Tạp chí Sông Hương -
Đang có sự thức tỉnh trong mỗi con người
09:18 | 07/10/2010
Nhà Hà Nội học nhận định như vậy về tác dụng của Đại lễ 1.000 năm. Dừng lại trong khoảnh khắc thiên niên kỷ, con người tự điều chỉnh cấu trúc lại nhân cách của mình. Ông Nguyễn Vinh Phúc trả lời phỏng vấn Tiền Phong.
Đang có sự thức tỉnh trong mỗi con người
Ông Nguyễn Vinh Phúc. Ảnh: TL.
Thức tỉnh tâm hồn người Hà Nội

Hà Nội đang mở Hội ngàn năm, với 10 ngày hội lớn. Đã nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội, sống trong lễ hội thiêng liêng này, ông có suy ngẫm điều gì?

Qua mấy ngày Đại lễ, tôi vui vì mình đã tiên đoán một điều rất đúng.

Đại lễ chính là dịp đánh thức cái “nhất điểm linh đài”, điểm thiêng liêng trong lòng mỗi con người ta. Tôi hy vọng Đại lễ sẽ đánh thức cái nhất điểm linh đài đó ở trong lòng mọi người, trong tâm hồn mỗi người. Nó làm cho con người ta thức tỉnh, không hớp vào những cơn say mới: say vũ trường mới, say âm nhạc mới, say rượu chè và các thứ hưởng thụ mới.

Bây giờ tỉnh cơn say đó, người ta tự thức tỉnh lương tâm và người ta chắc chắn soi mình vào cái nghìn năm đã qua. Nhìn lại nghìn năm xem cái gì ta xứng và ta chưa xứng. Khi nhìn vào tấm gương bằng mồ hôi, xương máu và nước mắt của cha ông, ta sẽ tự điều chỉnh mình. Nói cách khác ta sẽ cấu trúc lại tính cách, nhân cách của mình.

Đa số người Hà Nội vẫn giữ được nề nếp cũ và chúng ta không phải người hư hỏng. “Chúng ta ăn nói nhã nhặn, chúng ta mặc nền nã, chúng ta phát âm uyển chuyển và mềm mại, chúng ta giao tiếp với nhau lịch sự, chúng ta hưởng thụ nghệ thuật một cách tinh tế. Không phải ai cũng thích karaokê ôm, ai vào vũ trường cũng la hét trong đó”- ông Nguyễn Vinh Phúc nhìn nhận.

Năm ngoái, năm kia, Lễ hội hoa hôm trước hôm sau nát hết hoa, người ta tranh cướp hoa. Bây giờ, hoa vẫn tráng lệ đường hoa. Phố xá đông mà không lộn xộn. Phải chăng đang có một sự thức tỉnh trong mỗi con người.

Đó là lòng người, vậy còn sắc thu Hà Nội gợi mở cho ông điều gì?

Phải nói thêm, thời tiết Hà Nội rất tuyệt vời, gió hiu hiu se lạnh, rất hợp với không khí lễ hội, tiện cho du ngoạn. Cũng xứng với công lao Thành phố bỏ ra. Thành phố đã làm rất tốt, nhất là về mặt văn hóa.

Bên cạnh những công trình bảo tàng, nhà hát, chúng ta đã phục dựng được những điệu múa cổ của Thăng Long, mà trước đây người ta vẫn cho là Thăng Long không có múa cổ. Các nhà nghiên cứu, đã gọi về được từ trong truyền thuyết những điệu múa quý báu đó.

Lễ hội kềnh càng sẽ lãng phí

Vậy người Hà Nội cần giữ gìn, phát huy những gì trong bản sắc văn hóa của mình?

Nét nổi bật của văn hóa Hà Nội là tinh hoa, chắt lọc từ cái tinh hoa, tinh túy của cả dân tộc để phát triển. Cho nên phải rũ bỏ những cái thô phác, quê kiểng, để chỉ giữ lại cái tinh túy nhất cho đất kinh kỳ.

Bên cạnh đó, cái cần đề cao là tinh thần cộng đồng. Người Hà Nội tồn tại được chính là do các cụ biết đề cao tinh thần đó.

Ông có cho rằng Hà Nội đang có những nét văn hóa truyền thống phai phôi?

Truyền thống có cái hay và cái dở. Đó là lễ bái, thờ phụng phát triển quá mức, mất cả ý nghĩa cao đẹp của lòng biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên. Bây giờ Lễ hội mở ra kềnh càng, đâu đâu cũng có sẽ là lãng phí, giảm ý nghĩa. Không phải lễ hội to là đề cao văn hóa, lễ hội mà thương mại thì rất đáng buồn. Chỉ truyền thống đẹp mới nên giữ lại.

Theo Nguyễn Tuấn - TP








Các bài mới
Các bài đã đăng