Tạp chí Sông Hương -
Tiền tỷ làm chèo: Xem xong vẫn ‘thiếu’
08:14 | 01/09/2010
Chưa thỏa mãn là cảm giác của đa số công chúng khi xem vở diễn "Cao Bá Quát" vừa ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Nhà hát Chèo dàn dựng với số tiền đầu tư được tiết lộ lên tới cả tỷ đồng.
Tiền tỷ làm chèo: Xem xong vẫn ‘thiếu’
Kẻ sĩ Bắc Hà Cao Bá Quát-nhân vật chính- chưa thật sự nổi bật trong vở diễn (Ảnh: H.Hồng)

Khi vai phụ nổi hơn vai chính

Vẫn dưới bàn tay đạo diễn của NSND Doãn Hoàng Giang, nhưng Cao Bá Quát là một sản phẩm khác hẳn với các vở chèo gần đây. Không sử dụng những mảng miếng sân khấu gây sốc như với Oan khuất một thời, Doãn Hoàng Giang với Cao Bá Quát đằm tính hơn nhiều và truyền thống hơn nhiều.

“Miếng” duy nhất mà Doãn Hoàng Giang sử dụng chính là nhân vật hư cấu mang tên Quách Văn Thân - một dạng vai hề theo thầy do Xuân Hinh đảm nhận. Có lẽ coi đây là điểm nhấn của vở nên vị đạo diễn bị mệnh danh là “kẻ phá chèo” đã chăm chút khá kỹ lưỡng cho vai diễn này, thành ra nhân vật chính - “kẻ sỹ Bắc Hà” Cao Bá Quát - trở nên chìm và nhạt.

Là nhân vật phụ nhưng mật độ xuất hiện của Quách Văn Thân khá đậm đặc, gần như chiếm đến 90% các lớp cảnh. Thêm nữa, cách thoại theo cảm hứng cùng cách diễn tung tẩy quen thuộc của Xuân Hinh khiến cho khán giả vỗ tay liên tục mỗi khi anh bước ra sân khấu. Đó cũng chính là lúc khán giả được đánh thức cảm xúc nhất.

Trong khi đó, những trường đoạn về nhân vật chính Cao Bá Quát như lúc Cao Bá Quát bị tra tấn trong nhà lao, lúc Lan Châu – con gái quan Đỗ Tính, cô học trò đem lòng yêu thầy giáo của mình – mang rượu đến thăm thầy trong ngục, ngay cả đoạn Cao Bá Quát hy sinh thân mình để giải cứu cho nghĩa quân… lẽ ra phải rất xúc động thì lại không lấy được nhiều nước mắt khán giả.

NSƯT Quốc Anh đã thể hiện rất đẹp phong thái của một Cao Bá Quát tài hoa, cương trực, kiêu hãnh và ngạo đời. Song trái với mong đợi, giọng hát sang trọng của anh chưa được phát huy tối đa với lời kịch giàu chất thơ như kịch bản này. Rất nhiều đoạn giọng Quốc Anh bị chìm trong tiếng nhạc. Chưa kể, quá ít đất cho Quốc Anh ngâm thơ khi mà anh có giọng ngâm thơ số 1 trong làng chèo. Nhất là lại ngâm thơ của một nhà thơ lừng danh trong lịch sử với câu sấm truyền “Thần Siêu, Thánh Quát”.

Điều đáng tiếc là, lẽ ra nhân vật hề chèo chỉ để tô điểm cho vở diễn, làm bật lên các góc cạnh của nhân vật chính, thì với vở Cao Bá Quát, vai của Xuân Hinh đã thu hút mọi sự tập trung về mình ngay cả khi có mặt nhân vật chính trong một lớp cảnh dài. Hơn nữa, giọng hát quá ngọt và những động tác diễn xuất điển hình của Xuân Hinh đã tạo sự chênh lệch rõ với giọng hát của các diễn viên phụ khác.

Những ấn tượng cuối cùng đọng lại trong khán giả khi vở kịch khép lại những phút tung hứng của Quách Văn Thân chứ không phải những câu thơ tài hoa thần thánh của nhà thơ sinh bất phùng thời và nỗi lòng bất mãn với thời cuộc, day dứt đến tận cùng khi không thể xoay vần thời thế của vị lãnh tụ anh hùng cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương năm 1854.

Cảm xúc của khán giả chưa được đẩy lên tận cùng khi vở chèo tiền tỷ hạ màn
(Ảnh: H.Hồng)


Và những hạt sạn

Chưa thực sự thuộc lời và ngấm lời là điều dễ nhận thấy ở các diễn viên trong vở Cao Bá Quát. Vai Hoàng Trọng Nghĩa của Quang Dương nhiều lần phải ngừng mất vài giây mới thoại tiếp được. Nhân vật Cao Bá Quát cũng bị vấp đôi lần. Nhân vật Quách Văn Thân tung hứng đôi khi hơi quá đà, đệm vào nhiều câu chửi tục, chửi đổng không cần thiết.

Một số tình tiết trong vở cũng thừa thãi, không thực sự chặt chẽ. Nhân vật phu nhân của Cao Bá Quát quá mờ nhạt. Chi tiết cho bà lên thăm chồng ở vùng bí mật diễn ra quá chóng vánh, thiếu cảm xúc chân thực. Nhiều người thắc mắc không hiểu đạo diễn đưa chi tiết này vào với mục đích gì khi mà cuối vở thì tuyệt nhiên không nhắc đến vợ Cao Bá Quát nữa?

Hay như nhân vật Xuân Phương (Thục Khách đóng)– đào nữ của Lầu sương quán vừa hát hay vừa đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Cứ ngỡ nàng sẽ có tình cảm với một ai đó trong vở vì có cảnh Hoàng Trọng Nghĩa ôm chặt lấy Xuân Phương khi cô bị cha con Đỗ Tính ức hiếp. Nhưng cuối cùng thì mọi cảm xúc cũng chỉ dừng tại đó, không phát triển thêm.

Cách xưng hô của Lan Châu với Cao Bá Quát thì lộn xộn và không hợp lý. Lúc thì là thầy – con, lúc lại là thầy – em. Cách xưng hô thầy – em chỉ ra đời từ khi có phong trào Bình dân học vụ, chứ thời phong kiến thì sao có thể xưng hô như thế. Cứ cho là Doãn Hoàng Giang cách tân đi chăng nữa vì cô Lan Châu này có tình cảm với thầy nhưng cách tân đó chỉ hợp lý với duy nhất cảnh Lan Châu vào thăm Cao Bá Quát trong ngục và bày tỏ tình yêu. Còn trong các ngữ cảnh khác thì khán giả không chấp nhận. Tuy nhiên, có thể do diễn viên chưa thuộc thoại nên nhầm lẫn và lộn xộn trong xưng hô chăng?

Dẫu vậy, Cao Bá Quát vẫn tạo được cảm tình nhất định với công chúng bởi nội dung tư tưởng giàu tính thời sự, thời cuộc. Đặc biệt là ấn tượng thẩm mỹ với phông màn, hoạt cảnh được đầu tư công phu, trang phục đẹp mắt, sang trọng, cầu kỳ. Với một loạt vở diễn lớn gần đây như Oan khuất một thời, Nàng Sita, Tống Trân Cúc Hoa, và giờ là Cao Bá Quát, Nhà hát Chèo Hà Nội đang thể hiện một lối làm chèo mới: đẹp và hoành tráng, đúng với nghĩa “xem” chèo và tiếp cận nhiều hơn với khán giả trẻ./.

                                                                                                     Theo Toquoc.gov.vn








Các bài mới
Các bài đã đăng