Tạp chí Sông Hương -
Hành trình yêu nước
14:41 | 17/08/2010
Thầy Đỗ Đình Truật (ảnh) là thầy chủ nhiệm chúng tôi năm lớp 2 và lớp 3 ở Khu học xá Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), khoảng 1956-1957.
Hành trình yêu nước
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau bao nhiêu xa cách, thì vào năm 1995, tôi lại được gặp thầy Truật khi thầy về Quảng Ngãi khảo sát và khai quật địa đạo Đám Toái (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), nơi quân Mỹ đặt chất nổ tàn sát gần 100 thương bệnh binh quân Giải phóng tại một trạm xá dã chiến và vùi chôn họ trong địa đạo này gần 30 năm.

Trong cuộc hội ngộ thầy trò vui và cảm động, khi nhắc những kỷ niệm thời đi học bên Khu học xá, tôi đã nói đùa với thầy Truật là dạo đó thầy dạy chúng tôi chủ yếu bằng... roi chứ không bằng chữ. Chúng tôi thuở đó là một lũ trẻ con nghịch ngợm, vừa học vừa... phá, nên thầy Truật “yêu cho roi cho vọt” cũng là phải lẽ. Thầy Truật đã cười rất vui khi nghe tôi nhắc kỷ niệm này. Sau những năm học bên Trung Quốc, thỉnh thoảng gặp bạn bè cùng lớp, tôi vẫn nghe các bạn thì thầm rằng dạo đó thầy Truật chủ nhiệm lớp chúng tôi là để làm một việc hệ trọng gì đó, chứ không hẳn là việc “gõ đầu trẻ”. Bây giờ, khi được đọc loạt bài của Giao Hưởng trên Báo Thanh Niên - Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - tôi mới vỡ lẽ: hóa ra, ngay từ những năm 1956-1957 ấy, khi làm chủ nhiệm lớp trẻ con chúng tôi, thầy Truật đã âm thầm nghĩ về một hành trình vô cùng cam go và phức tạp cho mình là tìm bằng được ngôi mộ ngay trên đất Trung Quốc của vị vua Việt Nam Hồ Quý Ly, người không chỉ nổi tiếng là một vị vua canh tân với rất nhiều chính sách mới mẻ cho quốc gia, mà còn là vị vua kiên quyết chống xâm lược, dù cuộc kháng chiến của ông và quần thần đã thất bại, bản thân ông và các con bị giặc Minh bắt đày sang Trung Quốc và chịu bỏ thân ở đâu đó nơi xứ người. Cuộc đời, những quyết sách canh tân, lòng yêu nước và cuộc kháng chiến dang dở của Hồ Quý Ly là một trang bi kịch trong lịch sử Việt Nam. Bi kịch nhưng oai hùng. Bi thương nhưng lẫm liệt. Tìm mộ một vị vua Việt yêu nước như thế ngay trên đất Trung Hoa là việc khó hơn mò kim đáy bể.

Nếu thầy Truật định tìm mộ vua Lê Chiêu Thống, có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, kết hợp với bậc thầy nho học Trần Văn Giáp, đã quyết tìm cho được mộ Hồ Quý Ly. Địa danh Lão Hổ Sơn mà cuối cùng thầy Truật đã chấm, theo tôi, là một định danh đúng. Ngay cái tên Lão Hổ Sơn đã có gì như phảng phất liên hệ với Hồ Quý Ly - một “con hổ già” bất khuất nhưng bất lực trong sự nghiệp giữ nước. Giữa mênh mông một bãi tha ma cổ với bao nhiêu ngôi mộ vô danh không bi ký mà cố tìm cho ra mộ Hồ Quý Ly, quả thật không dễ. Chính sự thôi thúc của tinh thần và tâm linh đã đưa thầy Truật qua bao nhiêu năm tháng miệt mài, ăn chịu vì một mục đích. Không dễ để có một nhà khảo cổ như thế. Nhưng nếu tìm được mộ Hồ Quý Ly là cái đích cuối cùng trên thực địa, thì chính hành trình tìm mộ cam go và cao cả kia là cái đích về lòng yêu nước, về sự minh chứng cho lòng biết ơn được truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác trong cộng đồng người Việt. Hồ Quý Ly được các thế hệ người Việt hôm nay biết ơn và tôn vinh, vì chính ông là người yêu nước, chứ không phải vì ông là vua. Thầy Truật họ Đỗ chứ không phải họ Hồ, vì thế đây không phải hành trình tìm mộ tổ tiên dòng họ mình, mà tìm mộ tổ tiên yêu nước của dòng họ người Việt lưu lạc và chết trên xứ người. Điều ấy khiến chúng ta xúc động bao nhiêu!

Kính mong thầy Đỗ Đình Truật mạnh khỏe, chân cứng đá mềm để có thể tiếp tục hành trình yêu nước của mình. Bản thân cuộc hành trình đã đầy ý nghĩa, dù đích tới còn rất mơ hồ.

Theo Thanh Thảo - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng
(13/08/2010)