Tạp chí Sông Hương -
Theo ngọn gió xuân thăm quê Bùi Giáng
13:09 | 20/03/2011
Theo ngọn gió Bùi Giáng thi sĩ dẫn đường "Gió Lệ Trạch thổi qua Cổ Tháp", tôi về làng quê Duy Xuyên giữa một ngày xuân tưng bừng thơ dại.
Theo ngọn gió xuân thăm quê Bùi Giáng
Thi sĩ Bùi Giáng - Ảnh: Tư liệu
Ngược chiều với câu thơ, nghĩa là theo hướng đông - tây, từ Cổ Tháp qua An Lâm rồi mới đến Lệ Trạch. Lên xa hơn nữa là Cù Bàn, Kiểm Lâm. Và rồi cả một vùng Tây - Duy Xuyên mênh mông núi đồi, qua những An Hòa, Mỹ Sơn, Mỹ Lược, Thu Bồn, Phú Đa… Thời đánh Tây năm xưa, gia đình Bùi Giáng và một số bà con họ Bùi tộc chuyển lên định cư ở hẳn vùng Trung Phước. Giữa bạt ngàn đồi núi nhấp nhô này, nơi nào Bùi thi sĩ từng một thời “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín”. Cũng chẳng rõ nữa, nhưng chắc chắn rằng trên những lối đi này đã mòn nhẵn bước chân thời hoa niên của ông. “Vĩnh Trinh Lệ Trạch Thanh Châu. Thi Lai Hà Mật nhìn đâu dáng người”. Thơ ấy là cách thi sĩ gọi tên đất tên làng cho… hả nhớ, nó như một phản xạ từ vô thức mà chẳng mong đạt tới một ý nghĩa nào ghê gớm. Làm sao cắt nghĩa nhớ, làm sao cắt nghĩa yêu, làm sao cắt nghĩa một thứ tình căng đầy trong máu huyết như chực vỡ tràn ra. Ví như khi bàn tay người mẹ chạm vào sợi tao nôi là lập tức khúc hát ru ầu ơ từ tim phổi trào ra: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi”!

Trong cái di sản đồ sộ thơ văn Bùi Giáng để lại, tôi nhớ mãi một câu chuyện ông đã viết. Có thể đấy là chuyện Bùi thi sĩ tưởng tượng ra hoặc cũng có thể là hoàn toàn hiện thực, nghe cứ thấy sông suối tâm hồn ông trong ngần một niềm thơ dại. Nhân vật đối thoại cùng thi sĩ trong ngày ông về thăm quê là một cô thôn nữ. Trả lời cô thôn nữ hỏi ông về thăm quê bằng phương tiện gì và đi trong bao lâu, ông trả lời rằng: Từ Sài Gòn đi bộ về quê ròng rã suốt hai tháng trời. Ăn uống thì quán xá dọc đường, còn ngủ thì tựa gốc cây bên đường, thiu thiu nhắm hai con mắt lại mà ngủ. Nhưng, đây mới là trọng tâm, mới là hàm lượng ý tưởng của câu chuyện. Thôn nữ hỏi Bùi Giáng: “Sao anh không đi xe đò cho mau chóng tới nơi?”. Thi sĩ hồn nhiên trả lời: “Anh muốn từ từ thong thả. Vừa đi vừa ngắm phong cảnh dọc đường. Và cũng cố ý kéo dài ra để dành”. Và cái mà Bùi Giáng để dành đó là “Cái quý trọng. Tỉ như đứa bé để dành cái bánh, cây kẹo của người ta cho mình”, còn ông thì: “Để dành cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách. Đừng gặp vội…”.

Cách trả lời như là chính thi sĩ, không, một đứa bé nguyên vẹn chưa bị thời gian tước đoạt lấy đi bất cứ một thứ gì. Nó nguyên vẹn như suối trong, như trăng sáng, như mùa xuân trong cái thiên đường ấu thơ huy hoàng của mình. Dường như ý niệm này tôi đã có lần gặp trong sách Nẻo về của ý của thiền sư Nhất Hạnh, đoạn ông kể về một thằng bé đang ngồi trên bậu cửa nhà vừa ăn cơm vừa ngắm cảnh mưa ngoài đường, ngắm đến quên cả ăn bởi thích thú mê say cái cảnh ngoài kia… Và cho đến khi thằng bé bị cha mẹ gọi vào nhà. Vậy là chấm dứt cái giấc mơ thiên đường của nó. Nhất Hạnh viết tiếp: “Người ta không biết được rằng những phân biệt, những mừng tủi, những toan tính giết chết thiên đường. Xin đừng la mắng ánh sáng, đừng la mắng suối trong, đừng la mắng những con chim mùa xuân bé nhỏ”. Chuyện kể của Bùi Giáng khác câu chuyện của Nhất Hạnh ở chỗ, Bùi Giáng là nguyên ủy của sông suối, bát ngát những thanh âm hồn nhiên của một trẻ thơ trong cái thiên đường quê nhà vĩnh cửu không ai có quyền tước đoạt. Gọi đó là một thứ đạo hạnh (éthique) thì đấy là nơi mà nghệ thuật và đời sống đã hòa hợp như một tôn giáo, nơi thời gian đến hoặc đi đều bất lực trước “Tâm hồn như lộc trang đời như điên”.

Du xuân trên quê hương Bùi Giáng là đi giữa đôi bờ hư-thực, khi thì qua một làng quê trong trẻo thanh bình rất cụ thể: “Vĩnh Trinh Lệ Trạch Thanh Châu”, với những con người cũng mười mươi xương thịt “Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?”; và “Cô có phải cô Bông năm nào?”, lúc thì siêu hình “Về nguyên thủy giục giang hà dội âm”. Nhưng, quả thực đi trên những lối gập ghềnh đường quê này, có lúc mình quên khuấy chính mình, quên thực tại này để nhớ tới một hiện hữu khác. Mà kể cũng lạ, không dưng mà gặp ai tôi cũng thấy mang máng chút dáng dấp hình hài Bùi thi sĩ. Chẳng phải họ làm dáng hoặc đánh bóng cái tâm hồn mình cho nó lộ ra cốt cách gì đâu. Tất cả đều hồn nhiên trong trẻo, thơ dại đến thực lòng. Họ là nông dân, anh thợ cắt tóc, chú sửa xe đạp, có khi là một ông giáo làng… Lam lũ, lam lũ và lam lũ! Chiều chiều, sau những giờ chạy vạy nhọc nhằn lo cơm áo, tất cả kéo ra ngồi ở cái quán cóc bên ngã tư đường làng để… véo von thơ Bùi Giáng. Khi thì bay bổng chín tầng mây: “Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi. Những giọt sương là lệ ở trong mây”. Lúc thì cất tiếng cười òa vỡ như xổ tung niềm hoan lạc: “Làm con gấu con beo con bò rừng con hổ. Làm con chồn lùi lũi chạy vào hang”… Đừng lầm tưởng, rượu mới là chủ đề chính cho những cuộc như thế, mà là chính bởi thơ Bùi thi sĩ như thấm đẫm vào đất đai này lên tiếng thúc giục. Và rồi cũng chẳng phải say đâu, bỗng dưng gương mặt nào cũng trẻ thơ ra, cũng đa tình sướt mướt: “Em ở lại với đời ta em nhé/Em đừng đi. Cho ta nắm tay em/Ta muốn nói bằng thơ bay nhè nhẹ/Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm”.

Làm sao tôi có thể đứng bên ngoài những cuộc ấy. Và vì thế, du xuân trên làng quê của Bùi thi sĩ, thoạt đầu cũng chỉ khơi vơi bắt chước thi sĩ mà “Sơ khai du mục tầm phương thảo”, nhưng hương cỏ người xưa đâu để mà du mục đi tìm, nên cũng sà vào cái quành tròn thơ dại ấy cho thỏa niềm mong ước “Mai sau hẹn với ban đầu. Chờ nhau ngõ khác ngó màu Nguyên xuân”...

Theo Nguyễn Nhã Tiên - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng
Cơn sốt Frida (18/03/2011)