Tạp chí Sông Hương -
Chuyến thực tế Tây Bắc sau Đại hội Nhà văn
08:45 | 13/08/2010
Tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần 8 nhiệm kỳ 2010 - 2015 vừa kết thúc vào ngày 6/8 có một vài lời than phiền rằng các nhà văn xa rời hiện thực cuộc sống, nhất là cuộc sống ở vùng sâu vùng xa. Liền sáng ngày 7/8, các nhà văn đi thực tế Tây Bắc theo lời mời của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Chuyến thực tế Tây Bắc sau Đại hội Nhà văn
Các nhà văn trước tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Trưởng đoàn là chị Lê Thị Xuân Hương - Phó ban Quan hệ cộng đồng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Cũng như nhiều cán bộ, nhân viên của Điện lực miền Bắc, chị Hương rất yêu quý các nhà văn Việt Nam. Đa phần các nhà văn đi thực tế Tây Bắc lần này là người miền Nam. Lão làng có nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà TP.HCM, nhà văn Trung Trung Đỉnh - Giám đốc NXB Hội Nhà văn, Nguyễn Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Cà Mau, Thái Bá Lợi ở Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Thu ở Đắk Lắk, Đoàn Thạch Biền ở TP.HCM...

Trong một tuần (7 - 14/8), đoàn đã đi 6 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Các nhà văn vừa nêu, có người chưa đi hết Tây Bắc dù họ thuộc lòng Tây Bắc qua tác phẩm của Nguyễn Tuân, Tô Hoài... Dù chỉ cưỡi ngựa xem hoa nhưng là xem “hoa đẹp” - những địa danh tiêu biểu của mỗi tỉnh thành Tây Bắc. Tất cả đều ngạc nhiên trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây.

Nhà văn Thái Bá Lợi cung cấp thông tin: “Ở Tây Bắc, ngành điện lực tốn đến 40 triệu để mỗi gia đình trong các bản làng heo hút có điện”. Chị Xuân Hương gật đầu xác nhận thông tin này và khen nhà văn Thái Bá Lợi “lạc đề”... rất sâu sắc. Lạc đề bởi, Điện lực miền Bắc chỉ mời các nhà văn đi “ngoạn cảnh” Tây Bắc chứ không mong các văn sĩ nước nhà quan tâm đến ngành điện.

Ở 6 tỉnh Tây Bắc, đoàn nhà văn viếng thăm các địa danh mà nhắc đến tên hầu như ai cũng thuộc nằm lòng. Như ở Điện Biên, các nhà văn đã xúc động trước căn cứ Mường Phăng - nơi chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xúc động không chỉ cảnh vật gợi nhớ đến những con người năm xưa, mà còn vì đồng bào bản địa nơi đây tiếp đón các nhà văn tràn đầy tình cảm như thuở đón bộ đội đánh Pháp ngày nào...

Sau một tuần “ngoạn cảnh”, ngoài các tấm hình đầy kỷ niệm mang về cảnh núi non hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn và “chân dung” con người Tây Bắc, các nhà văn đều tự hứa với mình sẽ có những tác phẩm về miền đất tươi đẹp này. Riêng nhà văn Trung Trung Đỉnh còn mang về câu ca của các cô gái Thái mà ông thuộc lòng: “Người đẹp ra suối tắm/ Cá về xem chân/ Người đẹp đi lên rừng/ Hoa về xem mặt...”.

Theo Trạc Tuyền – TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/08/2010)