Một quan tâm lớn là Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VIII sẽ quyết định một số vấn đề về việc bổ sung, sửa đổi “Điều lệ Hội Nhà văn VN”, trong đó có việc xác định phương hướng, tôn chỉ hoạt động và tính chất mục đích của Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Băn khoăn về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Chiều qua, tôi cùng với nhà văn Võ Thị Hảo và mấy người khác ngồi chơi bên hồ Tây. Chúng tôi nhắc lại câu chuyện, cách đây nửa thế kỷ, các nhà văn lớp trước như Đinh Hùng, Thạch Lam và Nhất Linh đã cùng nhau bơi qua hồ Tây cho đến khi lả đi mới chịu lên bờ. Chuyện này khiến tôi nhớ tới các nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn chỉ tồn tại trong vòng 10 năm nhưng đã để nhiều tác phẩm còn để dấu ấn tới hôm nay. Còn Hội Nhà văn chúng ta hiện nay, nếu tính từ Hội Văn nghệ thành lập năm 1948 tới nay đã 62 tuổi và là một “ông lão” móm mém rồi. Nhưng những tiêu chí đầu tiên của nó như phương châm hoạt động của Hội như thế nào, đây là hội nghề nghiệp hay là một loại hội gì thì ở ngay đại hội lần này cũng vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn”.
Vấn đề chọn nhân sự cho Ban chấp hành (BCH) khóa mới cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn. Nhà thơ Lê Thị Mây cho biết: “Tâm tư của nhiều hội viên đang chờ đợi ở BCH mới sẽ có nhiều năng động với những hoạt động mang tính chiều sâu nhằm đổi mới những hoạt động của Hội, để thúc đẩy sáng tác và quan tâm bảo vệ quyền lợi của các nhà văn hội viên. Tôi thấy có nhiều gương mặt sáng giá cho BCH đã xuất hiện đâu đó”. Nhà văn Nguyễn Huệ Chi nói cụ thể: "Đại hội này, lớp già nên nhường chỗ cho lớp trẻ trong cơ cấu lãnh đạo của BCH khóa mới vì “tre già thì măng phải mọc”, và như thế mới có động lực cho Hội phát triển. Đấy cũng là một nguyện vọng, một mong mỏi của chúng tôi".
Trong khi đó, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn lại trăn trở: “Ấn tượng của tôi về đại hội lần này là cảm giác về chuyện cái khao khát quyền lực của nhà văn nó bộc lộ rõ quá ở mối quan tâm về BCH... Thực tế qua mấy kỳ đại hội, các vị trúng cử vào BCH hầu như cũng không biết sử dụng quyền lực ấy để làm gì, và hầu như chỉ ngồi chơi vậy thôi!”.
Nhận xét về việc có tới 349 nhà văn được đề cử vào BCH khóa VIII, nhà văn Trần Nhương cho rằng: “Điều này làm tôi không biết mừng hay vui, vì như thế chứng tỏ Hội Nhà văn chúng ta có nhiều người tài giỏi quá! Nên tôi hiến cho đại hội một kế như thế này, những người nào ngày mai trúng cử vào BCH mới thì chịu khó ở lại phục vụ Hội, phục vụ anh em. Còn lại hơn 300 nhà văn không trúng BCH khóa này thì chúng ta tiến cử lên trên và đề nghị các cấp trung ương nên sử dụng những nhân tài này... Nếu không làm được tới... bộ trưởng, vụ trưởng thì họ làm chủ tịch các phường, xã”.
Nhà văn Trần Nhương cho rằng, không nên quá quan tâm ai vào BCH mà nên chăng mỗi nhà văn nên nhìn lại mình khi có ý kiến cho rằng hình như nhà văn chúng ta đang sống xa cách với đời sống xã hội. “Điều này nhiều lúc khiến tôi và không ít bạn văn thấy buồn và chỉ mong rằng các nhà văn chúng ta hãy như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... ngày trước thì chúng ta mới có được nền văn học để lại nhiều tác phẩm văn chương lớn cho dân tộc, cho đất nước” - nhà văn Trần Nhương nói.
Đến ngày 4.8, đã có khoảng 850 nhà văn trên tổng số 923 hội viên về dự, trong đó có hơn một chục gia đình nhà văn (vợ chồng đều là hội viên). Sự cố không may là có 2 nhà văn cao tuổi ở phía Nam về dự đã phải vào Bệnh viện Việt - Xô cấp cứu vì quá mệt. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cho biết, Ban tổ chức đã nhận được gần 100 bản tham luận của các nhà văn với nhiều góp ý sâu sắc, thẳng thắn, chân tình và đại hội sẽ tạo không khí thực sự dân chủ, đổi mới, đoàn kết đối với toàn thể hội viên.
|
Theo Việt Chiến - TN
|