Tạp chí Sông Hương -
Những thiên thần của danh họa Picasso: Nàng Eva của tôi
08:53 | 14/06/2011
Sau 9 năm chung sống với người tình đầu tiên - Fernande Olivier, vào năm 1911, Pablo Picasso gặp Eva Gouel và bước vào vòng xoáy của mối tình mới.
Những thiên thần của danh họa Picasso: Nàng Eva của tôi
Bức ảnh đen trắng duy nhất còn lại của Eva Gouel

Với Picasso, nhu cầu yêu và được yêu luôn mãnh liệt. Nếu thiếu vắng tình yêu có lẽ sẽ không có danh họa Picasso - một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Có lần danh họa thổ lộ: “Tôi không thể vẽ nếu như không biết rằng ở phòng bên cạnh có một người phụ nữ đang chờ tôi”.

Dường như với phụ nữ, quả là nan giải khi đứng trước Picasso. Dòng máu Tây Ban Nha sôi động, mãnh liệt luôn chảy trong huyết quản của con người đầy tài năng này. Ánh mắt biết nói của Picasso dường như có thể khuất phục bất cứ phụ nữ nào. Năng lượng tình yêu (hay chính xác hơn là tình dục) của ông quá mạnh để có thể cuốn phăng bất cứ vật cản nào. Chuyện tình của ông với Eva Gouel (tức Marcelle Humbert) minh chứng cho điều này.

Picasso đến với Eva Gouel trong tình thế khá phức tạp. Khi đó ông vẫn còn chung sống với Fernande Olivier, còn Eva Gouel lại là người yêu của bạn ông - họa sĩ Louis Marcoussis, người Ba Lan. Hơn thế, Picasso và Marcoussis khá tâm đầu ý hợp, khi cả hai đều theo đuổi trường phái lập thể. Khi Olivier đòi Picasso tổ chức đám cưới thì ông bắt đầu chán người đẹp này. Trong mắt Picasso lúc đó Olivier là người đàn bà nguội ngắt, còn ngoại hình trông quá ngán.

Eva Gouel lại là hình ảnh hoàn toàn đối lập với Olivier. Vóc dáng của Eva kiểu mình hạc xương mai, còn tính cách dịu dàng, có phần yếu đuối, tạo cảm giác đụng nhẹ vào là sẽ vỡ. Năm 1911, hai người gặp nhau tại quán cà phê Hermitage ở Paris. Khi đó Picasso 31 tuổi, còn Eva Gouel 27 tuổi. Cuộc gặp gỡ định mệnh đó lại thắp sáng ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ thiên tài. Ông vẽ bức chân dung Người đẹp của tôi (1911) theo trường phái lập thể với tốc độ nhanh khủng khiếp.

Khi Picasso vừa hoàn tất tác phẩm, một lần nọ, nữ văn sĩ người Mỹ - Gertrude Stein đến thăm ông. Bà nhìn thấy bức tranh rồi nói: “Đây không phải là Fernande Olivier!”. Đúng như thế, trên nền vải là hình ảnh của người phụ nữ đã thay thế Olivier để chiếm chỗ trong trái tim danh họa. Nói cách khác, bức Người đẹp của tôi là sự thú nhận và là lời tỏ tình của Picasso với Eva.

Bức tranh Vĩ cầm - Tôi yêu Eva


Như hai thỏi nam châm hút vào nhau, Picasso và Eva ngay lập tức chia tay người mình đang yêu để bước vào cuộc tình mới. Việc danh họa yêu người yêu của bạn quả là “chuyện khó chấp nhận”, khiến những người quen biết đàm tiếu. Để tránh mọi sự dị nghị, Picasso cùng Eva rời nước Pháp, du ngoạn tại nhiều nơi ở châu Âu. Họ chỉ muốn luôn luôn bên nhau mà không có một ai khác xen vào chuyện tình cảm của mình.

Picasso rất sung sướng khi gọi Eva Gouel là Eva - người phụ nữ đầu tiên trên trái đất.

Mối tình của Picasso với Eva trùng với giai đoạn ông chuyển từ trường phái lập thể phân tích sang trường phái lập thể tổng hợp. Với trường phái lập thể phân tích, Picasso cũng như Braque đã mạnh dạn phá bỏ cách phản ánh đối tượng biểu hiện được hiểu theo truyền thống, xóa đi ranh giới giữa hình thức cổ điển và không gian của bức tranh. Trường phái này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm Khỏa thân - Tôi yêu Eva mà Picasso hoàn thành vào năm 1912.

Cũng cần nói thêm, các họa sĩ theo phong cách lập thể nói chung và Picasso nói riêng ban đầu bị giới phê bình mỹ thuật phê phán lối vẽ hình họa của họ. Còn Picasso trong khi theo đuổi trường phái lập thể, ông thể nghiệm cả nghệ thuật châu Phi khi khắc họa các gương mặt như những chiếc mặt nạ hay thân hình phụ nữ đầy góc cạnh với những “nhát chém” sắc lẹm.

Công bằng mà nói, trong nghệ thuật nói chung, những người khai phá con đường mới thường mong muốn phá bỏ cái cũ. Chẳng thế mà thủ lĩnh thơ ca của Chủ nghĩa vị lai - nhà thơ người Nga Vladimir Mayakovsky lúc sinh thời từng lên tiếng đòi đốt bỏ thi ca của các nhà thơ cổ điển Alexander Pushkin hay Mikhail Lermontov. Với Picasso không đến mức thế, nhưng ông cùng các đồng nghiệp đã tách khỏi hội họa truyền thống từ thời Phục hưng chỉ dùng một diện đơn thuần, bị giới hạn để thể hiện nhiều diện của một đề tài trên cùng một khung vải để diễn tả nhiều ý tưởng.

Theo đuổi trường phái lập thể tổng hợp, Picasso cố gắng thể hiện sao cho bề mặt của bức tranh có giá trị như chính đối tượng được phản ánh. Ông chú trọng đến bề mặt của vải gai (vải phíp) của tác phẩm, dùng các thủ pháp trang trí để nhấn mạnh chi tiết từ tảng đá, đến cây cảnh… Bức tranh: Vĩ cầm - Tôi yêu Eva (1912) là một điển hình của trường phái lập thể tổng hợp.

Trở lại với người đẹp Eva Gouel, quả là đáng ngạc nhiên khi Picasso không vẽ bức chân dung nào ngợi ca vẻ đẹp bên ngoài của nàng. Rong ruổi cùng Eva ở châu Âu, đến năm 1915, Picasso có ý định cưới nàng làm vợ, nhưng vóc dáng mình hạc xương mai của cô lại ẩn chứa căn bệnh hiểm nghèo: lao phổi. Vào mùa xuân năm 1915, người tạo nguồn cảm hứng để Picasso theo đuổi trường phái lập thể tổng hợp đã qua đời tại bệnh viện.

Hạnh phúc tràn trề bỗng quay mặt với danh họa. Trong những ngày Eva bệnh nặng, Picasso viết thư cho một người bạn: “Cuộc sống của tôi quả là địa ngục. Cả tháng trời Eva đau ốm, nằm trong bệnh viện, còn tôi buộc phải ngừng công việc của mình”. Than thở là thế, nhưng khi Eva ra đi, trong một bức thư khác Picasso viết: “Eva nhỏ bé của tôi đã chết… đau đớn quá… cô bé tội nghiệp thật dịu dàng với tôi…”. Người ta bảo Picasso là người thô bạo trong tình yêu, nhưng thực tế ông là người tình nhiệt thành. Bởi vấn đề không phải là một tình yêu lâu dài, bền chặt mà là yêu như thế nào.

                                                                                         Theo Hoàng Hoài Sơn - TNO














Các bài mới
Các bài đã đăng
Lòng yêu nước (13/06/2011)