Tạp chí Sông Hương -
Phim Rừng Na Uy – dư ba của nỗi buồn
14:43 | 24/12/2010
Nỗi cô đơn bao trùm suốt gần 120 phút của phim. Dù đạo diễn Trần Anh Hùng khẳng định không chịu nhiều sức ép của tác phẩm văn học, nhưng ấn tượng đầu tiên của người xem là nỗi cô đơn của Rừng Na Uy – truyện đã được chuyển tải trong Rừng Na Uy – phim.
Phim Rừng Na Uy – dư ba của nỗi buồn

Đạo diễn Trần Anh Hùng (trái), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (thứ hai từ trái) và dịch giả Dương Tường (bìa phải).

Lựa chọn cách đi thẳng vào câu chuyện chứ không dẫn dắt từ hồi tưởng của Watanabe như trong tác phẩm văn học, và vẫn lối làm phim cầu kỳ trong từng cảnh quay, Trần Anh Hùng tiếp tục khẳng định phong cách phim nghệ thuật rất riêng của mình. Những đối thoại giữa các nhân vật không nhiều, thường ngắn và chậm, khiến người xem có cảm giác nhân vật phải nặn từng chữ để nói. Nhưng cảm xúc của họ, những vật lộn tâm lý lại được thể hiện bằng ngôn ngữ khác, ngôn ngữ hình ảnh. Một nhà phê bình đã nhận xét Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng điển hình cho thứ điện ảnh “ý tại ngôn ngoại”. Naoko cô độc như chính những cánh rừng bát ngát hay những ngọn núi tuyết phủ trắng xoá nơi cô điều trị tâm lý. Với Watanabe, không gian ngổn ngang và bừa bộn của anh từ ký túc xá tới căn hộ sau này, như một ẩn dụ về chính tâm trạng của anh: cuộc kiếm tìm vô định giá trị của cuộc sống, tình yêu đầy bất an với Naoko và những câu hỏi về cái tôi không lời đáp mà một thanh niên Nhật Bản phải đối mặt trong thập niên 1960. Chi tiết nhân vật Reiko run rẩy nhìn mình trong gương trước khi lên giường với Watanabe cũng là một thủ pháp khá quen thuộc trong phim Trần Anh Hùng.

Để hoàn thành những cảnh quay của Rừng Na Uy, Trần Anh Hùng đã mất hai năm chờ mùa hè và mùa đông. Dường như đạo diễn đã tận dụng tối đa thiên nhiên tuyệt đẹp của đất nước Nhật làm chất liệu cho bộ phim của mình. Những góc máy rất rộng như hút Watanabe và Naoko vào trong nỗi cô đơn. Người xem luôn phải cố gắng tìm kiếm họ trong bạt ngàn rừng núi, giữa những gam màu đậm của thiên nhiên như một sự trống rỗng, vô định khổng lồ đang bao bọc lấy những thân phận người. Nhưng có lẽ trường đoạn gây choáng ngợp người xem, cũng là trường đoạn tạo cảm xúc mạnh nhất là sau khi Naoko tự tử, Watanabe vứt bỏ tất cả và tìm tới hang đá bên bờ biển để quằn quại với nỗi đau cùng cực. Những con sóng tàn nhẫn, những mỏm đá và vách núi nhọn hoắt, dựng đứng. Và Watanabe, đau đớn, gào thét giữa biển khơi bao la, co quắp trong hang đá lạnh lẽo. Không chọn cái chết như hai người bạn thân yêu nhất của mình, anh chọn tiếp tục sống. Nhưng anh hiểu muốn sống tiếp phải đối diện với nỗi đau, phải gọi sự cô đơn ra mà đốt cháy nó.

Phần âm nhạc của phim được Johnny Greenwood thực hiện xuất sắc. Dàn dây đi những nốt nghịch âm đầy ngang trái nhưng thấm thía như nỗi cô đơn cứ cứa vào hồn người. Âm nhạc cũng làm nên không khí thời cuộc của bộ phim.

Đây là bộ phim không thể xem một lần. Luôn có nhiều tầng tư tưởng để khán giả khám phá mỗi lần xem phim. Có lẽ đó cũng là thông điệp lớn mà Trần Anh Hùng chuyển tải trong tác phẩm của anh. Hãy chầm chậm trải nghiệm những dư ba của nỗi buồn.

                                                                                                        Theo SGTT.VN














Các bài mới
Các bài đã đăng