Tạp chí Sông Hương -
Nghìn năm và hơn thế nữa
14:28 | 01/10/2010
Dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang làm nức lòng người dân thủ đô với nhiều công trình văn hóa lớn được trông đợi. Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình khánh thành vào thời gian này.
Nghìn năm và hơn thế nữa
Gian chính diện với thạp gốm đời Lý.
Sự đầu tư lớn của Nhà nước cộng với nhiệt tâm của toàn xã hội đã làm nên một không gian trưng bày quy mô chưa từng có với hàng vạn hiện vật khảo cổ được chọn lọc từ nhà kho của Bảo tàng Hà Nội cũ và những bộ sưu tập tư nhân danh tiếng của đất ngàn năm văn hiến.

Với mặt bằng hơn 1.000m2 ở tầng 3 của Bảo tàng Hà Nội, nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử đã đóng góp hơn 600 hiện vật cá nhân ông đã sưu tầm trong vòng gần 50 năm qua. Có thể khẳng định đây là một bộ sưu tập đầy đủ nhất qua các thời kỳ lịch sử của 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và còn hơn thế nữa.

Tư tưởng chủ đạo trưng bày nêu bật cốt lõi của bộ sưu tập hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, phần chính diện của gian trưng bày là các hiện vật thuộc triều đại nhà Lý. Đồng tiền Thuận Thiên Đại Bảo (1010) vô cùng quý hiếm được phóng to hơn 4m2 là điểm nhấn hết sức quan trọng của phòng trưng bày này.

Những chiếc trống đồng Đông Sơn đặc biệt lần đầu tiên ra mắt ở phòng trưng bày đã làm người xem nhiều ngạc nhiên. Rất có thể những chiếc trống đồng này sẽ làm thay đổi diện mạo và quan niệm của những nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn trước đây. Nó minh chứng cho một nền văn minh lúa nước đã tồn tại và phát triển trong nhiều thế kỷ Vua Hùng dựng nước mà bấy lâu nay vẫn còn là một câu hỏi đầy trăn trở hoài nghi trong giới sử học. Phòng trưng bày dẫn chúng ta theo tiến trình lịch sử từ văn hóa Phùng Nguyên hậu kỳ đồ đá mới với những đồ gốm tinh xảo có trang trí hoa văn đặc trưng sơ kỳ đồ đồng. Một phần diện tích nhỏ nhưng không thể thiếu dành cho những sưu tập đồ gốm sành và đồ đồng thời kỳ Bắc thuộc đã trở nên quý hiếm vô cùng.

Bộ sưu tập dành vị trí rộng rãi trang trọng nhất trưng bày những hiện vật gốm và đồng từ triều Lý, Trần cho đến Lê, Mạc. Những hiện vật độc nhất vô nhị cho đến ngày hôm nay ta được biết đều nằm trong phần trưng bày này. Đó là những chiếc thạp gốm có kích thước lớn (cao 80cm) trang trí hoa văn lá cúc và hình tượng con người, muông thú rất hiếm gặp. Những đồ minh khí đất nung có cách tạo hình sinh động mô tả cặn kẽ cuộc sống tín ngưỡng đương thời. Và những đồ đồng tinh xảo tùy táng mà công dụng của nó còn đòi hỏi phải có một thời gian nghiên cứu tìm hiểu mới có thể đưa ra kết luận.

Một phần trưng bày phong phú và gần gũi với chúng ta hơn cả là đồ gốm Bát Tràng thời Nguyễn. Những cổ vật mà mới chỉ vài chục năm trước thôi giới thạo đồ không đánh giá cao nhưng bất chợt hiển hiện trong cuộc trưng bày này như một tổng kết vinh danh những gì tinh túy nhất.
Một nét độc đáo của phòng trưng bày lần này giới thiệu với người xem hai cuốn sách có hiện vật kèm theo minh họa. Đó là cuốn “Tiền cổ Đại Việt” và “Trống đồng cổ Việt Nam”.

Hai cuốn sách được biên soạn công phu dưới góc độ thẩm mỹ của hiện vật đã cho người xem một cách chiêm ngưỡng tiếp cận cổ vật một cách bình dân thân thiện nhất. Đó là những đồng tiền cổ kể từ nhà Đinh với đồng Thái Bình Hưng Bảo cho đến tiền Cụ Hồ. Một vẻ đẹp dân dã tần tảo đến nao lòng khi ngắm nhìn những hũ tiền cổ chắt chiu dành dụm nay đã kết dính trở thành phế ngân. Đó là những hình đắp nổi trên trống đồng từ thế kỷ V trước công nguyên cho đến thế kỷ V sau công nguyên chứng minh sự có mặt cư dân Việt của nền văn minh lúa nước châu thổ đã vươn ra biển lớn từ rất lâu đời.

Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng phòng trưng bày vui chung với đóng góp nhỏ của những người Hà Nội.

Theo Đỗ Phấn - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng