Làm phim thời chiến Trước làn sóng làm phim chọn các đề tài được coi là “dễ ăn”, “dễ thu hồi vốn”, phản ánh tâm lý và thị hiếu xem phim của lớp trẻ đương đại, câu chuyện một thời làm phim chiến tranh chống Mỹ như đã phôi pha và lẩn khuất vào vùng sâu của quá khứ. Một lần nữa, vấn đề đặt ra khá quen thuộc nhưng cũng đầy bức xúc qua ý kiến và những mẩu chuyện kể của một số “nhân chứng” làm phim chiến tranh, tại buổi tọa đàm tổ chức tại Nhà Văn hóa Điện ảnh (Viện Phim Việt Nam) cuối tuần qua. Nhà báo - đạo diễn phim tài liệu Tô Hoàng nhắc lại những năm tháng ông còn là phóng viên báo Quân Giải phóng đã chứng kiến biết bao hình ảnh xúc động và tinh thần chiến đấu anh dũng của các anh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận Tây Nguyên. Theo cảm nhận của ông, trong thời điểm lúc ấy rất lạ lùng, hiệu quả từ những bộ phim: Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17, ngày và đêm, Tiền tuyến gọi, Em bé Hà Nội…; hay những thước phim phóng sự - tài liệu như Lũy thép Vĩnh Linh, Cầu Hàm Rồng rực lửa, Một ngày Hà Nội, Người đi săn trên núi Daksao, Du kích Củ Chi, Nữ pháo binh Long An… đã có sức hấp dẫn và kích thích tinh thần yêu nước thật mãnh liệt trong lòng những thế hệ trẻ ra trận chiến đấu. Từ kinh nghiệm của một chiến sĩ - phóng viên quay phim chiến trường, họa sĩ Vũ Ngọc Khôi mô tả những ngày tháng khốc liệt của năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị từ vẹn toàn đến đổ nát; và sau đó, năm 1973 ông cùng một số đồng đội ở xưởng phim Công an Nhân dân tiếp tục ghi nhận những hình ảnh thành cổ giai đoạn ký kết hiệp định Paris. Nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét: Trong khi các nhà làm phim nước ngoài phải đi mua bao nhiêu thước phim tư liệu để làm bộ phim Việt Nam thiên sử truyền hình, chúng ta lại có sẵn một pho tư liệu phim tài liệu quý báu từ nhiều nguồn ghi hình trong chiến tranh. Thế nhưng, theo thời gian những thước phim quý ấy có thể đã bị mốc meo, hư hỏng. Điều này thật đáng tiếc, bởi để đổi lấy những thước phim tài liệu chân thực trong chiến tranh đã có biết bao máu của những nhà quay phim - chiến sĩ đã ngã xuống. Phim làm trong thời chiến tranh có khó khăn nhưng vẫn được sự ủng hộ lớn của nhân dân, nhiều hiệu quả tích cực. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, các bộ phim có đề tài chiến tranh như Cánh đồng hoang, Chị Sứ, Mẹ vắng nhà, Huyền thoại người mẹ… vẫn còn lay động lòng người. Từ dòng phim lịch sử nhìn lại Một số ý kiến lý giải lý do phim lịch sử chiến tranh mất tính hấp dẫn lớp khán giả trẻ vì ngày nay có quá nhiều phương tiện nghe nhìn, hiện đại hóa, số hóa. Làn sóng phim nước ngoài thống lĩnh các rạp chiếu phim hiện đại; phim hay Việt Nam đến vùng sâu, vùng xa cũng thật hiếm hoi. Mạng giải trí trên internet cũng chi phối mạnh mẽ đến nhu cầu xem phim cũng như hình thành những thói quen mới, quan niệm mới của một lớp trẻ cư dân mạng. Sự đối thoại giữa các thế hệ về truyền thống lịch sử quá phôi pha qua hiện tượng một số người trong lớp trẻ Việt Nam không biết nhiều về lịch sử nước nhà nhưng rất “quen biết” nhân vật các bộ phim lịch sử, dã sử, huyền sử của Trung Quốc. Đạo diễn Trần Vịnh với nỗi trăn trở và đầy bức xúc bày tỏ nhiều năm qua, ông đã thực hiện 317 bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Ông làm phim bằng sự chắt chiu kinh phí và cả tấm lòng vì cách mạng, vì sự nghiệp giáo dục truyền thống cho lớp trẻ. Thế nhưng, những câu chuyện làm phim lịch sử, không ai có thể hô hào suông, thiếu hậu thuẫn lớn từ kinh phí đầu tư quá “khiêm tốn” và đưa phim đến khán giả vẫn “rụt rè” trước những bộ phim “bom tấn” của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Cũng từ câu chuyện làm phim chiến tranh trong thời chiến và bây giờ trước hiện tượng trỗi dậy hàng loạt bộ phim lịch sử chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được đầu tư sản xuất, đạo diễn Văn Lê đặt lại mối quan hệ phim chiến tranh nằm trong dòng phim lịch sử. Trong nhiều cuộc chiến đấu gian lao, nhân dân ta đã cắn răng trước biết bao mất mát, hy sinh, vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù. Cho dù ở thời đại kháng chiến chống Nguyên Mông, chống Pháp hay chống Mỹ khốc liệt nhất, dân tộc Việt Nam đã có một tinh thần yêu nước, bất khuất lạ lùng. Làm thế nào để cắt nghĩa sự vĩ đại ấy? Đạo diễn Văn Lê lý giải một cách khái quát: chính sức mạnh của tình yêu đất nước đã giúp nhân dân ta chiến thắng kẻ thù. Tương tự nhận xét của đạo diễn Văn Lê, một số ý kiến khác của các nhà báo, họa sĩ thiết kế, nhà lý luận phê bình điện ảnh cũng cho rằng để phim chiến tranh có độ rung động trái tim con người, tính chân thực lịch sử và tính nhân văn trong phim phải được chuyển tải trung thực. Đó cũng hiệu quả từ những mẩu chuyện có thực trong chiến tranh xoay quanh quyển nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, khi thực hiện thành phim Đừng đốt, đã có sức thuyết phục nhiều lớp khán giả. Nhưng dẫu xác định phim chiến tranh trong dòng phim lịch sử được đặt ra một cách đúng đắn, điều quan trọng vẫn cần có sự quan tâm của các nhà đầu tư một cách chặt chẽ, hiệu quả từ đầu vào sản xuất cũng như đầu ra quảng cáo, quảng bá, phát hành phim. Nhà nước đã tốn bạc tỷ đầu tư cho nhiều bộ phim nhưng lại dành kinh phí quá eo hẹp cho khâu quảng bá phim đến công chúng. Móc xích quảng cáo phim luôn bị “bỏ qua” hoặc xem nhẹ trong quá trình mang phim ra rạp. Theo Kim Ửng - SGGP |