Tạp chí Sông Hương -
Gửi lời yêu thương tới Nhật Bản
16:15 | 13/04/2011
Trong hai đêm 8 và 9.4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình hoà nhạc gây quỹ ủng hộ nạn nhân động đất và sóng thần ở Nhật Bản do Dàn nhạc Giao hưởng VN tổ chức.
Gửi lời yêu thương tới Nhật Bản
Sau phát biểu của nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân – GĐ Dàn nhạc Giao hưởng VN - và lời cảm ơn của ngài Đại sứ Nhật Bản ở VN, chương trình được mở đầu bằng “Gửi lời yêu thương” – một sáng tác kịp thời của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN và nhạc sĩ Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Bài hát do Đỗ Hồng Quân phối khí cho giàn dây và giàn trống, do ca sĩ đoạt giải Sao mai Trần Hồng Nhung trình diễn.

Trong chiếc váy đỏ thắm lộng lẫy, nữ ca sĩ xinh đẹp của miền Kinh Bắc đã bước ra sân khấu đầy tự tin. Và tất cả dường như lắng lại khi giai điệu violon mở đầu phần dạo do nữ nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền cũng rất xinh đẹp tấu lên. Rồi lời ca vang lên vừa da diết, vừa xúc động, vừa xót xa:

Gửi lời yêu thương từ Việt Nam tới người dân Nhật Bản/ Nặng lòng cảm thông trước mất mát đau thương/ Bao kiếp người đang sống yên vui giờ không thấy đâu.

Những dấu lặng ngắt giữa chừng câu hát như tiếng nấc nghẹn ngào của biết bao con người hướng về Nhật Bản. Nhật Bản không cô đơn giữa toàn thế giới đang cùng sát cánh.

Chúng ta bên nhau/ Sẻ chia nỗi đau/ Dù động đất.

Cao trào dâng lên như tấm lòng cảm thông của nhạc sĩ, của người Việt Nam với Nhật Bản trong âm hưởng dân ca của xứ sở hoa anh đào: Việt Nam bên Nhật Bản/ Trong gian khó không sờn lòng/ Tình yêu sáng lên qua hoạn nạn.

Trần Hồng Nhung (ảnh) đã hát bằng cả trái tim xúc động của mình để chia sẻ với những nạn nhân động đất và sóng thần.

Sau đó, chương trình được tiếp tục bởi concerto số hai cung đô thứ viết cho piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Nga S.Rachmaninoff, do nghệ sĩ trẻ Nhật Bản Tamura Hibiki trình tấu dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetshuji. Tiếng đàn của Tamura Hiboki như mượn giai điệu của người nhạc sĩ tài hoa kia mà thể hiện nỗi lòng dằn vặt của mình trước thảm họa của dân tộc mình. Người nghe như bị hút theo tâm trạng của Tamura Hibiki sau những biểu cảm đầy kỹ thuật.

Chương trình được khép lại bởi Bản giao hưởng số 2 cung đô trưởng của nhà soạn nhạc thuộc trường phái lãng mạn R.Schuman, được viết từ năm 1844 tới năm 1846 trong sự suy sụp tinh thần, nhưng vẫn tha thiết một niềm hy vọng về sự sống bằng những giai điệu tuyệt vời.

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng