Tạp chí Sông Hương -
Không thể sang trọng
08:24 | 10/08/2010
Trong một bài báo in đã lâu, nhà thơ Nguyễn Duy kể lại cuộc phỏng vấn hụt Nguyễn Tuân trước thềm Đại hội Nhà văn lần 3, có câu Nguyễn Tuân nói: “Cần phải văn học hóa cái Hội Nhà văn của ta lên thì hội hè mới vui được”. Hóa ra từ thời văn đàn toàn những đại danh, “vào Hội Nhà văn còn khó hơn lên trời” đã thế.
Không thể sang trọng
Có nụ cười, nhưng không nhiều niềm vui. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nguyễn Tuân nói thêm: “Làm anh nhà văn mà không lo việc sáng tác cho mình và cho nhau, cứ lo đấu đá, sát phạt thì lạ thật. Hậu quả của lịch sử đấy, nhà văn ta hồi mới làm cách mạng đâu có như vậy. Phải làm lại, làm lại, nhá. Ấy là việc của đám các ông trẻ đấy” (nghĩa là phải văn học hóa Hội Nhà văn).

Cho nên cuộc phỏng vấn trước thềm Đại hội Nhà văn lần 3 (năm 1983) không thành. Người Vang bóng một thời chối đây đẩy: “Đi mà phỏng vấn người khác. Đừng bắt tôi đụng vào cái đại hội nhà văn nhà veo kỳ này nhé. Định mượn mồm tôi để ca ngợi đại hội chứ gì”.

Có đi dự, quan sát mấy kỳ đại hội gần đây mới thấy, điều mà Nguyễn Trọng Tạo nhận xét Đại hội Nhà văn lần 8 thật chẳng mới gì: “Thiếu sự sang trọng, lịch lãm, thiếu trí tuệ”.

Mới phút thứ 40 của ngày đầu tiên đại hội chính thức (5-8) đã nóng chuyện bầu cử. Một ngày hội nghề nghiệp, 5 năm trời mới có mà chờ hoài không thấy một bầu không khí thật văn chương, hay đơn giản là một lời mào đầu hoặc chốt vấn đề có vẻ ý nhị, nếu có thể thì hài hước. Nơi tụ bạ của những người- nói theo ngôn ngữ bình dân là “đầu mấy xà beng sỏi” lại đầy hành chính từ thủ tục cho tới ngôn ngữ. Nguyễn Khải nói: Ngôn ngữ với nhiều người không phải để giao tiếp cho hay ho mà chẳng qua nói chỉ để mà nói, “có mồm chẳng nhẽ không nói”.

Chuyện gẫu, thù tạc thì duyên dáng, có hương có nhụy lắm, vào chính cuộc thì khó đăm đăm, nội dung nhẹ mà hình thức nặng nề. Nếu không nặng thì lại nôm na, dễ dãi à uôm quá. Y phục xứng kỳ đức, thế mà có nhà văn nữ đến đại hội với trang phục như bộ đồ ngủ, khiến có người phải độc miệng “cậy già muốn làm gì thì làm”. Nguyễn Huy Thiệp sau khi kiên nhẫn nghe đủ các tham luận, được thể cười cười bảo “Thấy tôi viết Nhân chuyện Hoa thủy tiên đúng chưa. Phải đuổi những đám thơ phú lăng nhăng đi. Phải có người hành nghề chữ đúng nghĩa”.

Ai dám tham luận ở những chốn như Đại hội Nhà văn vừa qua, phải nói dũng cảm! Nói lên điều tâm huyết chất chứa trong tiếng micro khò khè khọt khẹt (dịch giả Vũ Đình Bình: “riêng chuyện nghe không rõ đã đủ ức chế”); trong tiếng thì thầm nhỏ to, và có thể cả nỗi phấp phỏng “người khác đã bị đuổi xuống, hy vọng trừ mình ra”.

Có nhà văn nữ bị vỗ tay bốn lần, xuống hội trường thanh minh rằng trong bốn lần đó có hai lần chị được tán thưởng, chỉ hai lần đuổi! “Chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt) nhưng đa số tham luận không đủ lôi cuốn, lại dài dòng. (Ai đã chọn những tham luận này?). Ban tổ chức cũng không có hình thức nhắc nhở hợp lý, chẳng hạn quá 10 phút sẽ bị rung chuông. Thành ra các nhà văn đành đối xử bất lịch sự với nhau.

Thương nhất là Bùi Minh Quốc, anh bị bố trí đọc tham luận lúc 11g20- sắp đến giờ ăn trưa. Nhiều người đồng cảm nhưng không đủ kiên nhẫn nghe. Vỗ tay. Micro tịt ngóm. Nhốn nháo. Chủ tịch đoàn còn đứng dậy bỏ đi. Anh khóc. Xuống hội trường tiếp tục khóc. Bùi Minh Quốc chưa đọc thì ai cũng biết anh sẽ diễn đạt thiếu khoa học, để tình cảm chi phối, nhưng bị đẩy đến tình trạng lố bịch như vậy, lỗi đâu chỉ ở anh.

Chuyện bầu bán luôn được quan trọng hóa nhưng lại thường bị quyết định vào những giờ phút khó khăn. Như lần này là 6-7 giờ tối, khi mà đại biểu đều có vẻ thấm mệt, mâu thuẫn với chính mình, mâu thuẫn với nguyên tắc đề ra ban đầu. Kể ra các đại biểu cũng dễ mệt, dễ đói thật. 5 năm mới đại hội một lần mà toàn bị lý do khách quan chi phối. Phan Cung Việt nhận xét: “Nhà văn ta thế mà nhẹ dạ, dễ bị điểm huyệt, huyệt nào ra huyệt ấy”. Và rồi “bị hút vào cái từ trường nó đã chờ sẵn các ông”.

Ở hành lang của đại hội, phóng viên bắt chuyện vài nhà văn. Bây giờ phỏng vấn ai cũng cảm thấy ngại. Người đáng hỏi sẽ ngại phát ngôn, ngại nói thẳng. Người đã phát biểu vo và tham luận không hay thì nỡ nào hỏi. Nguyễn Ngọc Tư nghe nói không có ý định trả lời bất cứ ai. Bảo Ninh được một nữ phóng viên còn trẻ chìa máy ghi âm, bèn tuế tóa ôm vai cô rồi tránh đi một cách lịch sự.

Anh hay có kiểu như thế. Nguyễn Huy Thiệp luôn dùng từ một cách ý tứ, không phải “có mồm chẳng nhẽ không nói”. Vũ Quần Phương cũng vậy kể cả khi cố tỏ ra điềm đạm hay phũ phàng. Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn đến bất ngờ, trả lời phỏng vấn như đọc thơ, vẫn nhớ dai: “Trần Mạnh Hảo bảo tôi bị Tây hóa, chuyên tự dịch thơ mình ra tiếng Việt, còn Trần Đăng Khoa thì chế nhạo rằng thơ tôi chỉ là văn xuôi xuống dòng”.

Anh Khoa thực ra từng nói một câu thâm hơn, với phóng viên: “Tôi bị trời đày hay sao mà không thấy thơ Thiều hay”. Những nhà văn để lại ấn tượng trong một kỳ đại hội, tiếc thay không nhiều. Nên những từ “nhà văn nhà veo”, “đại hội đại heo” mới được dùng một cách khinh mạn từ thuở Nguyễn Tuân cho đến giờ. Như Nguyễn Quang Lập, chủ nhân blog Quê choa vừa có bài “Nhà văn nhà veo” rất chi cám cảnh, giải thích vì sao đã qua rồi cái thời anh hăng hái đi dự Đại hội Nhà văn.

Theo Dương Thị - TP




Các bài mới
Các bài đã đăng