Tạp chí Sông Hương -
Người văn chương hóa lịch sử dân tộc
08:51 | 23/09/2010
30 năm miệt mài, cặm cụi. 30 năm lặng lẽ đặt dấu chân ở nhiều vùng đất Tổ quốc để khảo sát, điền dã. 30 năm xới tung những kho tư liệu khổng lồ và 30 năm vật vã trước trang giấy... Đến hôm nay, hai bộ tiểu thuyết lịch sử gói trọn hai triều đại huy hoàng, hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc với thời gian gần 400 năm đã hoàn tất và ra mắt công chúng. Nhà văn ấy là Hoàng Quốc Hải (ảnh).
Người văn chương hóa lịch sử dân tộc
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định trong buổi ra mắt bộ tiểu thuyết tại Hội Nhà văn: “Đây là một sự kiện của đời sống văn học nước ta. Bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý là niềm tự hào của các nhà văn Việt Nam, là công trình giá trị nhất của các nhà văn Việt Nam đóng góp vào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Chúng tôi khâm phục và ngưỡng mộ sức làm việc phi thường của nhà văn...”.

Nhìn nhà văn Hoàng Quốc Hải, người đời có thể tưởng là một công chức hay nhà giáo hơn một nhà văn có sức làm việc thật khó tưởng tượng.

Hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ gồm: Tám triều vua Lý dày ngót 3.000 trang, 4 tập; tập 1- Thiền sư dựng nước, tập 2- Con ngựa nhà Phật, tập 3- Bình Bắc dẹp Nam, tập 4- Con đường định mệnh và Bão táp triều Trần trên 3.000 trang chia làm 6 tập (đã ra mắt từ trước với 4 tập, nay bổ sung thêm 2 tập mới là Đuổi quân Mông Thát và Huyết chiến Bạch Đằng). Nhà văn Hoàng Quốc Hải làm nên một kỳ tích trong văn chương nước nhà. Ông là nhà văn có thể nói là đầu tiên cho đến nay trong lịch sử văn chương nước ta đã văn chương hóa lịch sử dân tộc, với suốt chiều dài 400 năm.

Ở nước ta, tiểu thuyết hóa lịch sử, một số nhà văn đã tham gia và gặt hái thành công như các tác giả Nguyễn Huy Tưởng (Lá cờ thêu sáu chữ vàng), Chu Thiên (Bóng nước hồ Gươm), Hà Ân (Người Thăng Long), Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly)... Tuy nhiên, một số tác phẩm khai thác những lát cắt tiêu biểu của lịch sử, hoặc “gói” thời gian tiểu thuyết ở vài chục năm với không gian nhất định.


Hai bộ tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải là một sự dũng cảm khám phá, khai thác, tiếp cận lịch sử theo một cách nhìn mới và một dũng khí được hun đúc từ khí phách dân tộc. Bám sát các sự thật lịch sử, phản ánh trung thực lịch sử với sự tuân thủ thi pháp của thể loại tiểu thuyết lịch sử, ông đã dùng lịch sử như một chất liệu, tôn trọng các sự kiện lịch sử như nó đã xảy ra, trên cơ sở đó hư cấu, cấu trúc để tái tạo lịch sử, dựng lại gương mặt lịch sử triều Lý cách đây hàng ngàn năm như nó vốn có.

Tám triều vua Lý viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009-1225), trải dài 216 năm. Bộ sách đã phục dựng bức tranh toàn cảnh sinh động về vương triều Lý - triều đại đã xây dựng nền móng cho một nước Đại Việt văn hiến và tự chủ.

Với vốn văn hóa uyên bác, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dựng lại không gian văn hóa của cả một thời đại trải dài 216 năm, với vẻ đẹp của văn hóa Phật giáo cùng những phong tục, tập quán, khung cảnh lao động, lễ hội dân gian, cung đình... và nền nếp sinh hoạt từ đời thường của dân chúng, nho sĩ tới cung đình. Bên cạnh đấy, một không gian khác của tiểu thuyết là không gian chiến trận cũng được tác giả tái hiện rất sinh động. Bộ sách cũng đã khắc họa khá sinh động tính cách mỗi vị vua với tư cách là nhân vật văn học, tư cách con người; xây dựng thành công nhiều chân dung, gương mặt những con người kiệt xuất của dân tộc như Thiền sư Vạn Hạnh, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành, Thái hậu Ỷ Lan....

Sự sáng tạo của nhà văn Hoàng Quốc Hải qua Tám triều vua Lý đem đến cho người đọc một mỹ cảm thưởng thức tiểu thuyết lịch sử mới mẻ, đồng thời nhiều vấn đề của lịch sử được tiếp cận ở tầm cao hơn, đó là lý giải lịch sử.

Theo Cao Minh - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng