Tạp chí Sông Hương -
Chuyện về ngư trường Hoàng Sa
10:06 | 29/06/2011
Chúng tôi đến đảo Lý Sơn khi cây bàng biển cổ thụ trước chùa Hang trổ những chùm hoa cuối mùa trắng tím; khi lão ngư ngồi bờ kể về ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa...
Chuyện về ngư trường Hoàng Sa
Ông Trần Văn Thành đang kể về chuyến đi biển định mệnh, bị phía Trung Quốc bắt giữ. Ảnh:

Chuyện hôm nay!

Hơn 40 năm làm nghề đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông Trần Văn Thành ở thôn Đông, xã Vĩnh An, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, coi biển như là nhà. Vậy mà... vẻ khắc khổ đang hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông trông rất rắn rỏi này khi hướng ra biển. Cặp mắt buồn rười rượi, ông Thành bắt đầu câu chuyện lớn nhất của đời mình một cách chậm rãi...

“Tui thấy tàu kiểm ngư của Trung Quốc bằng bàn tay là đã bỏ chạy nhưng vẫn không thoát được”, ông Thành kể về chuyến đi biển định mệnh - bị phía Trung Quốc bắt giữ tàu đòi tiền chuộc - vừa xảy ra. Cho tàu chạy hết vận tốc nhưng ông Thành vẫn thấy tàu Trung Quốc càng lúc càng lớn dần. Cuối cùng thì tàu của ông cùng 14 ngư dân đã bị Trung Quốc bắt và kéo về đảo Bàu Trắng (Phú Lâm). Ông nói: “Cập đảo, tui thấy có đến ba chiếc tàu của Việt Nam neo đậu”. Đó là những chiếc tàu và ngư dân chịu cùng cảnh ngộ như tàu của ông.

Ngư dân trên tàu của ông Thành bị trùm đầu, bịt mắt, cởi trần khi đặt chân lên đảo. Sau đó họ bị đẩy lên xe... và bị nhốt vào một nhà kho chứa xi măng, cuốc, xẻng - không nhà vệ sinh, không áo mặc. “Đoạn đường từ bờ biển đến nơi bị giam rất ngắn, vì mới leo lên xe đã tới ngay”, ông Thành nói. Rồi những ngư dân này tiếp tục bị bịt mắt dắt đi hỏi cung. “Họ hỏi thuyền trưởng, thuyền phó, tàu dài bao nhiêu, máy tàu loại gì...”, ông Thành kể.

Hai ngày sau, ông Thành được phép gọi điện về gia đình để thông báo tình hình tàu bị bắt. Đến ngày thứ tư thì ông được thông báo: nếu muốn về phải nộp phạt. Rồi phía Trung Quốc đồng ý cho 10 người về, giữ lại bốn người (trong đó có thuyền trưởng, thuyền phó) làm con tin. Thế nhưng, khi 10 người được chở ra tàu thì ngư cụ, nước sinh hoạt, dầu máy... đã bị lấy gần hết, chỉ còn lại một lượng dầu, nước, gạo vừa đủ để quay về.

Tàu chạy một ngày nửa đêm thì về đến đảo Lý Sơn, ông Thành vội cầm tờ giấy mà phía Trung Quốc đưa vào đất liền nhờ người dịch. Ông tá hỏa khi biết Trung Quốc đòi tiền phạt tới gần 180 triệu đồng. Ông nói: “Ngư trường truyền thống của mình, mình đánh bắt mà bị Trung Quốc phạt, vô lý quá! Nhưng nếu không đóng phạt thì anh em, trong đó có con cháu mình, còn kẹt ngoài Hoàng Sa không về được”.

Thế là ông Thành buộc phải đi vay mượn tiền để chuộc người về. Ông nói: “Tui vừa bán chiếc tàu đề lấy tiền trả nợ... Sự nghiệp tàu ghe mấy mươi năm nay giờ cũng tiêu luôn rồi!” Vậy mà, khi được hỏi, bây giờ có dám đi ngư trường Hoàng Sa nữa không? Ông cười: “Nếu có chủ tàu nào rủ đi bạn thì đi vì biển cũng như nhà của tui mà!”.Cũng với câu hỏi đó, anh Nguyễn Hùng, một ngư dân trẻ ở xóm kế bên xóm ông Thành, nói chắc nịch: “Có chứ”. Anh kể, năm rồi anh đi vớt rong chân vịt, lặn hải sâm ở Hoàng Sa, tàu chết máy trôi vô đảo Bàu Trắng, bị Trung Quốc bắt phải đi về bằng đường bộ. Nhưng đó không phải là lần duy nhất anh bị Trung Quốc bắt. Hùng cho biết anh từng bị Trung Quốc bắt bốn lần, trong đó có lần chạy thoát vì tàu Trung Quốc kéo đến bảy tàu của Việt Nam (cùng bị bắt) nặng quá nên tàu anh cắt dây bỏ chạy!

Chuyện hôm qua, ngày mai...

Anh Hùng nói: “Chuyện Trung Quốc bắt bớ tàu Việt Nam mới xảy ra vài năm nay thôi. Những năm trước, khi tàu cá mình vào gần đảo Bàu Trắng, họ chỉ xua đuổi”. Còn theo ông Thành: “Mấy năm trước phía Trung Quốc chỉ lấy ít cá để ăn; rồi họ vẽ lá cờ Việt Nam và chĩa mũi tên vào - ý họ yêu cầu mình quay tàu về Việt Nam”.

Ông Thành bắt đầu đi biển khi mới 15 tuổi, 17 tuổi đi Hoàng Sa chuyến đầu đời, khi đó Hoàng Sa còn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền miền Nam Việt Nam. Ông kể, hồi đó, đi biển còn thắp cây đèn hột vịt, không có thiết bị định vị mà “thấy chim bay là biết gần đến đảo”... Tàu nhỏ, phương tiện đi biển hầu như không có gì, ngay cả bình hơi, dây dẫn khí...để lặn cũng không. Nhưng nhờ ngư trường Hoàng Sa giàu có nên chuyến đi nào tàu cũng đầy khẳm hải sản.

Ông Nguyễn Lộc (thôn Đông, An Vĩnh) đã giã từ nghề biển vì tuổi cao nhưng nghe nhắc tới Hoàng Sa thì mắt như sáng lên. Suốt cuộc đời, ông Lộc không thể nào quên được hai chữ Hoàng Sa. Ở đó có những rạn san hô cá nhiều vô kể, có thể bắt hàng tấn ốc, nhưng cũng có khi ông “chết đi sống lại”. Nghe ông kể câu chuyện năm 1995 mà như mới diễn ra hôm qua... Đó là chuyến đi câu mực bằng thuyền thúng và đèn măng sông trong mùa biển lặng. Khi mặt trời chìm nơi cuối chân trời cũng là lúc tàu lớn lần lượt thả 12 thuyền thúng và ngư dân (mỗi thuyền thúng một ngư dân và một đèn măng sông) để câu mực. Nhưng đến nửa đêm thì giông tố nổi lên đúng lúc cái đèn trên thuyền của ông Lộc hết dầu nên tàu lớn không nhìn thấy để vớt. Do gió lớn nên sáng ra thuyền thúng đã trôi xa, tàu lớn cứ tưởng ông gặp nạn rồi nên bỏ đi.

Lênh đênh trên biển hai ngày hai đêm trong mưa gió tầm tã, ông Lộc đã nghĩ đến cái chết. Nhưng khi trôi đến gần đảo Hải Nam thì một chiếc tàu của ngư dân Kỳ Hà, Quảng Nam, nhìn thấy và cứu ông. Sau đó, ông được chuyển sang một tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn để “quá giang” về nhà. Đến nhà ông mới hay, chủ tàu đã đem tiền chồng cho vợ con ông (như tiền bảo hiểm) vì ai cũng nghĩ ông đã chết.

Ông Lộc cho rằng ông sống sót là nhờ ở ngư trường Hoàng Sa, thậm chí gần khu vực đảo Hải Nam, khi đó tàu cá của Việt Nam hoạt động nhiều. Bởi ở đó có những đảo ngầm (nhô lên khi triều xuống) rộng hàng chục ki lô mét vuông với vô số hải sản sinh sống.

Theo anh Đặng Hoa, một chủ tàu ở thôn Đông, An Hải, Lý Sơn, năm bảy năm trước tàu của ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc gặp nhau ở ngư trường này rất thường xuyên. “Nhiều lần chúng tôi trao đổi gạo, bia... thậm chí nhậu cùng nhau rất thân thiện”, anh Hoa kể. Thế nhưng, hiện nay anh Hoa đã hạn chế đi ngư trường Hoàng Sa mà quay sang ngư trường Trường Sa do sự bắt bớ phi lý của phía Trung Quốc. Dù vậy, anh vẫn mơ về một ngày mai, anh, thậm chí con cháu anh sẽ lại tự do đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa truyền thống của ông cha... Như anh nói, cây bàng biển trên đảo Lý Sơn còn thì ngư dân đảo còn ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản.



Theo Quang Chung – Kinh Tế Sài Gòn







































Các bài mới
Các bài đã đăng