Tạp chí Sông Hương -
Làng tiến sĩ bên sông Tiền
14:43 | 23/08/2010
Mấy lần cùng đi công tác với Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, tôi phát hiện ra cô là người làng Vĩnh Kim, từ bé theo cha tập kết ra Bắc trở thành người Vĩnh Kim- Tiền Giang ở Hà Nội. Cô cho biết: Vĩnh Kim là đất học nơi sinh ra rất nhiều người thành đạt...
Làng tiến sĩ bên sông Tiền
Ai về chợ Giữa

Đường đến Chợ Giữa thuộc ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cách thành phố Mỹ Tho 14 cây số nằm khép mình dưới những vòm cây trái sum suê. Vĩnh Kim là “Vương quốc Vú sữa Lò Rèn” một thương hiệu trái cây từ xa xưa đã vang danh thiên hạ. Nhưng Vĩnh Kim còn là miền đất học nổi danh đất Nam kỳ lục tỉnh với cách gọi dân gian: Làng Tiến sĩ…

Một sáng mùa hè, tôi tìm về Chợ Giữa, đất của máu và hoa một thời còn ghi dấu bia căm thù với tượng đài thâm nghiêm giữa dãi dầu mưa nắng.

Tượng đài đó nhắc nhớ sự kiện sáng ngày 05 tháng 12 năm 1940, dân từ các làng lân cận đổ về đây họp chợ. Vào lúc chợ đông giặc đã cho máy bay ném bom trúng giữa chợ. Bom nổ làm chết, bị thương khoảng 200 người. Máu lẫn trong trái cây văng tung tóe, người la thét, kêu gào hoảng loạn. Đó là một ngày bi thương, ngày giỗ chung của làng.

Làng tiến sĩ

Dòng sông Rạch Gầm- Xoài Mút (sông Tiền) hiền hòa yên bình lặng lẽ trôi, từ thuở người xưa đi khai khẩn mở đất phương Nam đã tạo nên vùng cây trái Vĩnh Kim nổi tiếng với loài vú sữa Lò Rèn. Và Vĩnh Kim còn là vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức yêu nước như nữ thi sĩ Đỗ Liên đã viết:

Chợ Giữa nhiều trang danh điện ngọc/ Vĩnh Kim lắm kẻ học liên trì/Tài ba đời cổ chưa ai sánh/ Lỗi lạc thời kim ít kẻ bì”

Có lẽ Vĩnh Kim là một làng Tiến sĩ duy nhất của đất phương Nam đã sản sinh ra những tên tuổi lớn, nổi danh như: Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, đậu tiến sĩ năm 1856, đời vua Tự Đức, được bổ chức Đốc học tỉnh Định Tường, Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê; GSTS Trần Quang Hải (con trai của Viện sĩ Trần Văn Khê), GSTS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, là nhạc sĩ có hai bằng Tiến sĩ, PGS -TS Nguyễn Tấn Phát và PGS - TS Phạm Đình Hùng... chưa kể đến rất nhiều văn nhân tài tử.

Viện sĩ Trần Văn Khê đang thưởng thức âm nhạc truyền thống vùng sông nước . Ảnh: T.L


Từ xưa, Vĩnh Kim đã nổi danh vùng đất của sáu ông Lục Hiền, là những nhà nho yêu nước. Đây cũng là nơi dừng chân của nhiều vị cách mạng tiền bối đến tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn…

Vĩnh Kim còn là vùng đất đã sinh ra ông Ngô Tấn Nhơn, vị Bộ trưởng hai Bộ Canh nông và Kinh tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chủ tịch sáng lập tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên 1946. Hai cô con gái của cụ Ngô Tấn Nhơn là Tiến sĩ Ngô Kiều Nhi (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học Việt Nam).

Vĩnh Kim còn có gia đình của ông Trần Năng Lựa (cậu ruột của phu nhân Chủ tịch Tôn Đức Thắng) có ba người con đều làm bác sĩ rất nổi tiếng: bác sĩ Trần Nam Hưng, bác sĩ Trần Khải Siêu, bác sĩ Trần Hữu Di.

Còn có TS Lâm Chí Hùng, con của ông Lâm Ba, ấp Vĩnh Hòa đậu tiến sĩ tại Canada và TS Phạm Xuân Quang, con ông Phạm Xuân Thới ấp Vĩnh Thạnh thi vào đại học đậu thủ khoa, ra trường cũng thủ khoa và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mỹ.

Vĩnh Kim bây giờ không ngừng phát triển kinh tế - xã hội và đang đô thị hóa từng ngày. Thương hiệu Vú sữa Lò Rèn đã có mặt tại nhiều nước. Đời sống vùng đất học khấm khá lên từng ngày.

Theo Trân Châu - TP




Các bài mới
Các bài đã đăng