Tạp chí Sông Hương -
Không có vị thánh hoàn hảo
08:20 | 06/04/2011
Đấu tranh cho lý tưởng vĩ đại luôn đòi hỏi những hy sinh lớn. Nelson Mandela được xem như thánh ở Nam Phi, nhưng bản thân ông và người thân đã chịu nhiều đau thương vì lợi ích chung. Joshua Hammer bình luận cuốn tiểu sử của David James Smith - Mandela thời trẻ - những năm cách mạng trên tờ The New Republic.    
Không có vị thánh hoàn hảo

Tới giữa đoạn miêu tả hấp dẫn về cuộc sống trước khi ở đảo Robben của Nelson Mandela, tác giả David James Smith rẽ ngang khỏi lời tường thuật để kể lại chi tiết cảnh trong một phòng bệnh ở Johannesburg. Tháng 12 năm 2004, Makgatho, người con trai bị ghẻ lạnh của Mandela từ cuộc hôn nhân đầu tiên, chết vì AIDS sau nhiều năm nghiện rượu và mất phương hướng. Những ngày cuối cùng của anh, các thành viên khác trong gia đình Mandela, gồm Ndileka - con gái của con trai cả Mandela, người đã qua đời trong một tai nạn xe hơi tháng 7 năm 1969 và Maki - con gái Mandela đã sắp xếp một cuộc gặp giữa hai người. Điều tiếp theo, theo mô tả của Smith, là một cuộc gặp gỡ đau đớn, trắc trở. Đã có lúc Maki cầm tay Mandela đưa khắp người cậu con trai đang hấp hối để khơi dậy một khoảnh khắc thân mật - nhưng Mandela kéo mạnh tay ra. “Ông lạnh băng. Ông không thể chấp nhận cảm xúc của chính mình,” Ndileka kể lại cho Smith. “Vì ông
nội tôi mà Makgatho nằm trong bệnh viện đó.”

 

 

Giọng Ndileka vang lên  đau đớn và cay đắng, với một thứ có vẻ giống như mong muốn có chủ đích nhằm làm hoen ố danh tiếng của người ông gần như được phong thánh. Tuy nhiên, lời nói đó cũng có tính xác thực. Gia đình Mandela hiện lên từ bức chân dung phức hợp của Smith - ghép lại với nhau từ nhật ký, truyền khẩu, và hàng chục cuộc phỏng vấn với gia đình và các thành viên còn sống sót của Đảng Quốc Đại thân cận với Mandela - kết hợp sự vĩ đại với những nhỏ nhen, lòng từ bi với sự lạnh lùng, lòng vị tha với tính ích kỷ. Smith liên tục cho thấy sự tận tụy ngày càng tăng của Mandela cho cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đã làm tổn hại những người thân của ông, và cuối cùng, khiến ông phải nhẹ nhàng chấp nhận vai trò của một kẻ tử vì đạo, bất chấp những hậu quả khủng khiếp với gần như tất cả mọi người trong quỹ đạo của mình.

 Phần lớn cuộc đời của Mandela - thời niên thiếu và thời đi học tại Transkei, việc chuyển đến Johannesburg, những năm làm luật sư trong tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng ngột ngạt, và sự thăng tiến lên đội ngũ cao cấp trong Đảng Quốc Đại, đã được ông kể lại cụ thể trong Hành trình dài đến Tự Do, cuốn tự truyện ông và Richard Stengel cùng viết. Và, thật vậy, Smith dựa vào nguồn này để viết khoảng một phần ba lời kể của ông. Nhưng câu chuyện bắt đầu cất cánh, và để đi sâu vào một lãnh địa không được biết đến nhiều, trong lời kể của Smith về cam kết chính trị sâu sắc của Mandela. Hồi ức về những nhà hoạt động chính trị của Đảng Quốc Đại như Ruth Mompati, Fatima Meer, và Ahmed Kathrada tái tạo sinh động sự phấn khích bí mật, chủ nghĩa đa chủng tộc đầy hồ hởi, và những rủi ro bạo lực của hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong những năm 1950 và đầu những năm 1960.

Smith đã giải thích sự đối đầu với Đảng Liên Phi, nhóm phản đối quan điểm đa sắc tộc của Đảng Quốc Đại, và truyền tải nhân cách và sự bảnh bao của Mandela, những thứ làm mọi người ông gặp phải kính nể. Sự thăng tiến của Mandela trong hàng ngũ đảng song song với cuộc sống cá nhân lộn xộn, đặc biệt là sự tan vỡ của cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên, Evelyn Mase, khiến bà vô cùng phẫn uất. “Với nhận thức muộn màng, có vẻ như ông đã lấn át Evelyn khi ông vọt lên về mặt chính trị, và leo đến đỉnh cao quyền lực non trẻ ngay khi cuộc hôn nhân tan vỡ”. Cũng có những thông tin mới mẻ về sự qua lại giữa Mandela và Winnie Madikizela, cô gái thơ ngây, xinh xắn từ Pondoland, người bị vụ ầm ĩ cuốn phăng đi.

 Các vụ thảm sát hàng chục người biểu tình da đen ở Sharpeville năm 1960 đã đẩy những thủ lĩnh trẻ của Đảng Quốc Đại, trong đó có Mandela, Walter Sisulu, và cựu đối tác pháp luật của Mandela - Oliver Tambo, từ bỏ học thuyết bất bạo động vốn là đặc trưng của Đảng Quốc Đại kể từ khi thành lập năm 1912. Một năm sau, họ xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng Quốc Đại - Umkhonto Wa Sezwe (Ngọn giáo dân tộc) - và Mandela, mặc dù hoàn toàn thiếu hiểu biết về chiến thuật chiến tranh du kích và phá hoại, đã trở thành chỉ huy.

 Một số tài liệu báo cáo quan trọng nhất của Smith dẫn chứng những ngày đầu kịch tính của chiến dịch phá hoại của Đảng Quốc Đại - trớ trêu thay, nó diễn ra chưa đầy một tuần sau khi vị chủ tịch đáng kính nhưng xa rời thực tế, Alfred Luthuli, đến Oslo nhận giải Nobel Hòa bình. (Ông đi với sự đồng ý miễn cưỡng của chế độ phân biệt chủng tộc, vốn rất nhạy cảm với dư luận thế giới về sự trỗi dậy ở Sharpeville). Vài chiến dịch phá hoại nghiệp dư đến tức cười, nhưng chúng lung lay nghiêm trọng một chính phủ vốn không quen với bất kỳ sự kháng cự nào.

Smith không bao giờ tìm thấy giải đáp cho câu hỏi quan trọng: Mandela có dính líu như thế nào trong chiến dịch đánh bom nhằm vào người Nam Phi da trắng? (Đảng Quốc Đại đã cẩn thận để tránh giết hay làm bất cứ ai bị thương, nổi dậy vào ban đêm và nhắm vào các nhà máy điện, bưu điện, và các biểu tượng khác của chính phủ thiểu số da trắng). “Những người còn sống và ra ngoài vào ban đêm, phục vụ trong đơn vị, không nhớ ông có ở đó với họ hay không. Cũng không ai khác nhớ ông tự tay gài một quả bom hay không”, Smith viết. Cho dù trực tiếp tham gia cài đặt chất nổ hay không, Mandela là người tổ chức chính và nguồn lực tinh thần đằng sau phong trào.

 Phần lớn một phần ba cuối cùng của cuốn sách dành cho khung cảnh tại nông trường Liliesleaf, ở khu ngoại ô Rivonia xa xôi của Johannesburg , nơi Mandela và lực lượng Đảng Quốc Đại ẩn náu khi chiến dịch phá hoại đang được tăng cường. Có những chân dung không thể nào quên về những người không thích nghi được, những kẻ nổi loạn, những nhà cách mạng tận tụy thường xuyên cống hiến hết mình - đôi khi mạo hiểm cả cuộc sống cho phong trào. Những nhân vật quen thuộc hơn, như Joe Slovo, Bram Fischer, và Ruth First, bị che lấp để làm nổi bật một số nhà hoạt động ít nổi tiếng hơn, chẳng hạn Cecil Williams. Williams, như Smith mô tả, là một “tay cộng sản da trắng, trung niên, đồng tính” người dẫn dắt một “sự tồn tại đa tầng lớp,” sống chung với bạn tình trong một căn hộ cao cấp trong khi đàn áp những công viên tình dục ở Johannesburg – và luôn là một thành viên bí mật của Đảng Quốc Đại. Ông lái xe cho Mandela vào ngày “Cây phiền lộ đen” (biệt danh báo chí đặt cho Mandela) bị bắt.

Có một sự thương tâm gần như không thể chịu nổi khi theo dõi Madiba (tên khác của Mandela) - cái tên ông được trìu mến trao tặng trong tổ chức, và sau đó, với toàn bộ quốc gia -  trở lại từ một chuyến đi gây quỹ và đào tạo du kích xuyên châu Phi, tháng 7 năm 1962 (có dừng tại London). Ông nhận thức đầy đủ rằng ông đang rơi vào một cuộc vây bắt, và, ít nhất, một sự phân ly lâu dài với gia đình thương yêu vốn phụ thuộc vào ông. Smith nhắc nhở chúng ta về những mâu thuẫn thường tồn tại giữa cuộc sống vì lợi ích chung và cuộc sống riêng tư của những người nổi tiếng, và khiến chúng ta phải tính đến những thứ phải trả cho sự vĩ đại. Có thể Mandela thời trẻ là một bức chân dung giày vò một số người gần gũi nhất với Mandela. Nhưng không cần thiết phải để Mandela thần thánh hơn, và lời kể của Smith đã hoàn thành xuất sắc công việc làm cho người anh hùng trở nên người hơn.

 

 

Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch

(theo Người Đại biểu Nhân dân online)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
(05/04/2011)