Tạp chí Sông Hương -
Tiếp tục “cuộc chiến” phí bản quyền: Giữa mê hồn trận
08:27 | 15/06/2011
Theo cách tính của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, mỗi năm có thể thu phí tác quyền lên đến hàng ngàn tỉ đồng từ những hoạt động có sử dụng tác phẩm âm nhạc nhưng thực tế họ chỉ mới dừng lại mức vài chục tỉ đồng
Tiếp tục “cuộc chiến” phí bản quyền: Giữa mê hồn trận

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương biểu diễn trong live show Sắc màu trên sân khấu Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TPHCM). Ảnh: Xuân Thảo

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã có nhiều nỗ lực trong những năm qua trong việc vận động và yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng tác phẩm âm nhạc thực thi nghĩa vụ đóng phí tác quyền. Tuy nhiên, VCPMC cũng đang “bơi” trong muôn trùng khó khăn, trong đó khó khăn nhất là cơ sở để thuyết phục khách hàng của mình đóng phí.

Những phép tính thiếu căn cứ

Theo cách tính của VCPMC, đối với lĩnh vực xuất bản sách nhạc, băng đĩa nhạc (bao gồm CD, VCD, DVD dùng cho karaoke) và các hình thức khác, mức phí được tính theo công thức 10% x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng xuất bản phẩm. Nhưng lại ấn định mức giá tối thiểu được tính là 100.000 đồng/bài/lần xuất bản đối với sách, 250.000 đồng/bài/lần xuất bản đối với băng, 1 triệu đồng/lần xuất bản đối với CD và VCD; riêng đối với DVD, con số này là 1,5 triệu đồng/lần xuất bản.

Tương tự, đối với MD file, mức phí được tính theo công thức 8% x giá bán x số lượng xuất bản phẩm và mức giá thấp nhất đưa ra là 350.000 đồng/bài/lần xuất bản. Các bản demo các tác phẩm cài trong các thiết bị điện tử (đàn, đồng hồ), mức giá được tính là 8% x giá bán x số lượng, mức giá tối thiểu là 3,5 triệu đồng/lần xuất bản. Những mức tính tỉ lệ % nói trên chỉ được áp đặt từ phía VCPMC, chưa có sự thỏa thuận của phía sử dụng.

Chỉ riêng tỉ lệ 10% và 8% mà VCPMC đưa ra cũng mang tính áp đặt, vì theo quy định của Nghị định 61 không có mức chung 10% cho tất cả các loại xuất bản phẩm như đã kể. Hơn nữa, làm sao có mức tối thiểu như trong cách tính của VCPMC khi chưa biết được giá bán sản phẩm và số lượng sản phẩm mà phía đơn vị, cá nhân sử dụng tác quyền cam kết đưa ra.

Đối với các quán karaoke, phòng thu âm, tiền phí được thu theo phòng/năm và được chia theo 4 loại TP. Mức phí sẽ chênh lệch giữa các quận, huyện trong cùng một TP.

Thu theo số ghế và mét vuông

Trong lĩnh vực biểu diễn, VCPMC lập ra công thức tính tác quyền và quy định thành quy chế để áp dụng tính phí tác quyền cho các đối tác sử dụng. Theo đó, việc tính tác quyền của một chương trình biểu diễn được chia thành hai trường hợp. Đối với những chương trình biểu diễn không bán vé, mức phí tác quyền cho một ca khúc khi sử dụng sẽ được tính ở mức trung bình là 300.000 đồng/bài.

Với trường hợp chương trình có bán vé thì công thức tính áp dụng như sau: Trong nhà hát, cách tính phí một ca khúc là 75% số ghế x giá vé bình quân x 5% phí sử dụng; ở sân khấu biểu diễn ngoài trời, 60% lượng vé bán ra x giá vé bình quân x 5%. Đây cũng là cách tính chưa khoa học vì có chương trình bán hết 100% số ghế nhưng cũng không ít chương trình chỉ bán được dưới 50% số ghế, thậm chí không đáng kể nhưng nhà tổ chức phải đóng đủ theo cách tính của VCPMC vì không đóng đủ sẽ không được cơ quan chức năng cấp phép công diễn.

Riêng đối với vũ trường/CLB đêm thu theo diện tích (m2)/năm, theo từng loại TP. Theo đó, đối với diện tích dưới 200 m2 ở Hà Nội, TPHCM, mức thu là 12 triệu đồng, với mỗi 10 m2 tăng thêm là 420.000 đồng.

Mức thu ở các nhà hàng, quán cà phê, giải khát, nếu từ 30 chỗ ngồi trở xuống, chỉ sử dụng bản ghi âm, ghi hình là 2,5 triệu đồng/năm, mỗi chỗ ngồi tăng thêm là 70.000 đồng. Nếu sử dụng cả bản ghi âm, ghi hình và nhạc sống (hát với nhau) thì mức thu là 4,5 triệu đồng/năm và mỗi chỗ ngồi tăng thêm là 130.000 đồng/năm. Tại quán bar, từ 30 chỗ ngồi trở xuống, mức thu nếu chỉ sử dụng bản ghi âm, ghi hình là 3,5 triệu đồng/năm, trường hợp sử dụng cả nhạc sống thì mức giá lên đến 6 triệu đồng/năm.

Thực tế, VCPMC chưa thu được bao nhiêu phí tác quyền ở những lĩnh vực kể trên vì vấp phải sự phản ứng của người sử dụng do các cách tính cũng như mức phí VCPMC đưa ra chưa có cơ sở thuyết phục.

Phát thanh - truyền hình không dễ thu

Ở lĩnh vực phát thanh, VCPMC đặt ra 3 mức thu: trọn gói theo kênh phát sóng (dựa trên mức độ và các hình thức sử dụng đối với từng kênh phát sóng); thu theo hình thức sử dụng và thu trọn gói theo tỉ lệ % doanh thu của đài. Sau thời gian dài thương thuyết, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và VCPMC đã ký kết hợp đồng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2009) về việc trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong nước cũng như quốc tế được phát sóng từ VOV1 đến VOV5, trên website và trên sóng phát thanh có hình của VOV.

Ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho đến tận thời điểm này vẫn từ chối cho biết giá trị của bản hợp đồng, tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên thì số tiền mà VOV trả cho VCPMC rất khiêm tốn so với công thức thu mà VCPMC đưa ra hiện nay.

Đối với truyền hình miễn phí, VCPMC cũng đưa ra 3 hình thức thu như đối với các đài phát thanh. Tuy nhiên, mức thu thì cao hơn nhiều. Đơn giá trong các chương trình có tài trợ hoặc quảng cáo là 300.000 đồng/tác phẩm/lượt phát, trong các chương trình không có tài trợ 100.000 đồng/tác phẩm/lượt phát. Đối với thu trọn gói theo tỉ lệ % doanh thu của đài, mức thu bản quyền bằng 0,4% doanh thu.

Sau 3 năm ký kết hợp đồng trả tiền bản quyền âm nhạc với VCPMC, năm 2008, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức tự trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ mà không qua VCPMC. Theo VTV, lý do của việc này là vì VCPMC đưa ra cách tính không hợp lý. VTV cho rằng việc VCPMC đưa ra mức thu quá lớn, thiếu cơ sở xác thực có thể làm việc quảng bá các tác phẩm âm nhạc Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt, vì vậy VTV sẽ tự mình giải quyết vấn đề tác quyền âm nhạc theo luật định.


Căn cứ pháp lý của VCPMC

Lý giải về các mức thu này, nhân viên của VCPMC cho biết họ căn cứ vào Bộ Luật Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2006), Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Nghị định 61 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút, căn cứ vào chức năng quyền hạn của VCPMC và các mức thu tiền sử dụng bản quyền âm nhạc thế giới do Liên minh Quốc tế các hiệp hội tác giả và nhạc sĩ cung cấp cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong các bộ luật và văn bản dưới luật mà VCPMC dẫn ra chỉ có Nghị định 61 của Chính phủ là có quy định cụ thể cách tính về nhuận bút tác quyền cho lĩnh vực xuất bản phẩm.
Tổng kết hoạt động năm 2010, VCPMC công bố mức thu từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong năm là 32,5 tỉ đồng. Trong đó, những nguồn thu chủ yếu gồm bản quyền nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, VCPMC cũng cho biết nếu thu đúng, thu đủ như cách tính của họ, con số thu mỗi năm lên đến hàng ngàn tỉ đồng.



                                                                                   Theo Hoàng Lan Anh - NLĐO














Các bài mới
Các bài đã đăng