Cuộc sống với Olga Khokhlova ngày càng đi vào bế tắc. Nữ nghệ sĩ ballet người Nga này đòi hỏi ở Picasso quá nhiều. Có lần Olga đưa cho ông xem bức tranh của Rembrandt rồi nói: “Anh sẽ không bao giờ trở thành họa sĩ thời thượng như thế”. Thực tế thì danh họa ngày càng nổi tiếng, không chỉ ở Mỹ mà còn cả ở Thụy Sĩ, Anh. Ngay sau cuộc triển lãm Chủ nghĩa trừu tượng của Picaso tại New York, Mỹ, vào tháng 1.1931 là cuộc trưng bày 37 bức tranh của ông tại phòng tranh Reid-Lefevre ở London. Đây được coi là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của thủ đô nước Anh lúc bấy giờ.
Cuộc sống mở trong nghệ thuật của Picasso hoàn toàn đối lập với sự gò bó, trong khuôn khổ gia đình mà Olga cố tình tạo nên. Một mặt, Picasso mong ước giữ gìn hạnh phúc gia đình, mặt khác ông rất cần tự do để sáng tạo và ông tự dần giải phóng mình khỏi Olga. Nhưng nghịch lý ở chỗ, nếu thiếu phụ nữ, danh họa lại không có đủ cảm hứng để sáng tác. Có lần, ông thổ lộ: “Tôi sợ mình sẽ chết mà không kịp yêu một ai”. Và Marie-Therese Walter như một lối thoát cho ông.
Vào ngày 8.1.1927, Picasso ghé vào phòng tranh Lafayette ở Paris. Nơi đây, ông gặp cô gái 17 tuổi tóc bạch kim là Marie-Therese Walter. Ở tuổi trăng rằm, vẻ đẹp đầy đặn, nét ngài nở nang của Marie khiến danh họa mê mẩn. Cuộc gặp gỡ tình cờ này bắt đầu một giai đoạn quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật của Picasso. Chỉ sau 3 lần đến xưởng vẽ của Picasso làm người mẫu, Marie đã “chết” và ngã vào vòng tay người họa sĩ tràn đầy sinh lực.
Cần nhắc lại rằng, trong khi Marie mới 17 tuổi thì Picasso đã bước sang tuổi 47 và vẫn chung sống với Olga Khokhlova cùng đứa con trai Paulo đã 5 tuổi. Do Marie đang ở tuổi vị thành niên, nên mối tình của Picasso với cô buộc phải giữ bí mật. Tuy thế, sự hiện diện của cô gái trẻ này trong các tác phẩm của Picasso lại rất rõ nét.
Cùng với hình tượng Marie-Therese trong “giai đoạn siêu thực”, là sự thể hiện “tính nữ” - sự dịu dàng, trong sáng tạo của Picasso. Thay thế cho mạch cảm xúc căng cứng, đứt gãy (bức Điệu múa - 1925) là những đường nét tròn trịa hoàn chỉnh. Thân hình phụ nữ trong tranh Picasso giờ đây vừa rắn rỏi lại vừa dịu dàng. Nét vẽ vốn dĩ tràn đầy sinh khí lại nhịp nhàng, uyển chuyển hơn bao giờ hết. Các đặc trưng này thể hiện trong các bức tranh mà Picasso vẽ vào năm 1932 như: Giấc mơ, Người phụ nữ và hoa, Khỏa thân trên ghế, Gương, Cô gái trước gương...
Phần lớn các bức tranh Picasso vẽ Marie đều bị chi phối bởi sắc màu nhẹ nhàng khởi nguồn từ cơn say tròng trành của nhục dục. Điều này phản ánh quan hệ của Picasso với Marie-Therese, là mối quan hệ cộng sinh. Cô gái trẻ trung này là người tình tuyệt vời hay chính xác hơn là “trò chơi” của danh họa.
Tuy vậy, Marie vẫn chấp nhận đóng vai phụ trong cuộc sống của danh họa. Có lẽ vì thế mà tuy tính khí ngang tàng nhưng Picasso rất chiều chuộng cô gái trẻ. Vào năm 1930, ông mua tòa lâu đài cổ Boisgeloup ở Normandy, Pháp, làm nơi để vẽ tranh và là nơi ở của Marie. Tại đây, danh họa đã sáng tạo nhiều bức tượng người tình. Một trong số đó là Người phụ nữ và bình hoa, hiện được đặt cạnh mộ của Picasso.
Sống bên cô gái trẻ trung Marie, Picasso có nhiều cảm hứng để vẽ tranh. Thời kỳ này ông vẽ khá nhiều và đạt đến một đẳng cấp mới trong nghệ thuật. Bức Khỏa thân - Những chiếc lá xanh và bầu ngực (Nude, Green Leaves and Bust) mà Picasso vẽ Marie vào năm 1932 đã đạt giá 106,5 triệu USD do nhà đấu giá Christie, New York, tiến hành vào tháng 3.2010. Khi đó tác phẩm này lập kỷ lục thế giới về số tiền trả cho một bức tranh nghệ thuật. Vào tháng 3.2011, bức tranh này lần đầu tiên được trưng bày tại Tate Modern, London và được coi là sự kiện văn hóa lớn tại Anh.
Vào năm 1935, Marie sinh cho Picasso một đứa con gái, là Maya. Sự xuất hiện của con gái yêu cũng gây cảm hứng cho Picasso. Ông vẽ nhiều tranh về con gái, trong đó bức Maya với búp bê, phản ánh tâm trạng vui vẻ của danh họa. Cũng trong năm 1935, Olga Khokhlova biết tin Picasso có con gái, cô chia tay Picasso và mang đứa con trai đi theo. Việc chia tay với vợ chính thức ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp nghệ thuật của danh họa. Ông cảm thấy mất thăng bằng và ít vẽ hơn. Trong các tác phẩm của Picasso không còn thấy các sắc màu vui tươi, lãng mạn.
Bước qua năm 1936, trong cuộc sống của Picasso lại xuất hiện thêm một người tình khác. Đó là Dora Maar. Có thể khi đó ông đã không còn cảm thấy cần Marie nữa. Hay đúng hơn là, sau khi sinh con người đẹp này cũng phạm “sai lầm” khi đòi hỏi Picasso phải tổ chức đám cưới - điều mà dường như ông không bao giờ muốn.
Marie không thể tha thứ cho Picasso về chuyện phụ tình. Tuy thế suốt cả đời mình, Marie vẫn hy vọng một ngày nào đó Picasso sẽ cưới cô, nhưng tiếc thay điều này đã không diễn ra. Hy vọng càng nhiều thất vọng càng lớn. Vào ngày 20.10.1977, 4 năm sau khi Picasso qua đời, Marie-Therese đã treo cổ tự tử tại thành phố nghỉ dưỡng Juan Les Pins, miền nam nước Pháp.
Theo Hoàng Hoài Sơn - TNO
|