Nghệ sỹ Phạm Quý Dương tuy không thuộc lớp nghệ sĩ được học hành bài bản đầu tiên của âm nhạc bác học VN, nhưng do giọng ca trời phú, do ngoại hình đẹp và duyên may, ông đã được các chuyên gia âm nhạc Xô Viết chọn vào vai chính của vở opera kinh điển Epghenhi Onhegin (Tchaikovsky, dựa theo thi phẩm của Puskin) khi lần đầu tiên họ sang VN dựng opera (1960).
Ông cũng liên tiếp vào vai chính trong các vở nhạc kịch: Ruồi trâu, Madame Butterfly… Suốt thời chiến tranh, giọng hát ngọt ngào truyền cảm của ông với các ca khúc cách mạng bất hủ như Tình Ca (Hoàng Việt), Cùng anh tiến quân trên đường dài,Tình em (Huy Du), Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung)… đã trở thành tình yêu, niềm động viên và khích lệ với các chiến sĩ ngoài chiến trường. Ông hát trên sóng phát thanh, hát ngay trên trận địa.
Hòa bình, nghệ sĩ Quý Dương được cử đi đào tạo bậc trên đại học về thanh nhạc ở Bulgaria và trở thành một trong những giảng viên thanh nhạc có nhiều học trò xuất sắc nhất của nhạc viện Hà Nội: Bích Việt, Trung Đức, Hoàng Quy…
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển thế giới với nghệ thuật dân gian VN đã khiến giọng hát của ông có sự truyền cảm và ảnh hưởng rộng lớn. Ông cũng hát rất thành công các bài hát tiền chiến của Văn Cao, các ca khúc trữ tình thế giới.
Cùng với nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu và nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, ông tham gia nhóm tam ca mà công chúng yêu mến gọi là 3C (3 cụ) chuyên hát các bài hát cách mạng và ca khúc lãng mạn chấu Âu cho đến khi bệnh tật không cho phép ông lên sân khấu nữa.
Quý Dương có niềm tự hào chính đáng vì mình là một “người hát đẹp” - theo nhiều nghĩa. Ông cũng có một niềm tự hào khác: sự thành công trong nghệ thuật và cuộc sống của NSƯT Chí Trung, con trai ông
NSƯT Chí Trung cho biết cha anh hiện được quàn tài Nhà tang lễ Bộ Quóc phòng và tang lễ sẽ được tổ chức trong vài ngày tới.
Theo V.Hoài - TTO
|