Tạp chí Sông Hương -
Mitsuyo Kakuta: 'Bản năng' đánh thức tình mẫu tử
09:30 | 03/06/2011
Khi nhà văn Nhật viết về tình mẹ con, bà chọn một góc nhìn khác lạ: một phụ nữ trong phút quẫn trí đã bắt cóc đứa con gái nhỏ của người tình rồi nuôi nấng trong 4 năm trời cho đến ngày bị bắt.
Mitsuyo Kakuta: 'Bản năng' đánh thức tình mẫu tử
Nhà văn Mitsuyo Kakuta
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Bản năng (The Eighth Day) kể lại câu chuyện cảm động của một phụ nữ với đứa bé mà cô đã bắt cóc. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1985. Kiwako Nonomiya suy sụp vì bị người tình bắt phá thai và bỏ rơi. Một buổi sáng, cô lẻn vào nhà của vợ chồng người tình, không hề nghĩ đến hậu quả, bế đứa con 6 tháng tuổi của họ ra đi.

Kiwako yêu thương đứa bé hơn tất thảy, dù đó không phải là con ruột của cô. Cô đặt tên cho đứa bé là Kaoru. Không thiếu tiền nhưng sợ bị người ta giành lại Kaoru, Kiwako chuyển chỗ ở liên tục. Để trốn tránh cảnh sát, cô chọn cách tham gia một tổ chức tín ngưỡng lạ lùng, cách biệt với thế giới bên ngoài, có tên Gia đình Thiên thần. Dần dần, Kaoru đã trở thành một bé gái dễ thương, xinh xắn.


Phần hai câu chuyện xoay quanh Kaoru lúc đã quay về đoàn tụ với gia đình. Trong khi tìm lại quá khứ, cô dần nhận ra cuộc đời mình đang diễn ra theo bước của người phụ nữ đã bắt cóc cô. Nhà văn Kakuta nói, đó là cách nhìn nhận vấn đề từ mọi khía cạnh, kể cả cách người Nhật nghĩ về tình mẹ con trong cuộc sống đầy áp lực của phụ nữ thời nay. Sau đây là bài phỏng vấn nhà văn do First News dịch từ Reuters.

- Bà đã “thai nghén” ý tưởng này như thế nào?

- Ở Nhật Bản, từng có chuyện một nữ thư ký đột nhập vào nhà của người tình và phóng hỏa căn phòng, nơi hai đứa con của người này đang say ngủ. Bọn trẻ đều chết cháy. Tôi tự hỏi tại sao cô ấy giết những đứa trẻ khi mà chính ông bố mới chính là người gây ra lỗi lầm. Hai đứa trẻ vô tội. Cô ấy không còn cách nào khác hay sao? Và tôi mở đầu câu chuyện.

- Chủ đề của câu chuyện là gì?

- Tôi muốn nói đến tình mẹ con. Vấn đề bạo hành trẻ con đang nổi cộm ở Nhật, nhất là chuyện mẹ ruột ngược đãi con mình. Yêu thương con cái là bản năng của người mẹ. Điều đó đặt nặng lên vai của người mẹ nhiều áp lực. Tôi bắt đầu cuốn sách như vậy.

Kiwako là kẻ bắt cóc, không phải là mẹ ruột, nhưng cô có cảm giác yêu thương như một người mẹ, trong khi đó, Etsuko là người sinh ra cô, nhưng với cô, không có sự khắng khít của tình mẫu tử. Ở Nhật Bản, sợi dây huyết thống rất được coi trọng, và tôi cho rằng điều này dẫn đến việc thiên chức làm mẹ của người phụ nữ bị đặt nặng quá mức.

- Vậy tình mẹ con có ý nghĩa như thế nào ở Nhật?
 
- Xã hội dường như áp đặt phụ nữ làm nhiều thứ theo một cách nhất định. Ai cũng tin rằng phụ nữ phải sinh con đẻ cái, phải hiền dịu và phải tự biết nuôi con. Với bao áp lực mặc định lên đôi vai của phụ nữ như vậy, thì không hẳn lúc nào những bà mẹ cũng thấy con mình đáng yêu. Có lẽ họ khóc thầm nhiều rồi, nhưng bởi xã hội kỳ vọng người mẹ theo cách đó, cho nên khi nhận ra mình không có cảm giác yêu thương con cái, họ sẽ cảm thấy mình không phải là một người mẹ đúng nghĩa.


Cuộc sống hiện đại, mô hình gia đình ngày càng thu nhỏ. Họ không có những người mẹ, người chị, những người lớn hơn ở xung quanh để tư vấn và giúp đỡ khi cần.

- Kết cuộc, dường như ai cũng là nạn nhân cả?

- Tiểu thuyết không phải là chỗ để phán xét con người. Khi đặt bút viết, tôi không nghĩ đến chuyện ai có lỗi hay ai là nạn nhân. Khi chuyện xảy ra, không phải tất cả lầm lỗi thuộc về chỉ một người mà mọi thứ đều chồng chất lên nhau, có mối quan hệ chồng chéo với nhau.

Những cuốn sách tôi viết không nhất thiết phải có anh hùng. Là người cầm bút, tôi không hứng thú với những nhân vật như vậy. Họ mạnh mẽ, và vì vậy, họ có thể tự sống ổn. Tiểu thuyết nên hướng đến những kẻ yếu, và đó là điều mà tôi muốn thể hiện trong tác phẩm của mình.

- Nền văn học Nhật Bản thay đổi thế nào trong 20 năm qua?

- Trước đây, tiểu thuyết hướng đến những gì xa rời thực tế, cho nên bạn cần phải đi đây đi đó để có thêm nhiều trải nghiệm mới. Độc giả hứng thú với những điều lạ lẫm. Nhưng giờ thì nhiều người bắt đầu chán khi đọc những thứ mà họ không hiểu nổi. Họ muốn chủ đề đơn giản, dễ hiểu hơn. Với tôi, văn chương phải gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, chững câu chuyện bi lụy, thấm đẫm nước mắt, dễ đọc dễ hiểu đang trở thành xu hướng, trong đó nhân vật thường mắc phải một căn bệnh khó chữa và rồi chết đi. Tôi nghĩ điều này không thích hợp chút nào. Cảm xúc của con người không đơn giản như vậy.

(Tiểu thuyết Bản năng do Thục Nhi và Song Thu dịch sang tiếng Việt, First News giữ bản quyền và xuất bản).

Theo evan






Các bài mới
Các bài đã đăng