Tạp chí Sông Hương -
Đại lễ 1.000 năm của thơ…
14:38 | 01/10/2010
Quả xứng danh là mảnh đất của thơ phú ngàn năm khi sáng nay, bên Hồ Gươm vào ngày Khai mạc Đại lễ sáng nay (1/10), BTC đã dành gần như hẳn một trong 5 sân khấu cho trình diễn thơ ca. Có thể nói đây là sân thơ hoành tráng bậc nhất xưa nay với sự tôn vinh khoảng 40 tác phẩm thơ của các tác giả trong lịch sử văn học.
Đại lễ 1.000 năm của thơ…
Trang trí sân khấu thơ bên đền Bà Kiệu
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Phan Huyền Thư, tác giả kịch bản và đạo diễn chương trình “Thăng Long Hà Nội, Thủ đô Văn hiến” tại sân khấu đền Bà Kiệu (diễn ra cả ngày 1/10).

Những tinh túy của thi ca nghìn năm

Nhà thơ Phan Huyền Thư

* Để tạo sức hấp dẫn cho một sân khấu của thơ, chắc hẳn chị phải “thêm thắt” vào rất nhiều màn trình diễn để số đông công chung có cái để xem. Chị có thể cho biết, so với các sân thơ trong dịp Ngày thơ Việt Nam, thì chương trình dành cho Đại lễ này có gì đặc biệt?

- Ngược lại, tôi gần như không muốn “tạo dựng” hay thêm thắt điều gì cho thơ ca... của 1.000 năm văn hiến. Ngoài 3 màn múa mang tính chất chào mừng và minh họa với chủ đề: Trồng dâu, Nuôi tằm Dệt lụa do các em Trường Cao đẳng Nghệ thuật Múa trình bày; còn lại, chương trình là của thơ, dành tất cả để làm nổi bật lên những gì tinh túy của thi ca nghìn năm. Tôi có tham vọng, biến cái giản dị, chân thật của cha ông thành điều “đặc biệt” cho “mâm cỗ” sặc sỡ, rộn ràng của Đại lễ.

Xung quanh Hồ Gươm có đến 5 sân khấu cùng lúc biểu diễn, vì vậy, tôi chọn cách ít ồn ào hơn một chút, dành một góc cho những người yêu thơ, muốn thưởng thức những vần thơ bất hủ trải qua cả ngàn năm lịch sử của các bậc anh hào, thi hào lớn của dân tộc.

* Với phần mở đầu “Thăng Long thành hoài cổ”, chương trình như một cuộc trình diễn những tác phẩm văn chương đỉnh cao về Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử... Chị có tin rằng khoảng 20 tác phẩm được trình diễn ở phần này đã là một tập hợp xuất sắc nhất? Cá nhân tôi thấy trong phần thơ Nguyễn Du không có Thái liên khúc (Khúc hát hái sen) trên Hồ Tây. Và cũng không có Tụng tây hồ phú nổi tiếng của Nguyễn Huy Lượng...

- Tôi không tin rằng 20 tác phẩm do mình tuyển chọn sẽ là xuất sắc nhất trong số các tác phẩm cổ thi suốt 1.000 năm qua. Nhưng với cố gắng bằng sự hiểu biết “nhỏ nhoi” của mình về kho tàng thi ca của dân tộc, tôi hy vọng những bài thơ được viết về chủ đề Thăng Long, viết tại Thăng Long... của các thi hào, danh nhân sẽ phần nào phác họa nên gương mặt của lịch sử, của tâm trạng thi nhân, của những cung bậc nỗi niềm khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau...

Chính vì vậy, tôi mạo muội chọn Thăng Long - Nhị thủ (2 bài thơ viết ở Thăng Long) của Nguyễn Du thay vì Thái liên khúc. Chẳng hạn như với tôi, 2 bài thơ Trấn Quốc tự (Chùa Trấn Quốc) và Đông Ngạc châu (Bãi Đông Ngạc) của vua Lê Thánh Tông, có thể ít người biết hơn là Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng... Hoặc Đề Gia Lâm tự của Trần Quang Khải; Quốc Tử Giám Tư nghiệp của Trần Nguyên Đán... Nhưng những tác giả thể kỷ 13, 14 viết về Thăng Long, về những con người cụ thể, cảnh vật và công việc, sinh hoạt cụ thể ở Thăng Long sẽ phần nào giúp người thưởng thức hình dung được “phẩm chất văn hóa Thăng Long”. Đó là lý do tôi không hướng đến những bài thơ nổi tiếng về Thăng Long một cách đơn thuần.

Muốn kéo thơ Sĩ phu Bắc Hà đến tận đêm

* Phần “Sĩ phu Bắc Hà” trình diễn các tác phẩm của các văn nghệ sĩ hiện đại. Chị có phải trăn trở nhiều khi chọn ra khoảng 20 tác giả (đã mất hoặc còn sống) xuất hiện trong phần này? Có trường hợp nào phải “nâng lên đặt xuống” nhiều lần trước khi “quyết”?

- Tôi chẳng có “tư cách” gì để lựa chọn người này, cân nhắc người kia. Trong một buổi trình diễn khoảng 75 phút, thật khó mà không bỏ sót tên tuổi này, tác phẩm kia. Cũng giống như phần cổ thi, tôi cứ “mạo muội” lôi cái tiêu chí rất “hư ảo” là “sỹ phu Bắc Hà” ra để lựa chọn những tác giả có những tác phẩm mang hơi hướng, tâm trạng, cốt cách Hà Nội, trăn trở về Hà Nội... Chính tôi cũng ước được làm một chương trình “Sỹ phu Bắc Hà” kéo dài đến tận đêm để thỏa lòng ngưỡng mộ của mình với các tiền bối.

May mà nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà Văn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc lựa chọn.

* Nói đến mùa Thu Hà Nội và Nguyễn Đình Thi là người ta nhớ ngay đến Đất nước với những câu thơ bất hủ như: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may...”. Chị không chọn bài này mà chọn Ngày về có phải là một sự làm mới?

- Vâng, biết nói nào nhỉ... có chút gì đó hơi “cá nhân” khi tôi quyết định chọn bài thơ này. Nhưng quả thực bài Ngày về của Nguyễn Đình Thi có một tầm cao vượt tư duy thời gian tuyến tính thông thường. Tôi không biết chia sẻ thế nào với mọi người về hình ảnh “Hà Nội chiều nay mưa tầm tã/ Ta lại về đây giữa phố xưa/ Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá/ Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa” trong bài thơ này. Nhưng chắc rằng đó là hình ảnh dành cho mai sau, mai sau và mai sau... Biết đâu kỷ niệm 2.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vần thơ đó vẫn được cất lên bên sân khấu cạnh Đền Ngọc Sơn linh thiêng giống như ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng, khi nước mắt cùng hòa với nụ cười để tạo nên một giá trị, thì đó là điều thiện đang hiện hữu. Tôi muốn mọi người đến với sân khấu Đền Bà Kiệu được thực sự sống lại những cảm xúc, thưởng thức những tinh hoa về ngôn ngữ của Thăng Long 1.000 năm...

* Xin cám ơn chị.

Theo Đông Kinh - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng