Tạp chí Sông Hương -
Lật lại các phim thảm họa của Nhật
14:59 | 05/04/2011
Nhật Bản là đất nước thường xuyên phải hứng chịu động đất. Thế nên, việc đối chọi với động đất dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước này. Từ rất lâu trước khi thảm họa động đất mạnh 9 độ richter và trận sóng thần cao tới 23m xảy ra hồi tháng trước, các nhà làm phim hoạt hình của xứ Phù Tang đã cố gắng xua đi nỗi sợ hãi của “thế lực” siêu nhiên này trong các tác phẩm của mình.
Lật lại các phim thảm họa của Nhật
Phim hoạt hình Ponyo của đạo diễn Nhật Hayao Miyazaki
1. Hồi tháng 9/2008 - đạo diễn phim hoạt hình từng giành giải Oscar Hayao Miyazaki, tác giả bộ phim hoạt hình ăn khách Spirited Away - đã tới LHP Venice (Italia) để giới thiệu bộ phim nhựa hoạt hình mới của mình là Ponyo. Vị đạo diễn Nhật Bản đã giải thích tại sao ông lại chọn cảnh sóng thần để kết thúc phim. “Ở Nhật có nhiều bão to và động đất. Lần nào tới Venice tôi cũng xúc động khi thấy thành phố Venice tuy chìm trong biển, nhưng người dân nơi đây vẫn sống mà bất chấp điều đó. Người dân ở Nhật Bản cũng vậy. Họ có một tinh thần kiên cường trước những thảm họa thiên nhiên”.

Nhưng không phải bộ phim nào làm về thảm họa thiên nhiên ở Nhật Bản cũng được mô tả mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên một cách hài hòa như những bộ phim hoạt hình của Miyazaki. Trái lại, vùng biển bao quanh Nhật Bản luôn được mô tả là một kẻ thù chết người, bị “đánh thức” bởi những thế lực ngầm.

Alain Schlockoff, người từng tổ chức LHP Fantastic Paris trong nhiều năm và hiện là chủ bút tạp chí L’Ecran Fantastique, vô cùng ấn tượng với Tidal Wave, bộ phim khoa học viễn tưởng đã trở thành một hiện tượng ở Nhật Bản năm 1974. Được dàn dựng theo tiểu thuyết về thảm họa mang tựa đề Nihon Chinbotsu của Sakyo Komatsu, phim là câu chuyện xoáy vào sự biến mất của một quần đảo do các trận sóng thần và núi lửa phun trào. “Đội ngũ thực hiện kỹ xảo điện ảnh Nhật Bản rất giỏi và các hình ảnh trong phim được dàn dựng chính xác như thật”, Schlockoff nói. Năm 2006, tác phẩm điện ảnh này được dàn dựng lại và mang tên The Submersion of Japan.

Những ác mộng về thiên tai của người Nhật đã tác động tới các nhà làm phim quốc tế. Hôm 8/3, đạo diễn Mexico Guillermo del Toro thông báo ông đang bắt đầu xúc tiến làm dự án điện ảnh Pacific Rim, kể về sự biến động ở tầng đại dương đã sản sinh ra nhiều sinh vật quái dị phá hủy thành phố Tokyo và Los Angeles. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ dự án điện ảnh này sẽ không bao giờ có thể ra rạp được khi giờ đây người Nhật đang gồng mình giải quyết hậu quả sau thảm họa động đất và sóng thần. Xem những hình ảnh sau thảm họa trên truyền hình, Schlockoff thừa nhận “cảm thấy ngượng nếu như xem những bộ phim mang đề tài đó”.

Sau khi các quả bom nguyên tử dội xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945, thì nỗi ám ảnh về hạt nhân cũng đã đi vào nhiều bộ phim hoạt hình của Nhật, mà tiêu biểu là phim “Steamboy” của Katsuhiro Otomo.

2. Mối đe dọa của động đất hay sóng thần còn là chủ đề của nhiều truyện tranh. Điển hình là Spirit of the Sun của Kaiji Kawaguchi. Câu chuyện mở đầu với cảnh một trận động đất mạnh đến mức “xé” đôi hòn đảo Honshu lớn nhất ở Nhật Bản. Rồi sóng thần tràn vào phá hủy những gì còn lại của đất nước này... Bên cạnh đó là truyện Ken the Survivor, Akira hay Neon Genesis Evangelion. Hay trong truyện dành cho các bé gái mang tiêu đề Tokyo Mew Mew, nhân vật chính có sức mạnh kỳ diệu và có ngoại hình giống mèo sau một trận động đất.

3. Thế nhưng sau thảm họa vừa qua, những bộ phim và serie truyện tranh mô tả các thiên tai đều đang bị ngưng lưu hành ở Nhật Bản. Trên truyền hình cũng đã ngừng phát phim hoạt hình Tokyo Magnitude 8 và nhiều phim hoạt hình khác mô tả về sóng thần cũng có “số phận” tương tự. Hồi năm 1995, Nhật Bản cũng từng gác lại các ấn bản phẩm mang đề tài này trong nhiều tháng bởi độc giả thấy buồn khi đọc những cuốn truyện như vậy vào thời điểm Kobe vừa xảy ra trận động đất khiến gần 6.500 người thiệt mạng.

Theo Việt Lâm - TT&VH






Các bài mới
Các bài đã đăng
(05/04/2011)