Tạp chí Sông Hương -
Kinh thành xưa có bị ngập úng?
09:45 | 12/08/2010
"Liệu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long xưa có bị ngập lụt khi mưa lớn" là một trong những thắc mắc gửi về cuộc giao lưu trực tuyến 'Hoàng thành Thăng Long- Di sản Văn hóa Thế giới'. Các chuyên gia đã giải đáp vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đúng dịp Đại lễ.
Kinh thành xưa có bị ngập úng?
Một số vật trang trí tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Yên
Cuộc giao lưu do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 11-8. Nhiều câu hỏi xoay quanh giá trị của Hoàng thành Thăng Long, cùng thắc mắc vì sao di tích gần như chỉ còn là phế tích này lại được UNESCO công nhận.

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: "Cần làm rõ giá trị của Hoàng thành ở hai phương diện. Trước tiên là giá trị di sản trong quan niệm của người Việt. Khu di sản này có bề dày lịch sử với 13 thế kỷ là kinh thành.

Nó quy tụ toàn bộ nền văn hóa dân tộc, hội tụ giá trị, tài năng của cả nước. Khu di sản không chỉ đi vào quá khứ mà vẫn tồn tại cùng đất nước. Trên cơ sở đó, nó được công nhận là di tích cấp quốc gia, rồi di tích quốc gia cấp đặc biệt.

Về phương diện quốc tế, UNESCO đưa ra 6 tiêu chí để được công nhận di sản thế giới. Hoàng thành Thăng Long thỏa mãn 3 tiêu chí: Nơi giao thoa các giá trị nhân văn của một khu vực hoặc là của thế giới mà biểu thị trên kiến trúc, nghệ thuật, quy hoạch; Thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh đặc sắc; Phản ánh, liên hệ trực tiếp với những tác phẩm, công trình có ý nghĩa hệ thống. Một di sản dù có giá trị rất lớn nhưng không đáp ứng được các tiêu chí thì cũng sẽ không bao giờ được công nhận.

PGS Tống Trung Tín lí giải vì sao UNESCO công nhận khi Hoàng thành gần như chỉ còn là phế tích: "Khi công nhận di sản thế giới, người ta thừa nhận cả những công trình là các khu khai quật khảo cổ. Vì nó lưu trữ những giá trị cổ xưa rất phong phú trong lòng đất. Công nhận các công trình này, tức là người ta thừa nhận giá trị của các phế tích nhà cửa, phế tích cung điện trong lòng đất. Hoàng thành Thăng Long của chúng ta cũng vậy".

PGS-TS Tống Trung Tín cũng nhận được câu hỏi khá thú vị từ một độc giả ở Huế về hệ thống thoát nước của Hoàng thành Thăng Long xưa. Kinh thành xưa có bị ngập lụt như Hà Nội hiện nay không? Theo PGS Tín, Hoàng thành Thăng Long xưa có một hệ thống thoát nước rất khoa học đáng để các nhà quy hoạch đô thị hiện nay học tập.

Vấn đề bảo tồn cũng thu hút quan tâm. "Cho đến nay, chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng mới chỉ dừng ở mức độ bảo vệ di vật, bảo tồn tạm thời"- GS Phan Huy Lê khẳng định.

Theo ông, sắp tới đây, phải tìm ra cách bảo tồn nguyên dạng, lâu dài bằng các công nghệ bảo tồn hiện đại. Hiện, Nhật Bản và các nhà khoa học Việt Nam đang tập hợp những thông số cần thiết về khí hậu, thời tiết để đưa ra các biện pháp bảo tồn.

Các nhà khoa học cũng cho biết, việc khai quật khảo cổ sẽ được tiếp tục trong thời gian tới để có cái nhìn toàn diện hơn. "Chúng tôi vẫn luôn biết còn có một Thăng Long- Hà Nội cổ xưa nhất trong lòng đất. Vừa rồi mới khai quật thăm dò 4 địa điểm trong thành cổ Hà Nội: Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc, Kính Thiên thì đã thấy dấu tích của thời Lý, Trần, Lê. Đây sẽ là nơi tập trung những cung điện quan trọng bậc nhất.

Trong tương lai, nhất định phải mở rộng khai quật. Tuy nhiên, khai quật khảo cổ có những nguyên tắc nhất định. Khai quật để lấy tư liệu thì không khó nhưng khai quật để bảo tồn thì rất khó. Khai quật mà không bảo tồn tốt có nghĩa là phá hủy di tích"- PGS-TS Tống Trung Tín nói.

Theo Hà Huyền - TP




Các bài mới
Các bài đã đăng