Tạp chí Sông Hương -
Cuộc thi Giọng hát vàng VOH
10:18 | 25/10/2010
Vừa qua, vòng thi bán kết “Giọng hát vàng VOH lần II - 2010” do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức đã khép lại với nhiều dư âm buồn vui lẫn lộn.
Cuộc thi Giọng hát vàng VOH
Cuộc thi Giọng hát vàng VOH đã góp phần phát hiện nhiều giọng ca tài năng mới.
Chương trình được diễn ra liên tục từ nhiều năm nay vào các buổi sáng chủ nhật hàng tuần, qua sự dẫn dắt chương trình dí dỏm của MC Hữu Luân, với sự tham dự đông đảo của khán thính giả gần xa ở mọi lứa tuổi trong khán phòng. Điều đó chứng tỏ sự khát khao một sân chơi lành mạnh, một môi trường mà ở đó mọi người đều có thể bộc lộ khả năng ca hát của mình.

Ngoài những thí sinh dự thi qua vòng bán kết, Ban tổ chức còn linh hoạt thay đổi chủ đề của mỗi tuần ở phần giao lưu dành cho khán giả đến tham dự chương trình giao lưu, đồng thời có những phần quà của nhà tài trợ cho những thí sinh đạt điểm cao nhất và những khán giả hát hay nhất trong mỗi buổi thi.

Không khí ở đây thật chân tình, nồng ấm, đặc biệt khi MC Hữu Luân đọc những trích đoạn thư của bạn nghe đài ở vùng sâu, vùng xa, với những suy tư vì điều kiện khó khăn không thể thường xuyên được nghe chương trình, cũng như mơ ước được có một ngày đặt chân đến khán phòng của đài, hay những ước mơ nho nhỏ là có được một cái radio… Có những thí sinh đăng ký dự thi hát qua điện thoại với tâm trạng khắc khoải, buồn tủi vì số phận…

Dường như nơi đây không chỉ là nơi cho các bạn trẻ tranh tài ca hát mà còn là nơi chia sẻ nhiều nỗi niềm qua nhiều giọng hát và “phong cách” khác nhau. Từ sân chơi này, với những nỗ lực của bản thân, nhiều ca sĩ sau này đã thành danh như Mỹ Tâm, Võ Hạ Trâm, Tiêu Châu Như Quỳnh…

Trở lại cuộc thi Giọng hát vàng VOH lần II - 2010, có 47 thí sinh được vô tiếp vòng chung kết, với con số 16/47 thí sinh đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp Nhạc viện TPHCM, đa phần chiếm điểm số cao. Con số tuy không nhiều, nhưng qua đó cho thấy một sự thật không thể phủ nhận: Có học vẫn hơn! Những thí sinh được đào tạo qua trường lớp, ngoài việc biết xử lý hơi thở và phát âm, còn có một sự khác biệt trong cách ăn mặc khi lên sân khấu. Đa phần những thí sinh này giữ được sự mộc mạc của chính mình và ăn mặc phù hợp với nội dung của bài hát mà mình thể hiện. Còn các thí sinh tự do, rất nhiều bạn luôn cố gắng bắt chước cách hát của một ca sĩ nổi tiếng nào đó từ cách chọn bài đến trang phục nên khi họ cất giọng, người nghe đã nhận ra ngay đây là A.T, kia là Đ.T, hay T.H… nhưng là một “dị bản” chứ chưa thể là “bản sao” của các ca sĩ ấy(?!).

Chưa hết, trong nhiều kỳ liên tục, ở phần thi dành cho khán giả, có một cháu gái được những người thân chăm sóc quá kỹ từ trang điểm đến váy áo, khi lên sân khấu cháu thật “lão luyện” trong cách tự giới thiệu nhưng điều đáng tiếc là cháu luôn chọn những bài hát không phù hợp với tuổi 12 của mình. Phải chăng, cháu đang thực hiện niềm mơ ước trở thành ca sĩ nhưng không thành của người lớn?!

Bỏ qua những hiện tượng nêu trên, cuộc thi Giọng hát vàng lần II VOH - 2010 vẫn là một nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu về món ăn tinh thần cho mọi tầng lớp trong cộng đồng xã hội. Hy vọng mô hình này sẽ được duy trì và phát triển hơn nữa trong những hoạt động giải trí có định hướng và được đầu tư, qua đó sẽ phát hiện thêm nhiều giọng ca vàng.

Theo Đan Vi - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng