Tạp chí Sông Hương -
Cuộc trắc nghiệm về "Những phút vui sướng, thích thú nhất đời"
15:17 | 06/06/2011
Tư liệu tôi muốn giới thiệu là một cuốn sách in năm 1939 tại Huế, nhan đề Nguồn mỹ cảm, xuất bản bởi Hội Yêu nghệ thuật. Câu hỏi được đặt ra trong cuốn sách mang tính trắc nghiệm về sự trải nghiệm thẩm mỹ: có khi nào được thụ hưởng về thẩm mỹ (“ hưởng được những phút nào vui sướng, thích thú nhất đời”)?... Người trả lời là những văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, trong đó có bà Đạm Phương nữ sử(*)
Cuộc trắc nghiệm về
Một trang trong cuốn Nguồn mỹ cảm
Cuốn sách lạ

Cuốn sách in năm 1939 tại nhà in Mirador, Huế, nhan đề Nguồn mỹ cảm, xuất bản bởi một hội đoàn được viết tắt bằng 4 chữ A: A.A.A.A., ứng với tên gọi chữ Pháp của hội này: Association des Amis de l’ Art en Annam, được diễn đạt ngắn gọn bằng chữ Việt là Hội Yêu nghệ thuật, có hội quán tại 13, Quai de la Susse, Huế.

Qua cuốn sách thì không thể biết thành viên hội này gồm những con người cụ thể nào, chỉ biết rằng họ đã cùng nhau lập ra hội Yêu Nghệ thuật với ý nguyện “gây dựng cho nước nhà một nền nghệ thuật đầy đủ và mới mẻ” (tr. 6) # cái ý nguyện mà chính họ cũng thú nhận là đã được diễn tả bằng những chữ nghĩa quá “to tát”. Cuốn Nguồn mỹ cảm chính là cuốn sách trình làng của hội này.

Cuốn sách 114 trang khổ 13x20 cm có một phần đầu là một cuộc điều tra về trải nghiệm thẩm mỹ, với các bài trả lời của một số người mà họ gọi là “những nhà yêu nghệ thuật ở Thần kinh” (tr. 9). Phần còn lại, chiếm phần lớn số trang cuốn sách, là những sáng tác thơ, văn... Theo thiển ý của tôi, cuốn sách này là dấu tích hoạt động của một nhóm văn hóa nghệ thuật từng có mặt tại thành phố Huế những năm 1930-1940. Chúng ta chưa biết gì nhiều về nhóm này và hoạt động của nó, vả lại có vẻ như nhóm này đã không đạt được thành quả gì đáng kể, không để lại tiếng vang trong đời sống văn hóa nghệ thuật thành Huế về sau. Tuy vậy, có lẽ các giới nghiên cứu văn hóa sử địa phương không nên bỏ qua sự hiện diện và hoạt động của một nhóm văn hóa nghệ thuật như nhóm này, do sự không thành công trên thực tế của nó. Tôi mong tư liệu về nhóm Yêu Nghệ thuật mà tôi giới thiệu sơ bộ ở đây sẽ được các nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa nghệ thuật ở Huế làm rõ thêm trong các nghiên cứu tiếp theo.

Trắc nghiệm lạ

Trở lại phần đầu sách Nguồn mỹ cảm tức là phần tạm gọi là cuộc trắc nghiệm về trải nghiệm thẩm mỹ.

Để ghi nhớ ngày thành lập hội mình, nhóm Yêu Nghệ thuật đã gửi tới một số nhân vật văn hóa đang sống tại Huế khi ấy một câu hỏi như sau:

“Trong đời ngài, lúc nào trong trí nẩy ra một nguồn mỹ cảm thú vị hơn hết, vì: đọc một đoạn văn, một câu thơ hay; ngắm một pho tượng, một bức họa đẹp; nghe một cung đàn, một câu hát hùng tráng, bi ai, du dương, não nuột; xem một vở kịch, một buổi chiếu bóng có lý thú; hay nhãn tuyến được gặp một mỹ nữ, một cảnh đẹp thiên nhiên nào, v. v... Nói tóm lại, ngài đã vì mắt thấy tai nghe những cái đẹp cái hay mà hưởng được những phút nào vui sướng, thích thú nhất đời?” (tr. 9)

Qua cuốn sách, chúng ta không được biết thật rõ là nhóm này đã gửi câu hỏi tới những ai; trên thực tế, chúng ta chỉ biết những người có bài trả lời và đã được in trong cuốn sách. Đó là Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tiến Lãng, Đạm Phương, Phan Khôi, Trần Đằng, Cô Nhơn (một ca sĩ); riêng Huỳnh Thúc Kháng, sau khi trả lời nhóm Yên Nghệ Thuật, ông còn cho đăng trên báo Tiếng dân một bài khá dài nhan đề “Một vài cái mỹ cảm trong đời tôi” (trong bài có những đoạn trùng với bài trả lời nói trên), bài báo này cũng được nhóm Yêu Nghệ thuật đăng vào cuối sáchNguồn mỹ cảm.

Câu hỏi của nhóm Yêu Nghệ thuật là câu hỏi mang tính trắc nghiệm về sự trải nghiệm thẩm mỹ; những người hỏi muốn người được hỏi cho biết ở bản thân mình có khi nào cảm thấy thú vị (“trong trí nẩy ra một nguồn mỹ cảm thú vị hơn hết”), được thụ hưởng về thẩm mỹ (“hưởng được những phút nào vui sướng, thích thú nhất đời”) do xúc tiếp với các tác phẩm văn, thơ, điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, với vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên. 

Đây là câu hỏi trắc nghiệm khá hay, lại mới mẻ so với đương thời, khi mà những loại hình nghệ thuật như điêu khắc, hội họa, điện ảnh, tuy đã phổ biến trong đời sống con người ở các nước Âu Mỹ, ở các đô thị, và cũng đã có ở một số đô thị lớn ở Việt Nam, nhưng hầu như còn chưa trở thành nhu cầu thường xuyên của số đông người Việt, kể cả những tên tuổi lớn trên trường dư luận đương thời.

Câu trả lời của Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi...

Những người trả lời câu hỏi này đều tỏ ra thật thà, tuy cách thức đáp ứng câu hỏi là khác nhau.

Huỳnh Thúc Kháng tự nhận mình là người học trò sinh trưởng ở thôn quê, “phác giả, thô vụng, quê kịch”, chỉ có đặc tính “mê học” nên “ngoài thi văn sách vở ra, hơn nửa đời người tôi gần như không có cái gì đáng gọi là mỹ cảm, có chăng cũng cảm xúc trong lúc tạm thời” (tr. 10), và ông nêu cảm giác đẹp của mình về “văn thi Tàu”, “văn thi ta”, cả trong văn Hán lẫn văn Nôm. (tr. 10-12)

Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng kể lại ấn tượng theo ông là mạnh nhất, gây khoan khoái nhiều nhất, xảy ra hồi ông 9-10 tuổi, chợt tỉnh dậy giữa đêm, thấy trăng rằm chiếu sáng trên sông nước thôn làng đồng lúa quanh nhà, trong khi có tiếng ngân nga của ca nhi hát điệu tỳ bà trên nhà khách, nơi người cha là viên tri huyện đang cùng thưởng thức với mấy người bạn. Nói bao quát về “cái đẹp”, Hán Thu cho rằng: “Cái đẹp, nói rút lại, không phải để làm cho người ta “vui sướng”, mà để cho người ta biết tìm sự thanh cao sự nồng nàn, biết di dưỡng tính tình”. (tr. 13-14).

Phan Khôi nói về mình như về một đối tượng mà chính mình đang quan sát; ông ngờ rằng, do “cái đầu óc quê mùa mộc mạc của tôi, nhiều lúc tìm hiểu cái Mỹ là gì mà không thấy, túng lại tôi phải nhận cho Chân, Thiện là Mỹ”; đồ mộc thì không ưa chạm trổ, chỉ ưa bào trơn đóng bén; câu văn thì không ưa bóng bẩy, chỉ ưa đúng và gọn; đàn bà con gái thì rất ghét họ đánh phấn, chỉ thích nét mặt vui vẻ, ăn nói có duyên. Tuy quan niệm về đẹp đơn sơ như thế, nhưng có dịp gặp cái gì đẹp là ông thấy mình có hứng cảm và có khi đến say mê, như khi gặp cuốn Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu từ Nhật gửi về liền đọc đi đọc lại hàng trăm lần, trong vòng một tháng không giờ nào không nghĩ đến cuốn ấy, nhưng nghĩ lại thì không biết trong cuốn ấy có cái gì là đẹp; hoặc “có một độ tôi yêu một người đàn bà đã lấy lòng chí thành đối với tôi mà người đàn bà ấy cũng không đẹp”. (tr. 17-18).

Trần Đằng kể những dịp nhìn ngắm lăng các vua triều Nguyễn, nghe nhạc thiều trong lễ tế Nam giao, đọc một số tác phẩm thơ văn, nghe đào Phùng Há hát khúc Trường Tương Tư hay cô Nhơn ca điệu Vọng Giang Nam,... “trong những lúc đó tôi đều tưởng tâm hồn tôi đã đi đến những nơi tuyệt vời của Nghệ thuật, đã được hưởng những hồi của Nghệ thuật mà có thể gọi rằng của chung nhân loại”; ông thấy mình chưa tìm được cái chung giữa những trường hợp trải nghiệm ấy, chỉ tự thấy rằng trong mỗi trường hợp đó, mình thường tắc lưỡi khen thầm, hoặc hô to lên những câu ca ngợi, hoặc im lặng. (tr. 19-21).

Cô Nhơn, một ca sĩ đương thời được hâm mộ ở Huế, kể lại trường hợp mà cô rất khó quên, ấy là việc mình thoát khỏi được một dị đoan ra sao, khi được yêu cầu hát để thu thanh cho hãng Béka. Cô biết mình vốn “quê mùa”, quen nghĩ theo dị đoan rằng bị máy thu tiếng thì mình sẽ mất giọng hoặc kém giọng đi, nên vừa nhận lời vừa lo lắng, vừa ca trước máy vừa hồi hộp, hoài nghi, lúc về nhà vội thử hát lại để xem giọng mình có kém đi không, đến khi được tặng mấy đĩa ghi lời mình hát, mở ra nghe xong lại tìm chỗ vắng thử lại giọng mình…cứ như thế, từ hoài nghi, hồi hộp đến chỗ mừng vui, cảm động. (tr. 22-24).

Ẩn dụ về cái đẹp trong câu trả lời của bà Đạm Phương

Theo cách của mình, bà Đạm Phương kể ấn tượng “đẹp” bằng một phác họa hoạt động trong nhà Nữ Công Học Hội một buổi sang đầu mùa Hè, “bao trùm một bầu không khí hoạt động vui vẻ khác thường”, chỗ này mấy chị em ngồi thêu, chỗ kia mấy chị em thái dâu chăn tằm, chỗ khác mấy chị em nhanh nhẹn trên khung dệt... Không khí làm việc ấy hòa nhịp với thiên nhiên bên ngoài. “Trước quang cảnh ấy tôi muốn ngâm lên một câu thi, nhưng câu thi ấy nó nghẹn trong lòng tôi rồi. Tôi nhận thấy không có một câu thi nào tuyệt diệu hơn là cảnh ấy nữa. Vì cảnh ấy chính là thi rồi. Một bài thi của tất cả những sự sáng sủa, hoa lệ, hùng hồn của cái sống, cái sống đầy ý nghĩa của những bạn gái trẻ trung hoạt động tự gây dựng lấy một cuộc đời tự lập sau này” (tr. 15-16).

Như vậy, Đạm Phương không nói trực tiếp về một ấn tượng đọng lại do xúc tiếp với một tác phẩm nghệ thuật cụ thể nào; bà phác họa ra một cảnh hoạt động thường ngày ở Nữ Công Học Hội, nơi những người phụ nữ trẻ đang chăm chỉ học nghề, rồi kết luận đó chính là một bài thơ của cuộc sống. Ta có thể xem đây như một ẩn dụ về cái “đẹp” # “đẹp” gắn với tính mục đích của đời sống, gắn với ước vọng thay đổi, làm mới làm tốt đẹp hơn cuộc sống này.

Ta biết, hoạt động xã hội nổi bật của bà Đạm Phương những năm 1920-1930 gắn với ước vọng xây dựng một nền nữ học phù hợp với đời sống hiện đại. Một trong những dấu mốc đáng kể nhất là việc bà sáng lập Nữ Công Học Hội ở Huế, một hội đoàn phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, thúc đẩy những hội đoàn tương tự ở các đô thị khác: Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội... Hoạt động dạy nghề nữ công của Hội trở thành hoạt động có ý nghĩa thực tiễn lớn nhất của Hội này, giúp người phụ nữ vào đời có thể có khả năng tự lập.

Có thể nói, những năm tháng hoạt động của Nữ Công Học Hội đã để lại ở người sáng lập những ấn tượng đẹp đẽ khó phai; vì vậy, khoảng 10 năm sau thịnh thời của Hội, khi được hỏi về những gì làm rung động lòng mình hơn hết, bà đã nhớ ngay đến những ngày hoạt động bình thường nhưng rất đáng nhớ ở hội quán, có lẽ là vào những năm 1927-29.

Có thể luận giải nhiều điều khác nữa từ bài của bà Đạm Phương trả lời câu hỏi mang tính trắc nghiệm về thẩm mỹ của hội Yêu Nghệ thuật. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một khía cạnh từ ẩn dụ mà bà đưa ra trong bài trả lời: # đó, xin nhắc lại, là một quan niệm “đẹp” gắn với tính mục đích của đời sống, gắn với ước vọng thay đổi, làm mới làm tốt đẹp hơn cuộc sống này.

Theo Lại Nguyên Ân - TT&VH















Các bài mới
Các bài đã đăng