Tạp chí Sông Hương -
Sức sống Hà Nội qua những ca từ
09:19 | 04/10/2010
“Ai về Bắc cho ta đi theo với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”…(Huỳnh Văn Nghệ - viết từ chiến khu D) - Đó là tiếng lòng tha thiết của một vị tướng quân, mà cũng là tiếng lòng của muôn người Việt Nam dành cho thủ đô Hà Nội - trái tim cả nước.
Sức sống Hà Nội qua những ca từ
Khó có thể thống kê cho hết hiện đã có bao nhiêu lời thơ, tiếng hát và cả những bức tranh về Thủ đô yêu dấu. Đời người nghệ sĩ đôi khi chỉ cần lưu danh một ca khúc thôi cũng quá đủ vinh quang - và nếu ca khúc ấy lại viết về Hà Nội lại càng thêm ý nghĩa. Đã có những trang văn tiêu biểu về Hà Nội trên nét bút tài hoa của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Huy Tưởng… thì cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi những ca khúc đẹp nhất dành cho Hà Nội xuất hiện giữa cuộc đời.

Một thời đạn bom


Đó chính là truyền thống đấu tranh tiêu diệt kẻ thù của quân và dân ta trong thời kì kháng chiến như sự khái quát của Hoàng Hiệp: "…Truyền thống cha ông gìn giữ non sông/Từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng". Nghe trong câu hát như gợi về quá khứ xa xăm của Thủ đô dưới thời "bom rơi đạn nổ" - cái thời mà cả đất Hà thành đau thương trong khói lửa chiến tranh. Đau thương mà vẫn hiên ngang, anh dũng, hào hùng: “Hà Nội vùng đứng lên, sông Hồng reo!”… Quên sao được hình ảnh những cô gái mang “súng trên vai”, những chàng trai "bao đêm bên nòng súng",… khắp non sông như vang lên âm thanh rộn rã của cuộc đời, của lòng người sục sôi, để “trút căm hờn vào quân xâm lược” nhằm giữ lấy đất trời “thủ đô mến yêu của ta”. Bom đạn kẻ thù dù có khủng khiếp đến đâu cũng không thể vùi sâu Hà Nội, đưa thủ đô về thời kì đồ đá. Sức sống của Hà Nội qua các ca khúc chiến tranh đã dệt nên một trường ca bất diệt “át tiếng bom rền”. Và dẫu cho hôm nay, khi cuộc chiến đã lùi xa, chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm; song mỗi lần bước chân lên mảnh đất Thăng Long yêu dấu, mỗi người Việt Nam vẫn cảm thấy thiêng liêng, tự hào khi thêm một lần được nghe lại những bài hát “không thể nào quên” của một thời chưa phai mờ, vẫn còn vang vọng…

Một thời hòa bình

Nếu như trong suốt 30 năm chiến tranh (1945 - 1975), giữa chiến hào, trên đồng quê, trong xí nghiệp và ngay cả vùng tạm chiếm, người Việt Nam luôn vang lên những khúc quân hành cùng thủ đô sục sôi đánh giặc thì giờ đây, trong cuộc sống hôm nay, mảnh đất ngàn năm văn vật vẫn còn in đậm sức sống ấy trên mỗi nẻo đường, góc phố thân quen. Khi đất nước được độc lập, cùng với sự vận động của lịch sử, Hà Nội cũng trở nên tươi mới lạ thường. Không còn tiếng bom rơi, đạn nổ của chiến tranh, Hà Nội trong ca từ hôm nay đang bừng lên cái không khí ấm áp, yên vui của một thời hòa bình, dựng xây và phát triển. Thấp thoáng đâu đây, trong lời ca, tiếng hát, ta cảm nhận rõ được sự thay da đổi thịt rên mảnh đất yêu dấu. Hà Nội quả là đang mang “hơi thở nồng nàn” của buổi thanh bình mà rộn rã. Nào là “những công viên vừa mới xây”, những cây cầu lộng lẫy, những dãy phố tấp nập tiếng xe, những nụ cười tươi trẻ của đám học trò mỗi buổi đi về… Tất cả dường như đang hối hả, xôn xao, đông vui, hòa vào bầu không khí chung của đất nước thời đổi mới.

Dù có phần ồn ào là vậy; song từ trong sâu thẳm của góc nhìn thời gian, Hà Nội vẫn hiện lên vẻ thâm trầm, nghiêm trang, cổ kính. Dấu ấn ấy còn in đậm trong từng con phố, nẻo đường, những ngôi nhà, rồi cả những người vốn gốc kinh kỳ. Và đặt chân đến nơi đây, lòng ta vừa thấy thiêng liêng, yên lặng lại rất đỗi dịu dàng. Tâm hồn ta như được lắng lại, thanh thản biết bao khi được tắm mình trong chiều Hà Nội lộng gió, trong sắc vàng của nắng mật ong và trong mùi thơm mát dịu của hương cốm nồng… Đôi lúc chỉ một nét thời gian phố Hà Nội thôi, từ nhạc Phú Quang “Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…”; từ nhạc Trọng Đài “cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng” cũng làm ta xao động, trước bước đi chầm chậm của thời gian…

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Hà Nội đi vào các câu hát với đủ mọi chiều không gian, với đủ mọi góc nhìn điểm hẹn: Một hồ Gươm xanh, một Hồng Hà cuộn sóng, một sông Hồng thở than; rồi cả những Hàng Bạc, Hàng Than, Hàng Bè trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi; phố Khâm Thiên, đường Nguyễn Du lúc sang thu qua lời hát Hoàng Hiệp; đường Cổ Ngư xưa; mặt nước Tây Hồ trong ca từ Trương Quý Hải, Phó Đức Phương… Tất cả như bình dị, giản đơn mà thấm đẫm tự hào, lung linh màu sắc. Nhạc sĩ nào cũng muốn không một góc phố, con đường hay nét đẹp riêng nào đó của Hà Nội bị lãng quên.

Nhưng chiều rộng của không gian Hà Nội không chỉ định danh ở mỗi tên phố, tên đường mà còn lẩn khuất trong cảnh thiên nhiên rất đỗi đa dạng và trữ tình; Màu xanh của liễu, màu đỏ của lá bàng, màu vàng của cây cơm nguội. Không gian ấy còn in dấu trong khoảnh khắc của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân: “sương giăng liễu phủ”, mùa hạ “nắng vàng ươm”, mùa thu “hương cốm nồng” và mùa “vắng những cơn mưa”, đông về thì “khăn em bay hiu hiu gió lạnh”. Chẳng thế mà trước khi nghĩ về Hà Nội, Vũ Bằng đã chẳng dằng dặc một nỗi nhớ thương?

Trong không gian “lắng hồn núi sông” và khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ cờ hoa chiến thắng - giải phóng Thủ đô; Thăng Long nghìn tuổi, biết đâu đó bên ô cửa sổ nhà kia, hay ở một căn hộ cuối con đường nhỏ hẹp, lại có ai đấy đang trầm ngâm suy tưởng, đang dành cả tâm tư, phần hồn cho một ca khúc đang hoài thai để dòng chảy ca nhạc về Thủ đô là bất tận.

Theo Hà Đan - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng