Tạp chí Sông Hương -
Nhà phê bình Trung Quốc bàn về văn học nữ giới
09:56 | 17/08/2010
Dòng văn học nữ giới đang trở thành chủ đề được quan tâm và gây tranh cãi giữa các nhà văn nữ và giới phê bình trên nhiều diễn đàn và các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc.
Nhà phê bình Trung Quốc bàn về văn học nữ giới
Nhà văn Thiết Ngưng. Ảnh: China
Trên diễn đàn Văn học nữ giới Trung Quốc, nhà văn Trương Kháng Kháng cho biết: "Tôi không phản đối gì văn học nữ giới cả. Nhưng tôi không thích bị coi là "người sản sinh ra văn học nữ quyền. Khái niệm đó trở thành vật cản trên con đường phát triển của các nhà văn nữ ở Trung Quốc".

Lăng Lực - nhà phê bình thuộc Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh nhận định, nhiều nhà văn nữ đã giúp giới phê bình mở rộng hiểu biết của họ về văn học nữ giới.

"Các cây bút nữ không chỉ viết về cuộc đấu tranh bình đẳng giới, mà họ còn triển khai sáng tác của mình trên nhiều đề tài mới".

Wang Hongqi, nhà phê bình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phụ nữ cũng khẳng định, quan niệm của các nhà văn về người phụ nữ cầm bút đã có nhiều thay đổi trong những năm qua.

Theo bà, phần lớn các tác giả không thích bị gắn tên kèm với giới tính của mình. Bởi nó làm lu mờ tài năng của họ.

"Phụ nữ không thích bị gọi như vậy. Bởi giới tính là một lợi thế nhưng không phải là vũ khí trong sáng tạo nghệ thuật", bà giải thích.

Dòng văn học nữ giới của Trung Quốc rộ lên những những năm 1980, tạo ra những tên tuổi lớn như Tông Phác, Trương Khiết, Thiết Ngưng, Vương An Ức, Trương Kháng Kháng…

"Hiện nay, sách của các nhà văn nữ chiếm tỷ lệ rất lớn trên thị trường sách văn học", nhà phê bình Bai Ye thuộc Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết.

"Tầm ảnh hưởng của văn học nữ giới khiến họ trở thành lực lượng có vai trò không thể chối cãi trên văn đàn Trung Quốc", ông nói.

Nhà phê bình kỳ cựu Chen Juntao Chia sẻ quan điểm này của Bai Ye. Theo ông, Lin Bai là một ví dụ điển hình về sự thành công của các cây bút nữ.

Sinh năm 1958, Lin giành được thành công đầu tiên vào những năm 1990 với cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi One Woman's War (1994). Cuốn sách viết về cuộc sống riêng tư với những bí mật nhạy cảm của một cô gái. Tác phẩm đã mở đầu cho dòng văn học đi sâu vào khám phá những trải nghiệm trong đời sống phụ nữ.

Năm 2003, Lin tiếp tục vượt qua thành công ban đầu của mình với cuốn tiểu thuyết All in Full Bloom.

Chen cho rằng, tác phẩm của Lin đề cập đến một thế giới mở với nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng.

Dẫn chứng thứ hai là nhà văn Thiết Ngưng, người hiện giữ chức chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Bà nổi tiếng với những tiểu thuyết miêu tả người đàn ông hèn kém trong mắt phụ nữ như Escape (2003), Benhua Village (2006)…

Ông tin rằng, sự xuất hiện của những nhà văn như Lin và Thiết Ngưng sẽ góp phần hình thành nên diện mạo văn học Trung Quốc.

"Sự phát triển của xã hội đã tạo điều kiện cho phụ nữ độc lập về kinh tế, giúp họ được học hành đến nơi đến chốn, được tham gia vào các hoạt động xã hội, được phát triển kỹ năng của mình. Họ cũng không nhất thiết phải dựa vào một người đàn ông hay một cuộc hôn nhân để tồn tại. Phụ nữ đã giành được những gì mà họ đấu tranh. Họ được giải phóng để thể hiện tầm nhìn của mình tới những chân trời mới, thậm chí là cân nhắc lại cả vị thế của mình với nam giới", Wang nói.

Theo Hà Linh - evan





Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/08/2010)