Trưởng BGK Ngô Quỳnh Giao cho biết, việc tổ chức LH quy tụ 18 phường rối dân gian này cũng là cách để ngành văn hóa điểm danh và khảo sát về số phận những cái nôi từng khai sinh ra nghề rối.
Dù là Chàng Sơn, Thạch Xá của Hà Nội, Đông Các, Nguyên Xá của Thái Bình hay Thanh Hải của Hải Dương, các phường rối dân gian dự LH đều gặp nhau ở một điểm chung: không “kiếm cơm” bằng nghề rối. Ngoài nghề chính là làm ruộng, hầu hết họ đều sinh sống bằng đủ thứ nghề khác như chạy chợ, sửa xe, buôn bán nhỏ... Đặc biệt, hơn hai chục nghệ nhân của phường rối Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đều là thợ nề, chuyên trang trí điền viên; đắp rồng, phượng ở đình chùa khắp nơi. Thu nhập bình quân vài triệu đồng/ tháng, cộng thêm số tiền mà nghề múa rối mang lại là tất cả để họ nuôi gia đình và gắn bó với phường.
Nếu thống kê, số buổi diễn mà một phường rối thành danh thực hiện trong năm không hề ít. Đơn cử, năm 2010, phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) diễn hơn 100 buổi. Còn từ đầu năm 2011 tới giờ, con số ấy vào khoảng 60. “Hình thức thì đủ cả: khách du lịch theo tour tới làng, được Bảo tàng Dân tộc học mời lên Hà Nội, rồi tham gia các hội chợ, lễ lạt tại đình chùa” - ông Nguyễn Trọng Đường (trưởng phường) kể. Giá thông thường cho mỗi buổi diễn như vậy khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, với một phường rối lên tới bốn chục người và có cả trăm khoản chi, số tiền còn lại cho các nghệ nhân rối sau khi trừ chi phí là không nhiều. Như lời ông Đường, cao nhất là Festival Huế năm 2005, phường Nguyên Xá diễn ròng rã cả tuần, lúc khấu trừ xong các khoản thì mỗi người được một chỉ vàng cầm về.
Nói như lời các nghệ nhân, “nghề rối nào chẳng có trạng nguyên”, mỗi phường rối trong 18 đơn vị dự LH đều có những “ngón tủ” riêng để làm nên thương hiệu của mình trong mặt bằng chung của nghệ thuật rối. Đơn cử như rối nước, chỉ với những trò cổ như Tễu giáo đầu, Bật cờ, Cáo bắt vịt, Múa tiên, Đốt pháo phất cờ... mỗi phường rối lại có những kĩ thuật rất riêng để biểu diễn cho mình.
Phường Nguyên Xá trước kia có tới 70 cụ nghệ nhân, mỗi cụ có một vài ngón “tủ” riêng chỉ truyền lại trong gia đình. Mãi tới khi lập phường, những trò diễn ấy mới được mang ra truyền lại và lắp ghép, sáng tạo thêm.
Trên thực tế, trước giai đoạn 1954 (thời điểm múa rối được đưa lên thành phố và dần tổ chức thành các nhà hát “chính thống”), rối đã có hàng trăm năm tồn tại trong không gian riêng của vùng đồng quê chiêm trũng. Cố gắng tồn tại, phải chăng gánh nặng của các phường rối dân gian cũng nằm trong cái khó chung của những nghề truyền thống trong cơn lốc “đô thị hóa” như hiện nay?
Theo Minh Châu – TT&VH
|