. Thực trạng này có xảy ra với Hội Nhà văn. - Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ: Đúng vậy. Thực tế, Hội Nhà văn đang đặt ra những mục tiêu phấn đấu để có chính sách đúng tầm, có chế độ bồi dưỡng, đi thực tế, khung giải thưởng hỗ trợ cho các cây bút trẻ. Trước những lo ngại về tỷ lệ nhà văn trẻ trong bộ máy nhân sự của hội sắp tới có thể thấp, lãnh đạo Hội Nhà văn cho biết, trong 10 đại hội cơ sở vừa qua, danh sách “trẻ” được giới thiệu chiếm tới 60%. Nhưng độ tuổi của đội ngũ này cũng từ 40 - 50. - Việc thu hút nhà văn trẻ đã được thực hiện như thế nào? - Công nghệ thông tin hiện nay rất phát triển. Và văn học mạng ngày nay cũng rất phát triển. Bản thân tôi khi làm việc với các nhà văn trẻ, thường xuyên trao đổi trên mạng và chúng tôi đã cùng nhau có những sáng kiến lập nên công ty truyền thông chuyên về in ấn và giới thiệu sách. Mục tiêu hàng đầu là làm “bà đỡ” cho các tác giả trẻ, đưa họ ra thị trường cho công chúng biết. Đây cũng là cách làm hiệu quả để có thể tiếp cận, tìm hiểu các khuynh hướng sáng tác của các cây viết trẻ. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác như sân thơ trẻ với những nội dung hấp dẫn, phong phú và đặc biệt là mỗi năm đều có sự đổi mới trong Ngày Thơ Việt Nam cũng được coi là điểm nhất để thu hút hội viên trẻ. Hồi đầu, việc chúng tôi khởi xướng đọc thơ, trình diễn thơ rất khó khăn, không phải ai cũng muốn tham gia. Nhưng mọi việc đã trở nên suôn sẻ hơn khi ai đã từng trình diễn thơ năm trước thì chắc chắn năm sau lại muốn làm. Khởi xướng ra những hoạt động này, chúng tôi từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối rất gay gắt. Nhưng rõ ràng, đến nay trình diễn thơ đã không còn xa lạ với công chúng. Và đây là một cách làm hiệu quả đối với văn chương. - Các cây viết trẻ hiện nay có tâm lý e ngại không thể lọt qua được cánh “cửa hẹp” để trở thành hội viên. Việc đó có thật? - Chúng tôi thường nói với nhau, lúc nào cũng giương cần ăngten ra để “bắt sóng” các cây viết trẻ. Tôi luôn cho rằng việc nghĩ, tìm kiếm người trẻ là cái tâm và trách nhiệm của mình với văn chương. Thực tế, nhiều cây viết trẻ đã được phát hiện và đưa họ vào các tổ chức văn học có uy tín như Phong Điệp, Nguyễn Anh Vũ, Trang Thanh… Việc để trở thành hội viên Hội Nhà văn không khó. Tiêu chí quan trọng là phải có tác phẩm tốt và có nguyện vọng trở thành hội viên. - Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mặc dầu việc kết nạp hội viên của hội rất khắt khe nhưng khi đã được kết nạp, trách nhiệm của hội đối với họ không “sát sao” như họ tưởng? - Hội là “ngôi nhà chung”, nơi có thể gặp gỡ, trao đổi những gì liên quan đến nghiệp văn, văn chương đích thực. Cũng có nhiều ý kiến đề cập tới trách nhiệm của hội đối với hội viên, ý kiến nhiều nhất có lẽ là kinh phí. Nhưng kinh phí hoạt động của hội rất hạn hẹp. Còn chuyện có trách nhiệm sát sao tới hội viên thì vấn đề ở đây là việc hội chỉ có thể giúp họ có điều kiện tiếp cận gần hơn với cuộc sống chứ không can thiệp vào sáng tác. Ví như họ bảo họ muốn đi, muốn dấn thân thì chúng tôi có thể chỉ ra cái đích họ cần đến còn đi thế nào là việc của nhà văn trẻ. Thế hệ chúng tôi, rồi cả các thế hệ trước đều tự vận động. Các nhà văn trẻ hiện nay có quá nhiều nguồn để cập nhật thông tin, phát huy tài năng của mình. Quan trọng họ có muốn dấn thân hay không. - Xin cảm ơn nhà văn! Theo Hồng Vân - SGGP |