Tạp chí Sông Hương -
Lê Anh Xuân - “Vì sao đổi ngôi” của văn học cách mạng
09:43 | 18/08/2010
Sáng 17-8, Hội Nhà văn TPHCM (HNV TPHCM) đã tổ chức hội thảo “Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân”. Tham dự hội thảo có đại biểu của nhiều thế hệ, từ những người bạn, đồng chí của nhà thơ - liệt sĩ, đến những người yêu thơ Lê Anh Xuân, những nhà lý luận phê bình, các bạn trẻ của thế hệ hôm nay. Với mọi người, dù đã vĩnh viễn ra đi 42 năm về trước nhưng nhà thơ Lê Anh Xuân vẫn còn mãi, cũng giống như những vần thơ cuối cùng của ông:
Lê Anh Xuân - “Vì sao đổi ngôi” của văn học cách mạng
Nhà thơ Lê Anh Xuân (trái) cùng nhà văn Anh Đức tại căn cứ. Ảnh: C.T.V.
“Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”
(Dáng đứng Việt Nam).

Cả cuộc đời cho văn thơ cách mạng

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cả về văn hóa lẫn ý chí cách mạng. Cha ông, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, người đã từng từ chức quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời ấy để trở lại miền Nam chiến đấu.

Lê Anh Xuân cũng thế, cả cuộc đời ngắn ngủi đã cống hiến hết sức mình cho cách mạng. Tốt nghiệp khoa Sử với loại ưu, được giữ lại làm giảng viên, được tuyển chọn đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng Lê Anh Xuân lại chọn con đường gian nan nhất, ác liệt nhất: quay lại miền Nam chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Nhận xét về tài thơ của Lê Anh Xuân, nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định: “Trong số những nhà thơ trẻ của chúng ta, rõ ràng Ca Lê Hiến là nhà thơ xuất sắc nhất”. Đây là một nhận xét rất đặc biệt bởi vì quãng thời gian sáng tác của nhà thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân chỉ vẻn vẹn chưa tới 10 năm. Thậm chí, nếu tính từ bài thơ Nhớ mưa quê hương đoạt giải nhì của Tạp chí Văn nghệ năm 1961 đến bài thơ cuối cùng Dáng đứng Việt Nam năm 1968, quãng thời gian Lê Anh Xuân sáng tác còn ít ỏi hơn nữa. Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn từng ấy năm, Lê Anh Xuân đã để lại trong lòng bạn đọc cả nước những vần thơ sống mãi với thời gian.

Phân tích về thơ của Lê Anh Xuân, các nhà lý luận văn học chia sáng tác của ông làm hai dòng chính là những bài thơ bày tỏ tình cảm yêu quê hương, đất nước, con người… và những bài thơ của một nhà thơ chiến sĩ.

Nhà phê bình Hoài Thanh có hai bài viết về Lê Anh Xuân thể hiện rõ quan điểm về hai dòng sáng tác này là bài: “Tiếng gà gáy của Ca Lê Hiến hay tâm sự của người thanh niên miền Nam tập kết” và “Lê Anh Xuân hay tấm lòng của người thanh niên trên tiền tuyến lớn”.

Và đỉnh cao, cũng đồng thời là tác phẩm cuối cùng mà Lê Anh Xuân sáng tác chỉ một thời gian ngắn trước khi hy sinh, bài thơ Dáng đứng Việt Nam (tên gốc là Anh giải phóng quân sau được nhà thơ Anh Đức sửa lại thành Dáng đứng Việt Nam), đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh giúp Lê Anh Xuân thấy ngày chiến thắng là tất yếu

“Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Xứng danh anh hùng

Lê Anh Xuân và Nguyễn Thi có một điểm giống nhau. Cả hai người đều hết lòng vì sự nghiệp sáng tác, dù đã được yêu cầu ở tuyến sau cho an toàn nhưng cả hai đều tìm mọi cách để lên tiền tuyến đi cùng chiến sĩ, bắt kịp hơi thở chiến trường để có được những sáng tác sâu sắc nhất trước sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần của người lính cách mạng.

Và cũng chính vì thế, cả hai đã đánh đổi những câu văn, vần thơ lay động lòng người bằng chính sinh mạng của mình. Nguyễn Thi ngã xuống trên đường phố Sài Gòn khi đang trực tiếp chiến đấu, Lê Anh Xuân nằm lại vĩnh viễn trong căn hầm bí mật ở khu vực Bình Chánh - Cần Giuộc trong một trận càn của giặc Mỹ.

Nhận xét về những văn nghệ sĩ đã xả thân vì sự nghiệp nghệ thuật cũng như cách mạng như Nam Cao, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Hoàng Việt…, nhà lý luận phê bình Mai Quốc Liên gọi đó là: “Thế hệ vàng của văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh”. Trong tác phẩm phê bình, bình luận văn học do Vũ Tiến Quỳnh chủ biên, nhận xét về Lê Anh Xuân như sau: “Lê Anh Xuân đi qua nền văn học như một vì sao đổi ngôi, hai năm rưỡi (1965 - 1968) anh đã làm hết sức mình”.

Lê Anh Xuân sinh ngày 5-6-1940, hy sinh ngày 24-5-1968, chưa đầy 28 tuổi. Thế nhưng, nhà thơ đã để lại cho các thế hệ mai sau một tài sản vô giá. Đó là hào khí, là chất anh hùng bất khuất của cả một thế hệ. Trong những năm tháng sau này, những người lính trẻ ra trận đều hát vang bài Dáng đứng Việt Nam (nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc)

“Anh tên gì hỡi anh yêu quý
Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ giải phóng quân”.

Lê Anh Xuân đã sống trọn vẹn đời một người nghệ sĩ tài hoa và đã hy sinh như một người lính nơi mặt trận. Danh hiệu Anh hùng LLVT xứng đáng trao cho nhà thơ vì những gì Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân đã cống hiến.

Theo Tường Vy - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng