Tạp chí Sông Hương -
Phẩm giá của sự khước từ
15:35 | 06/06/2011
Tuần qua, giải văn chương Man Booker International 2011 vừa công bố danh sách rút gọn gồm 13 tác giả đến từ tám nước, trong đó, có bốn tác giả nữ và năm tác giả thuộc khu vực ngoài Anh ngữ có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh. Sự kiện trên càng thu hút sự quan tâm, khi John le Carré, nhà văn trinh thám danh tiếng – một trong 13 cái tên vào vòng chung khảo – đề nghị được rút khỏi danh sách này.
Phẩm giá của sự khước từ
John le Carré với tác phẩm mới nhất.
“Tôi vô cùng hãnh diện khi được lọt vào danh sách rút gọn của giải Man Booker International. Tuy nhiên, tôi xin được rút tên khỏi nó vì không muốn tranh đua gì ở các giải văn chương” – Curtis Brown, người đại diện của nhà văn (literary agent) đã truyền đạt quan điểm của John le Carré tại buổi họp báo sau đó. Rick Gekoski, trưởng ban xét giải Man Booker International năm nay xác nhận rằng, nhiều vị trong ban tổ chức dành sự ngưỡng mộ, trân trọng với văn chương John le Carré, đặc biệt, qua tác phẩm The spy who came in from the cold (Ðiệp viên đến từ xứ lạnh) của ông.

Trong khi đó, trên trang web johnlecarre.com của nhà văn này, một độc giả có nick name Alan Klaw nhận xét ông đúng là một “enigmatic man” (người bí ẩn). Một độc giả khác, có lẽ từ Nhật Bản, nick name Shiro Honda, cho rằng “đó là Carré mà chúng ta biết”.

Không chỉ bằng những tác phẩm trinh thám dẫn dụ bởi trùng trùng bí mật, dẫn dắt người đọc vào những mê lộ bất ngờ, nhà văn tuổi 70 này còn gây tò mò cho độc giả bởi sự kín tiếng trong đời sống. Ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học trinh thám thế kỷ 20 với sự nghiệp khá đồ sộ: là tác giả 22 tiểu thuyết nổi tiếng (mới nhất là cuốn Our kind or traitor, xuất bản 2010), bốn tập truyện ngắn và nhiều tiểu luận, kịch bản phim nhựa, sách phi hư cấu…

Bạn đọc Việt Nam đã biết đến John le Carré qua hai tiểu thuyết: Đợi chờ (Văn Hoà, Nhất Anh dịch, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2005), Người tình Panama (Tiêu Huyền dịch, NXB Thanh Niên, 2008).

Việc các nhà văn lớn tự rút tên khỏi bảng đề cử, từ chối nhận giải thưởng lớn đến nay, không mới. Trong quá khứ, ít nhất đã có ba vụ rút tên khỏi giải văn chương gây xôn xao dư luận: nhà thơ Thuỵ Điển Erik Axel Karlfeldt xin rút khỏi bảng đề cử giải Nobel 1912 và phải đợi đến 1931, sau khi ông mất, viện Hàn lâm Thuỵ Điển truy tặng ông giải thưởng danh giá này; nhà văn Boris Leonidovich Pasternak, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Bác sĩ Zhivago đã từ chối nhận giải Nobel văn chương trong mười năm liền vì những áp lực chính trị trong nước; triết gia, nhà văn Jean-Paul Sartre cũng từ chối nhận giải Nobel văn chương 1964.

Ngoài những lý do khách quan, việc các nhà văn lớn tự đề nghị rút tên khỏi đề cử giải thưởng luôn đặt ra cho giới quan tâm về tầm vóc, uy tín giải thưởng và cả tầm vóc nhà văn. Có những nhà văn khi đoạt giải, tác phẩm đã có ảnh hưởng rộng lớn, dư sức làm sang cho giải thưởng. Cũng có những nhà văn sau khi nhận giải, thì lu mờ theo thời gian. Tính tương đối trong ghi nhận ở các giải thưởng văn chương dù uy tín đến đâu, cũng không thay thế cho sức sống tác phẩm, là trung tâm sáng tạo của nhà văn, là cây cầu sống còn kết nối nhà văn và cộng đồng độc giả. Mỗi khi có một nhà văn từ chối giải thưởng lớn, dư luận lại có dịp đặt ra câu hỏi: điều gì thực sự quan trọng với một nhà văn, văn nghiệp?

John le Carré, trong diễn ngôn của mình, cũng khẳng định quan điểm của một người viết quyết liệt trong cách nhìn nhận giá trị văn chương. Vì thế, việc ông thẳng thắn khước từ những giải thưởng, xưng tụng nằm ngoài tác phẩm cũng là một phẩm giá quan trọng hơn cả khi ông sở hữu giải thưởng này.
 
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT


















 
Các bài mới
Các bài đã đăng