Tạp chí Sông Hương -
Hiện diện để khẳng định chủ quyền
16:49 | 09/06/2011
Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN tại Diễn đàn kinh tế biển VN 2011, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 8.6, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Hiện diện để khẳng định chủ quyền
Hải đăng ở xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa

Khẳng định chủ quyền thực tế

Đề cập đến định hình chiến lược kinh tế biển VN, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh vấn đề “hiện diện để khẳng định chủ quyền”. Ông phân tích: “Thực lực hiện diện của VN trên các vùng biển và đại dương đã được xác lập và khẳng định, song chưa đủ mạnh. Chúng ta không dừng lại ở “chủ quyền lãnh hải” tại biển Đông mà cần đặc biệt chú ý đến việc khẳng định sự hiện diện đại dương (trên các vùng biển quốc tế). Đây là cách chứng tỏ năng lực khẳng định chủ quyền thực tế, năng lực chinh phục, vươn xa thực sự của VN. Đây cũng là cách để thoát khỏi lối tư duy và phương thức sinh tồn “quay lưng ra biển”, “đánh bắt gần bờ”, thiếu ý chí và văn hóa chinh phục”.

Để thực hiện mục tiêu trên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần tập trung ưu tiên phát triển lực lượng hàng hải viễn dương và khẩn trương vươn lên thành cường quốc hàng hải; xác lập và tăng cường các tuyến bay qua các hành lang biển; củng cố và phát triển các đảo thuộc chủ quyền ở tất cả các khía cạnh khẳng định chủ quyền - không chỉ quân sự mà tập trung mạnh các khía cạnh chủ quyền dân sự: dân cư, kinh tế, văn hóa; phát triển nhanh, mạnh du lịch biển đảo với tư cách là một hình thức hiện diện chủ quyền được thừa nhận quốc tế; hình thành một số dự án nghiên cứu, khai thác kinh tế biển, nhất là các dự án ở vùng biển xa, có tầm cỡ, chú trọng liên doanh với nước ngoài (các tập đoàn lớn) với những điều kiện thỏa đáng và đặt trong tầm nhìn chiến lược. Ngoài ra, cần ưu tiên xây dựng một số cứ điểm phát triển chiến lược mạnh ven biển. Những cứ điểm này là các tổ hợp phát triển lớn bao gồm đô thị biển, cảng biển lớn, khu kinh tế mở (hay khu kinh tế tự do).

Âu thuyền ở xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa


“Đã đến lúc cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển. Phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc” sang phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền (biển - lợi thế địa chiến lược) và tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển và trở thành cường quốc biển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Khu kinh tế tự do ven biển


“Chúng ta không dừng lại ở “chủ quyền lãnh hải” tại biển Đông mà cần đặc biệt chú ý đến việc khẳng định sự hiện diện đại dương (trên các vùng biển quốc tế). Đây là cách chứng tỏ năng lực khẳng định chủ quyền thực tế, năng lực chinh phục, vươn xa thực sự của VN.”

PGS.TS Trần Đình Thiên


Ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhấn mạnh: “VN đang trong tiến trình hội nhập với thế giới. Vì vậy, đối với biển, chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra một đường lối hợp tác hiệu quả với các quốc gia nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng để các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn”.

PGS.TS Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đề xuất: “Trong tư duy phát triển kinh tế biển, cùng với việc xây dựng hệ thống các khu kinh tế ven biển, có thể nghiên cứu lựa chọn một vài khu xây dựng thành các khu kinh tế tự do ven biển, nhằm tạo ra sự đột phá đủ lớn, mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế biển với mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, nhìn chung, các khu kinh tế tự do thành công đều có chung đặc điểm: thể chế hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng và mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn, trở thành nơi hội tụ của đông đảo các công ty hàng đầu thế giới. Vì vậy, khi chọn một khu kinh tế ven biển để tập trung phát triển, VN nên quan tâm đến kinh nghiệm này.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, người tham gia phản biện tại diễn đàn cho biết: nhìn chung, cơ cấu kinh tế biển của các địa phương không có tầm nhìn quốc gia, nguồn lực đầu tư phân tán, nên kém hiệu quả. Dẫn chứng, các tỉnh duyên hải từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đầy tiềm năng về biển, nhưng hiện nay chỉ có Đà Nẵng và Khánh Hòa đóng góp ngân sách, còn lại là tỉnh nghèo. Ngoài ra, tình trạng một lĩnh vực kinh tế biển nhưng quá nhiều bộ, ngành quản lý đã gây ra sự chồng chéo, làm hạn chế việc phát triển. “Sau diễn đàn này, chúng ta nên kiến nghị Chính phủ cần phải giao trách nhiệm cho một bộ hoặc văn phòng chịu trách nhiệm xử lý đồng bộ những nội dung về phát triển kinh tế biển”, ông nói.


Quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển, đảo của đất nước

Phát biểu khi ra thăm quân và dân huyện đảo Cô Tô nhân dịp chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ninh ngày 7.6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định, nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển, đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày hôm nay. Vì vậy chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

                                                                   TTXVN



                                                                                     Theo Thiện Nhân - TNO
















Các bài mới
Các bài đã đăng
Sử thi… cháy (09/06/2011)