Tạp chí Sông Hương -
Không gian nghệ thuật phủ đầy 10 ngày Đại lễ
08:52 | 27/09/2010
Điểm qua các hoạt động chính, người dân có nhiều lựa chọn không gian nghệ thuật nghe nhìn. Riêng chỗ vui chơi có phần chìm hơn.
Không gian nghệ thuật phủ đầy 10 ngày Đại lễ
Điểm điều khiển hệ thống đèn laze tại Hồ Gươm trong dịp Đại lễ 1.000 năm. Ảnh: Xuân Phú
Triển lãm, trưng bày nở rộ. Riêng ngày khai mạc đã có ba triển lãm tầm cỡ: Trưng bày 10.000 tác phẩm văn học nghệ thuật tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, triển lãm Ảnh nghệ thuật Hà Nội ở 45 Tràng Tiền.

Trong suốt thời gian Đại lễ là hàng chục triển lãm hướng về Thăng Long-Hà Nội: Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam; Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam; Triển lãm và liên hoan Thư pháp Thăng Long, Nghề gốm Bát Tràng…

Hoàng thành Thăng Long trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm. Ngày khai mạc, đích thân Tổng Giám đốc UNESCO-bà Irina Bokova trao bằng Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo TP Hà Nội. Bảo tàng Hà Nội khánh thành ngày 6-10 với hoạt động đầu tiên mở cửa đón khách là triển lãm Hà Nội xưa.

Hiện, một số sân khấu nổi bật quanh Hồ Gươm đang lên khung, sẵn sàng cho các chương trình nghệ thuật được chuẩn bị công phu, phục vụ khán giả khắp nơi về dịp Đại lễ. Nhà hát Lớn biểu diễn âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng tối 5-10. Trước đó, sáng khai mạc, nhân dân có dịp thưởng thức nghệ thuật tại năm sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tối cùng ngày, trình diễn 600 chiếc áo dài ấn tượng trong Đêm Hồ Gươm lung linh. Một số chương trình nghệ thuật đặc sắc: Hòa nhạc Hội nhập quốc tế-Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn trình diễn, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long, Hùng khí Thăng Long-Bài ca đất nước, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Ở khía cạnh vui chơi, lễ hội đường phố tối 8-10 mang đến không khí trẻ trung. Được dự đoán quy mô nhất từ trước tới nay, lễ hội đường phố là chuỗi hoạt động của tuổi trẻ thủ đô trên các tuyến phố: Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám... Các màn múa, hợp xướng hoành tráng, huy động hàng trăm diễn viên. Xen kẽ là biểu diễn xiếc, diễu hành, khiêu vũ và vũ hội hóa trang.

Liên hoan ẩm thực Hà thành tại công viên nước Hồ Tây, từ 6 đến 11-10. BTC hứa hẹn, du khách có cơ hội đắm chìm trong không gian văn hóa Hà thành. Ẩm thực ba miền cũng được dịp hội tụ, chưa kể giao lưu qua không gian ẩm thực quốc tế. Trong liên hoan, một số trò chơi dân gian đặc sắc được phục dựng, thành điểm vui chơi cho nhân dân trong dịp Đại lễ.

Hoạt động chào mừng thành phố nghìn năm tuổi còn cuốn hút bạn bè quốc tế. Nổi bật như Lễ hội rồng ngày 2-10 tại Sân vận động Mỹ Đình, do sứ quán Tây Ban Nha phối hợp Bộ VH-TT&DL, UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Món quà của nước bạn quy tụ màn trình diễn ấn tượng của 19 nghệ sỹ kịch nghệ Tây Ban Nha, phối hợp nghệ sỹ xiếc Việt Nam, tạo hình rồng lửa, rồng đất và rồng vàng Thăng Long trên sân khấu. Chưa kể các đoàn nghệ thuật quốc tế từ Nhật Bản, Nga, Pháp, Ý, Phần Lan, Argentina… chia nhau biểu diễn tại các sân khấu khắp thành phố ngày 9-10.

Theo Hương Liên - TP




Các bài mới
Các bài đã đăng
(24/09/2010)