Tạp chí Sông Hương -
Tiểu thuyết Pháp nhìn vào nước Pháp
10:24 | 20/06/2011
Việc Frédéric Beigbeder và Michel Houellebecq mấy năm gần đây nhận mấy giải thưởng văn chương danh giá hạng nhất của nước Pháp không chỉ cho thấy một sự thay đổi nhất định trong tiếp nhận và đánh giá của công chúng đối với “những đứa con hư” như hai nhà văn nhiều tai tiếng ấy, mà còn làm nổi bật lên một điều: tiểu thuyết Pháp ngày càng có xu hướng nhìn vào những vấn đề lớn hơn phạm vi các cá nhân đơn lẻ.
Tiểu thuyết Pháp nhìn vào nước Pháp
Ảnh: Iternet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Với nhiều người nước ngoài (và không ít thành viên giới văn chương Pháp), Michel Houellebecq là một trong những cái tên không thể không nhắc tới của văn đàn Pháp hiện nay, nhà văn Pháp có sự hiện diện mạnh mẽ nhất bên ngoài biên giới nước Pháp, nhưng ở ngay tại Pháp thì ông lại không nhận được các giải thưởng lớn, nhất là cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình, Hạt cơ bản, xuất bản cách đây đã hơn mười năm. Cho tới năm 2010 vừa rồi, Viện Hàn lâm Goncourt mới quyết định trao giải thưởng quan trọng nhất trong tổng số hàng trăm giải thưởng ở Pháp này cho Houellebecq (tiểu thuyết La carte et le territoire - Bản đồ và vùng đất). Vậy là một năm sau khi giải Renaudot trao cho Một tiểu thuyết Pháp của Frédéric Beigbeder (đã có bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Trần Kiên, Nhã Nam & NXB Văn học, 2011), đến lượt Houellebecq cũng theo chân người bạn hiếm hoi của ông vào danh sách những người nhận các giải thưởng lớn. Trước đây Houellebecq cũng từng nhận một số giải thưởng nhỏ, trong đó có giải thưởng Flore do chính Beigbeder lập ra.

 

Điều đáng nói là tình hình giải thưởng hai năm vừa rồi tại Pháp, nếu xét về mặt chủ đề và tên gọi của các tác phẩm, gần như lặp lại kịch bản của mùa giải thưởng năm 2004, năm giải Femina về tay Une vie française (Một cuộc đời Pháp) của Jean-Paul Dubois và đặc biệt hơn, giải Renaudot được trao cho cuốn tiểu thuyết viết trước đó đến hàng chục năm, Suite française (Tổ khúc nước Pháp; ở Việt Nam đã có một bản dịch mang tên Bản giao hưởng Pháp). Nhan đề mấy cuốn sách này đều có yếu tố “nước Pháp” (Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq cũng chứa đựng nhiều suy tư về hiện tình và nhất là tương lai của nước Pháp); dường như các nhà văn Pháp bắt đầu nhìn rộng ra bên ngoài cuộc sống các cá thể và những miêu tả “xung quanh lỗ rốn” thường được người ta dùng để đặc trưng hóa cho văn chương Pháp vài thập niên vừa qua, vừa mất đi tầm vóc phổ quát vừa sa đà quá mức vào những miêu tả đồ vật gắng gượng mang hơi hướm triết học theo lối Tiểu thuyết Mới. Các hội đồng chấm giải cũng thường xuyên ưa đem đề tài nước Pháp ra trưng bày ở mặt tiền giải thưởng của họ.

 

Một tiểu thuyết Pháp là khi Beigbeder từ bỏ “cái lốt căn cước” Marc Marronnier của một số tác phẩm trước đó, trở lại thành chính Frédéric Beigbeder và, đột nhiên, nhà văn thời thượng gốc gác quý tộc đốt cháy đời mình trong vô vàn bữa tiệc đêm cảm thấy nhu cầu tìm về nguồn gốc gia đình và đưa sự duyên dáng trong văn phong của ông đi vào một cuộc tra vấn về ký ức.

 

Ngay ở cuối chương “Mào đầu”, Beigbeder đã cho biết nguồn gốc gia đình mình gắn chặt vào lịch sử nước Pháp như thế nào: “Tôi là hậu duệ của một hiệp sĩ sùng đạo đã bị đóng đinh thập giá lên đám dây thép gai ở Champagne” (tr. 10); câu văn này muốn nhắc tới người ông của Beigbeder tử trận trong Thế chiến thứ nhất. Không chỉ có vậy, anh trai của nhà văn được phong tước hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh và một ông tổ từng được nhà thơ vĩ đại thế kỷ XVI Ronsard làm thơ tặng (bản tụng ca tặng Anthoine de Chasteigner). Mối quan hệ giữa số phận một con người và số phận đất nước của anh ta được tường thuật ngắn gọn đầy tiêu biểu ở những lời người ông của tác giả nói trên giường hấp hối: “Cụ của cháu là một anh hùng của hồi 1914-1918, ông của cháu là một cựu chiến binh của cuộc chiến tranh tiếp theo, thế mà cháu lại tin rằng những bạo lực ấy không gây chút hậu quả nào lên các thế hệ sau ư? Chính là nhờ có sự hy sinh của chúng ta mà cháu được sống tại một đất nước hòa bình, cháu trai yêu quý của ông ạ. Đừng quên những gì chúng ta đã trải qua, đừng nhầm lẫn về đất nước của cháu. Đừng quên cháu từ đâu đến” (tr. 64).

 

Những câu chuyện này là kết quả của một cuộc truy tìm trong ký ức, ký ức chính mình và cả ký ức gia đình, khi Beigbeder bị nhốt giam do dùng ma túy ngoài đường vì không kịp chạy khi cảnh sát đến. Trong một sự hào phóng về nhìn nhận quá khứ, Beigbeder còn gắn kết mình vào với một đội quân nhà văn từng ngồi tù, tự ghi tên mình vào cái danh sách dài buồn thảm của những nhà văn thích coi thường pháp luật: Villon, Cervantes, Casanova, Voltaire, Sade, Verlaine, Wilde, Dostoievski, Genet, Céline… Sự giam giữ làm con người ta xa lánh những người khác và gần gũi với những con người trong trí tưởng tượng. Vẫn giữ được khiếu hài hước từng góp phần quan trọng làm nên tên tuổi cho ông, Beigbeder nhại Dostoievski và Villon mà viết trong hoàn cảnh khó khăn của mình: “Cám ơn ngài thanh tra, tôi chỉ còn một việc là viết “Những kỷ niệm về ngôi nhà người sống”, “Bản ba lát nhà tù Champs-Élysées nữa mà thôi”!” (tr. 92). Và quyết định của ông ngay lập tức rất rõ ràng: “quyển sách này sẽ là một cuộc điều tra về cái xám xịt, cái rỗng, một cuộc hành trình lần theo hang hốc để xuống tận đáy sự bình thường của giới tư sản, một phóng sự về sự tầm thường Pháp” (tr. 19).

 

“Cuộc điều tra” này mang lại nhiều buồn bã, hoài nhớ: “Ông bà nội ngoại của tôi đều đã chết trước khi tôi kịp quan tâm thực sự tới cuộc đời họ”, bởi “vào cái thời điểm đến lượt mình cũng trở thành bố mẹ, bọn con cái rốt cuộc cũng muốn biết chúng từ đâu đến, nhưng các nấm mồ đâu có chịu trả lời” (tr. 46), nó cũng đưa Beigbeder quay trở lại qua cuộc ly dị mệt mỏi của bố mẹ, những chứng bệnh liên miên của một thời tuổi thơ nhìn chung dư dả nhưng yếu đuối, cô độc, và cả sự lép vế thường trực, nhất là trong lĩnh vực tình dục, trước người anh trai nổi tiếng, bặt thiệp, hào hoa. Thế nhưng, cái “phóng sự về sự tầm thường Pháp” này cũng đưa ông về với kỷ niệm đầy hạnh phúc bên bờ biển với người ông, những viên đá thia lia ném xuống nước và những con tôm câu được, để rồi cuốn tiểu thuyết kết thúc với cùng khung cảnh, nhưng lần này là Beigbeder dạy con gái (cũng đã phải chứng kiến cuộc ly dị của bố mẹ nó) ném thia lia trên mặt nước, và cuốn sách xét cho cùng là một sự mở ra đầy tươi sáng cho một người “từng mơ mình là một electron tự do nhưng người ta không thể nào tự cắt đứt vĩnh viễn khỏi gốc rễ của mình” (tr. 55), vì đã có can đảm trở ngược lại quá khứ.

 

Người ta sẽ không thể nói tới vẻ tươi sáng ấy trong cuốn tiểu thuyết Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq. Mặc dù vẫn được tiếng là gần gũi với nhau, văn chương của Beigbeder hoạt bát, nhiều niềm vui bao nhiêu (ngay cả khi châm biếm thì cũng rất “cảnh vẻ”) thì Houellebecq u ám bấy nhiêu, câu văn nào cũng đậm chất mỉa mai cay độc. Điều hay khi ta đặt Một tiểu thuyết PhápBản đồ và vùng đất cạnh nhau là trong tác phẩm của Michel Houellebecq lại xuất hiện Frédéric Beigbeder, với tư cách nhân vật (thật ra bản thân Michel Houellebecq cũng trở thành nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của Michel Houellebecq, và đây cũng là một khía cạnh rất quan trọng có thể bình luận, nhưng ở đây tạm bỏ qua), và thậm chí vài lần Beigbeder còn được Houellebecq gọi là “tác giả Một tiểu thuyết Pháp”. Chi tiết cuối truyện là Jed Martin, nhân vật chính, biết được tin Frédéric Beigbeder qua đời ở tuổi bảy mươi mốt (Bản đồ và vùng đất diễn ra ở một quãng thời gian trong tương lai, tuy nhiên không xa thời chúng ta lắm), giữa sự yêu mến và thương tiếc của người thân. Cả Một tiểu thuyết PhápBản đồ và vùng đất đều không e ngại đưa người có thật vào, cả hai đều dày đặc những giai thoại, nhận xét về vô số người nổi tiếng trong xã hội Pháp, nhất là ở giới văn chương, nhưng trong khi Một tiểu thuyết Pháp đùa bỡn nhẹ nhàng trong một sự hoài nhớ mơ hồ, thì Bản đồ và vùng đất thẳng thừng giúp tác giả “xử lý” những ai mà ông không ưa (Michel Houellebecq nổi tiếng ở Pháp là người khó gần và bị nhiều người ghét: bản thân nhân vật nhà văn Houellebecq trong cuốn tiểu thuyết cũng nói rõ: “không tuần nào mà tôi không bị “phẹt” vào mặt trên một ấn phẩm nào đó”), đặc biệt là các nhà phê bình, trong đó có đích danh Didier Jacob, người vốn nổi tiếng không ưa Houellebecq (và cả Beigbeder) - thậm chí đã có nhà phê bình công khai chỉ trích việc Houellebecq để cho nhân vật của mình gọi các nhà phê bình văn học là “những cái “lỗ đít” ở chốn Paris” (chi tiết xuất hiện sau khi nhân vật nhà văn Michel Houellebecq trong Bản đồ và vùng đất qua đời).

 

Bản đồ và vùng đất, như nhan đề đã một phần chỉ ra, quan tâm nhiều đến các vùng đất của nước Pháp, nhất là các vùng nông thôn. Dự án nghệ thuật làm nên tên tuổi cho họa sĩ Jed Martin trong cuốn tiểu thuyết là sử dụng các bản đồ đường bộ của hãng Michelin tạo ra những bức ảnh chụp trong triển lãm mang tên “Bản đồ thú vị hơn vùng đất”. Vốn không được tiếng là quan tâm nhiều đến tình hình thời sự, ở cuốn tiểu thuyết này đột nhiên Michel Houellebecq để cho nhân vật của mình, sau giai đoạn chụp ảnh các tấm bản đồ vùng và tỉnh nước Pháp, chuyển sang giai đoạn vẽ tranh sơn dầu miêu tả các nghề nghiệp, trong đó phần nhiều là nghề thủ công truyền thống, những người bình thường như bán thịt ngựa, quản lý quán cà phê… Trong tác phẩm có vô số miêu tả chi li những món ăn vùng miền cùng đặc trưng cuộc sống của một số vùng quê (những miêu tả này đã gây rắc rối cho Michel Houellebecq khi ông bị tố cáo là đã chép nguyên xi nhiều đoạn của từ điển mở trên Internet, Wikipedia).

 

Câu kết của cuốn tiểu thuyết: “Sự chiến thắng của thực vật là hoàn toàn” dựng ra một viễn cảnh đen tối cho sự tồn tại của loài người trên trái đất, khi mà toàn bộ lao động quá khứ của họ, đặc biệt lao động công nghiệp, dần dà bị xóa sổ trong những tác phẩm cuối đời của Jed Martin (giờ đây đã chuyển sang giai đoạn video art), nhưng trong hình dung của Houellebecq nhà văn viễn tưởng, nước Pháp sẽ có một tương lai không đến nỗi nào (điều này khá là khác so với miêu tả trong Hạt cơ bản):

 

“Nhìn chung hơn, nước Pháp, ở bình diện kinh tế, khá ổn. Trở thành một đất nước chủ yếu thiên về nông nghiệp và du lịch, nó cho thấy một sự cường tráng đáng kể trong những đợt khủng hoảng liên tiếp xảy ra, gần như không lúc nào ngớt, trong vòng hai mươi năm qua. Những đợt khủng hoảng ấy mỗi lúc một mạnh hơn, với tính chất có thể dự đoán đầy kệch cỡm - dù thế nào thì cũng là kệch cỡm trong cái nhìn của một vị Chúa thích chế giễu, người hẳn là thả sức vui thích những cơn quặn mình về tài chính đột nhiên biến thành phồn vinh, rồi đói kém, của các thực thể ở mức Indonesia, Nga hay Braxin: các nước có dân số hàng trăm triệu người. Vì gần như chỉ phải đem bán các khách sạn duyên dáng, nước hoa và thịt nghiền - được người ta gọi là một nghệ thuật sống, nước Pháp đã kháng cự lại không mấy khó khăn trước những bất ổn đó. Từ năm này sang năm kia quốc tịch khách hàng cứ thay đổi, chỉ vậy thôi.”

 

Cùng đặt tác phẩm của mình vào gần hơn với chủ đề đất nước mình, tuy rằng mỗi người theo một cách thức riêng, Frédéric Beigbeder và Michel Houellebecq cùng thể hiện một sự già dặn hơn trong cách nhìn. Hoặc giả, họ đã bắt đầu mệt mỏi với việc đứng riêng một chỗ quá lâu.

 

 

                                              Theo Cao Việt Dũng  - Văn nghệ Trẻ






























 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng