Tạp chí Sông Hương -
Những câu chuyện từ trái tim
09:29 | 18/08/2010
'Những câu chuyện từ trái tim' đã vượt qua tầm của một cuốn tự truyện để trở thành tác phẩm văn học có giá trị, khi mở bất cứ trang nào cũng thấy những chi tiết thấm đậm tình người. Trên blog của Trần Văn Khê viết: “Hãy yêu sự thật, nhưng cũng biết tha thứ lỗi lầm” (Voltaire).
Những câu chuyện từ trái tim
Lắng nghe người đàn ông thông thái

Sách vỏn vẹn 12 câu chuyện nhỏ, ngoài ra có một chương đối thoại với tác giả và phụ lục thơ của chính tác giả. Văn chương của Trần Văn Khê (do Đào Trung Uyên chấp bút) ngắn gọn, giản dị, nhiều phương ngữ Nam Bộ, phong cách nhẹ nhõm, hiền lành. Thơ ông cũng có những dòng hay và cảm động: Đợi trăng khảy mấy cung đờn/ sao trăng vẫn trốn, trăng hờn ta sao?.

Về nỗi buồn của tuổi thơ sớm mất cha mẹ: “Đến tận bây giờ ở tuổi 90, tôi vẫn thỉnh thoảng còn những cảm giác ấy. Những lần đi ngủ, con cháu đến tấn mùng cho, nhắm mắt lại, tôi cảm nhận được như mẹ đang ở bên mình, đang chăm sóc mình”. Về một chủ đề khác hẳn, chuyện đàn ông mặc áo dài biểu diễn nhạc dân tộc, tác giả cũng có cách thuyết phục, làm xiêu lòng nhiều người trong đó có tôi, từng nghĩ đàn ông mặc áo dài khăn đóng, kể cả để hát quan họ, sao trông “tẩm” thế.

Tình yêu âm nhạc dân tộc của ông cũng được truyền tải sinh động, dung dị, rằng ông “yêu đờn như yêu người”, rằng “nhiều khi tôi buồn quá, lên dây không ăn, tôi nghĩ chắc đờn cũng đang chia sẻ cái bối rối của mình”. Cứ thế tác giả dẫn dắt ta từ câu chuyện giản dị, tới những chủ đề mang tầm triết lý sâu rộng hơn như việc giáo dục con cái, đức khiêm tốn, về cách đối ứng với người, hay rộng hơn nữa, về tình yêu nước, về nỗi trăn trở đối với âm nhạc dân tộc.

Những chủ đề quen thuộc ấy được diễn giải chân thành mềm mỏng nhưng bao hàm chính kiến vững chắc. Những câu chuyện nhỏ mà thâm thúy của một giáo sư, học giả, nghệ sĩ lớn.

Đời sống còn nhiều bí mật đẹp đẽ

Những câu chuyện từ trái tim cho thấy cuộc sống có những quy luật đơn giản mà cũng kỳ diệu, và cuộc đời của GS Trần Văn Khê là một minh chứng sinh động.

Nếu khắt khe ra, có thể tìm ra lý do để nói rằng ông cũng chỉ như những đàn ông khác, bỏ lại vợ mang bầu và ba con thơ ở Việt Nam, sang Pháp du học và biền biệt mấy chục năm trời; chỉ biết mặt con gái út khi cô 19 tuổi, trải qua nhiều mối tình và li dị vợ.

Nhưng chương “Cuộc đối thoại về tình yêu và sự nghiệp” cho thấy những tâm sự về mục đích và nguyên tắc sống rất lý trí song mang nặng tình người. Và hiểu những gì xảy ra với ông là do sự lựa chọn rất cương quyết, vì những gì tốt đẹp hơn cho mình và mọi người, bởi vì “cái vui trong chốc lát không thể đổi được cái buồn về sau cho mình và cho bao nhiêu người khác”.

Ông làm ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt, từ những chi tiết ứng xử rất nhỏ, như lần phản ứng với thủy sư đề đốc Pháp vì đã kỳ thị văn hoá Việt Nam. Về tình yêu, ông quan niệm “tôi không đặt cái đẹp lên hết thảy, nhưng ít nhất phải dễ coi. Tôi thích cái duyên hơn cái đẹp. Cái duyên làm cho mình mến, mình muốn gần”. Ông kể về cuộc tình một đêm với một cô vũ nữ, hay mối tình ngắn ngủi khác, để nói rằng ông cũng biết mở lòng để tận hưởng tình yêu, nhưng không bao giờ để tình yêu vượt qua lý trí.

Ông chia sẻ “hạnh phúc tuy không phải bao giờ cũng hoàn hảo nhưng vẫn là hạnh phúc”. Phải chăng cuộc sống quanh ta đầy rẫy những số phận, những hoàn cảnh tương tự, những cái rất không trọn vẹn, nhưng vẫn đẹp và đáng trân trọng. Những bí mật như vậy thật đáng tìm hiểu, đâu phải là những mảng tối khác của đời sống mà không ít lần ta trà dư tửu hậu để mà chuyện phiếm với bạn bè.

Theo Lã Tuyết Hoa - TP





Các bài mới
Các bài đã đăng