Tạp chí Sông Hương -
Trên cả tồn tại
14:07 | 08/09/2010
Sau 2 năm nghỉ ngơi, Les Stroud, người đã trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ sáng tạo chương trình Survivorman (người sống sót) của Kênh truyền hình Discovery - đã trở lại với một dự án còn tham vọng hơn: Beyond Survival (Trên cả tồn tại).
Trên cả tồn tại

Lần này không chỉ là sự sống còn của một cá nhân, một thể xác. Thông điệp của chương trình còn hướng tới sự tồn vong của một bộ lạc, một lối sống, một nền văn hóa.

Thật ra việc quay phim các bộ lạc hoang dã không có gì mới. Nhưng chính Stroud với phong cách riêng của mình, vừa chân thực vừa hài hước, sẽ cho nó một cá tính rõ rệt.

Sinh ra ở Toronto và lớn lên với công việc chuẩn mực là một kỹ sư xử lý nước thải, Stroud bỏ ngang để chơi cho ban nhạc Muchmusic. Nhưng xem chừng lối sống rock and roll chưa đủ đô, anh chuyển sang làm nghề hướng dẫn viên du lịch hoang dã ở Yellowknife, trước khi chuyển hẳn về quê nhà.

Một hôm xem TV chương trình Survivor, Stroud nảy ra ý tưởng: sao mình không làm một chương trình về sự sống sót có thật, một người chống chọi với thiên nhiên, ở những nơi heo hút nhất?

Dám nghĩ dám làm, anh đem ý tưởng của mình đến trình bày với Discovery Channel Canada, và kết quả là Survivorman ra đời. Một mình Stroud bị bỏ rơi ở một nơi khắc nghiệt, tự kiếm sống, tự quay phim, tự tìm đường về.

Nhưng nếu như trong Survivorman, thử thách có phần nhân tạo thì trong chương trình mới Beyond Survival, đó sẽ là những câu chuyện rất thật. “Những con người này còn phải sống sót như một văn hóa, như một tín ngưỡng, sống sót không chỉ trong thân thể mà cả con tim”, Stroud nhấn mạnh.

Đợt sóng thần năm 2004 là một lời nguyền 3 trong 1 đối với lối sống cổ truyền trên đảo Sri Lanka. Hơn một nửa ngư dân trên đảo bị cuốn trôi, những ngư trường xung quanh bị hủy diệt hay phân tán. Nhưng tệ hơn cả, những món hàng cứu trợ dồi dào đã khiến cho đám trai tráng trở nên lệ thuộc vào sự dễ dãi, không còn hứng thú với nghề gia truyền. Stroud sẽ không chỉ là chứng nhân mà còn tham gia vào cuộc đấu tranh của hai lối sống, hai tư tưởng. Anh sẽ theo họ đi xiên cá theo lối cổ đã có từ 10.000 năm trước.

Stroud cũng sẽ đến ở với “người lùn” Bajau ở Borneo, trên những chiếc xuồng nhỏ và những căn nhà sàn nhìn ra Biển Đông. Nhảy múa cầu hồn với những người rừng Kalahari ở Namibia. Nhai trầu với người Haiwa ở Tân Guinea. Đó là một cuộc trao đổi mang tính hai chiều, bởi vì Stroud có kinh nghiệm và hiểu biết rộng của mình về đời sống hoang dã khắp nơi trên thế giới. Anh có thể tự làm cung và bắn biểu diễn. Nó khiến cho các thổ dân hồ hởi cởi mở, bởi vì anh chàng da trắng này không phải là kẻ “cởi ngựa xem hoa” chỉ có mỗi cái camera.

Liệu họ có sống sót qua cơn lốc toàn cầu hay không? “Tôi nhìn thấy bằng chứng rằng văn hóa của họ vẫn cứ tồn tại”, Stroud nói. “Người San ở Namibia, người Inuit ở Bắc Cực, người Hewa ở Tân Guinea, họ sẽ giữ gìn văn hóa của mình, và họ cũng sẽ chấp nhận những gì diễn ra ngay sát nách mình”.

“Sớm muộn gì họ cũng sẽ có điện thoại di động mà thôi”, Stroud nói và tiếp tục ăn dĩa ốp la của mình. Sớm muộn gì anh cũng sẽ gác bỏ phồn hoa để quay về nơi hoang dã.

“Cho dù làm gì, cho dù già khọm đi thì tôi vẫn sẽ cứ sống đời phiêu lưu”.

                                                                                                            Theo TTO








Các bài mới
Các bài đã đăng